Không cắt bỏ "khối u", khó giải quyết được vấn đề SGK

(Dân trí) - Chương trình là cốt lõi của nền học, sách giáo khoa là tài liệu mang tính pháp lý trong dạy và học. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhiều biện pháp được thực thi, nhưng thực tế CT-SGK năm nào cũng chỉnh sửa in lại.

Năm nay NXBGD lại đề nghị tăng giá SGK thêm 10% , gây nhiều bức xúc cho xã hội. Dựa vào kinh nghiệm khoa học và thực tiễn trong và ngoài nước, tôi xin mạnh dạn góp những kiến giải nhằm bình ổn vấn đề này.

Từ thực tiễn

Kể từ năm 1945 đến nay ta có 5 lần thiết kế lại chương trình và chuẩn bị hay biên soạn lại SGK vào những năm 1945, 1955, 1975, 1981, 2002. Ba lần đầu làm tập trung và thay đồng loạt SGK cho tất cả các bậc học, còn hai lần sau làm theo cách cắt khúc cuốn chiếu “vừa chạy vừa xếp hàng”. Nếu ba lần đầu, chương trình giáo dục ổn định, SGK được dùng hàng chục năm, thì hai lần sau chưa có chương trình giáo dục chính thức, SGK hàng chục năm nay được chỉnh sửa và in lại hàng năm. Chưa nói giáo dục bất ổn, kinh phí mà người dân bỏ ra ngày càng tăng.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: buihoangtam.khdt@gmail.com.

Theo Tổng cục thống kê Nhà nước năm 2004, người dân phải bỏ ra trên 2.000 tỷ đồng để mua sách học. Cơ cấu sách bất hợp lý, sách ở bậc phổ thông làm HS bội thực, còn sách ĐH quá ít, việc đói sách học hay diễn ra suốt 20 năm đổi mới.

Theo số liệu của Cục xuất bản thì mỗi khối lớp trung bình mỗi năm sử dụng trên 200 đầu sách, trong đó khoảng 60 SGK, còn lại sách tham khảo (STK) và giá STK cao hơn SGK khoảng 5-10 lần (Lao Động cuối tuần 9/9/2007). Nghiên cứu STK cho thấy 1/10 sách tra cứu là cần thiết, còn lại là vô bổ, chưa nói là có hại cho HS. Ví dụ, môn tiếng Việt, năm 2003  ta bắt đầu thay sách cho 1,7 triệu HS vào lớp 1. Môn này có 2 tập, giá bìa hai cuốn là 18.600đồng/bộ. NXBGD thu về 31,62 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia thì tiền lãi  NXBGD thu về gần 30 tỷ đồng, khoảng 2 triệu USD. Năm nay, môn tiếng Việt NXBGD in lại với giá  21.400 đồng/hai tập. Tại các nước, vòng đời cuốn SGK này có chế tài sử dụng ít nhất mười năm. Ta năm nào cũng in lại, công sức bỏ ra không đáng kể?

Về in SGK, trong phiên họp tháng 7/2001, nguyên thủ tướng Phan Văn Khải chỉ thị “Chấm dứt năm nào cũng in lại SGK...” (Thế Giới Mới, Số 449, ra ngày 13/8/2001). Vấn đề SGK được GS Hoàng Tuỵ coi là một trong ba “cục bướu dị dạng” (SGK, thi cử và học thêm tràn lan) cần phải sớm cắt bỏ.    

Qua những sự kiện trên đây, có thể thấy NXBGD hoạt động ngoài khuôn khổ pháp luật. Việc tự ý nâng giá SGK lên 10% khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép thật là dễ hiểu.

Nguyên nhân và hậu quả

CT-SGK là công trình khoa học mang tầm vóc quốc gia. Chủ trì công việc này ở nước ngoài thường phải là người có tâm và có tầm, am hiểu giáo dục và khoa học trong ngoài nước. Song ở nước ta vai trò này vô tình hay hữu ý được trao cho Giám đốc NXBGD, với nhiệm vụ càng nhiều lợi nhuận càng tốt.

Do bất cập về khâu nhân sự, nên cách thiết kế chương trình và biên soạn SGK của ta chẳng giống ai. Ở tầm quốc gia không hề có CT-SGK chuẩn trong, ngoài nước để tham khảo (có thể một vài tác giả tự sưu tầm sách cho mình, nhưng nhìn chung là chưa đầy đủ, chưa tiêu biểu và thiếu tính hệ thống). Việc chỉnh sửa và in lại SGK triền miên đã 27 năm qua, nhưng không có bất cứ một người có trách nhiệm nào trả lời  trước Quốc hội và dân: bao giờ có CT-SGK chuẩn để ổn định giáo dục phổ thông.

So với  mặt bằng giáo dục chung của các nước, nhiều nội dung trong SGK của ta nặng hơn từ 1-3 năm. Cách làm cắt khúc cuốn chiếu, kiến thức không liền mạch; ngôn ngữ trình bày không thông dụng xa với cuộc sống, khó học khó nhớ. Việc hàng trăm ngàn học sinh nghỉ học hiện nay đang là vấn nạn, mà một trong những nguyên nhân sâu xa chính là chương trình nặng và SGK quá tải. Để chuyển tải được chương trình hiện nay, nhiều học sinh phải học thêm với số tiền bỏ ra rất lớn. Theo số liệu điều tra của các tổ chức VN và Quốc tế, mỗi năm số tiền học thêm mà người dân phải bỏ ra khoảng 300 triệu USD.

Chương trình, SGK hiện nay chưa phải là một sản phẩm khoa học. Sản phẩm kém chất lượng mà muốn tăng giá là phi lý và áp đặt.

Giải pháp

Trước mắt giữ nguyên giá SGK như năm ngoái. Giá giấy tăng năm nay làm NXBGD lỗ 50 tỷ đồng, hoàn toàn có thể cân đối với nhiều khoản lãi mà NXBGD đang thu. Ví dụ, giá 6 cuốn sách ôn tập thi tốt nghiệp phổ thông năm nay là 96.000 đồng. Hiện ta có gần 1 triệu HS lớp 12, chỉ cần 50% số học sinh mua bộ sách này , NXBGD sẽ thu được khoản tiền cũng gần đủ 50 tỷ đồng. Các sách ôn tập này ở nước ta nhiều nước không hề có.

Theo Điều 36 của Hiến Pháp 2002, Điều 100 của Luật Giáo dục năm 2005, về chương trình giáo dục và SGK, người chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân là Chính phủ, cụ thể là Thủ tướng. Để giải quyết tận gốc vấn đề, ta cần sớm có CT-SGK chuẩn. Giải pháp mới cho CT-SGK đã được nhóm các nhà khoa học trình bày trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng vài năm nay “CT-SGK chuẩn phù hợp với Việt Nam, hội nhập thế giới theo các chuẩn mực học thuật sẽ hoàn thành trong vòng một năm, với kinh phí chỉ khoảng 100 tỷ đồng, để ta có thể thay đồng loạt CT-SGK mới từ lớp 1 đến lớp 12”.

Tính hiệu quả và thực tế của giải pháp mới, xin lưu ý không còn bất cứ sự phản bác nào, kể cả lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Chế tài sử dụng SGK chuẩn  ít nhất 10 năm hay lâu hơn mới được in lai, sẽ đươc Quốc hội thông qua, như các nước. Việc cung cấp miễn phí SGK cho HS như các nước sẽ hoàn toàn khả thi. “Khối u dị dạng” liên quan đến  SGK đeo bám vào giáo dục nước ta hoàn toàn có thể được loại bỏ.

GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn
(ĐHQG Hà Nội)