Không bắt buộc xét nghiệm với trẻ dưới 12 tuổi: Mong được áp dụng toàn quốc

(Dân trí) - Bạn đọc cho rằng không cần thiết xét nghiệm diện rộng cả trẻ em, vì nếu trẻ không ra ngoài thì chỉ có nguy cơ từ người lớn trong gia đình. Chỉ khi xác định khu vực có F0, F1 mới kiểm tra bắt buộc.

Thời gian gần đây, thành phố Hà Nội tiến hành tiêm chủng và xét nghiệm "thần tốc" diện rộng nhằm sàng lọc, phát hiện người mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai một số địa phương áp dụng tùy tiện, hiểu một cách khác nhau về chủ trương của thành phố, đã tiến hành xét nghiệm cho trẻ em dưới 12 tuổi, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Cụ thể, những ngày qua một số quận huyện, xã, phường hiểu sai, đã gửi thông báo tới các khu dân cư, cư dân các tòa nhà để thông báo về việc xét nghiệm diện rộng. Trong đó có nơi thông báo xét nghiệm cho trẻ em dưới 12 tuổi, đặc biệt có nơi thông báo xét nghiệm bắt buộc cho trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh, gây xôn xao dư luận.

Không bắt buộc xét nghiệm với trẻ dưới 12 tuổi: Mong được áp dụng toàn quốc - 1

Thông báo yêu cầu mọi người trong khu vực phải đi xét nghiệm Covid-19, kể cả trẻ sơ sinh khiến người dân bức xúc.

Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các địa phương rà soát lại các đối tượng cần xét nghiệm, bảo đảm không bỏ sót F0 trong cộng đồng, nhưng cũng không tạo ra bức xúc trong dư luận. Đối với trẻ em dưới 12 tuổi, không bắt buộc xét nghiệm (trừ những trường hợp có biểu hiện nghi mắc Covid-19).

Mong áp dụng quy định này trên toàn quốc

Bình luận về vấn đề này, bạn đọc Nam Giang cho rằng khi có chỉ đạo, các bên liên quan như y tế nên có tham mưu, hướng dẫn cho lãnh đạo các địa phương bởi: "Cá nhân tôi thấy không cần thiết xét nghiệm diện rộng cả trẻ em, vì không cần thiết bởi những lý do: Thứ nhất, gia đình 4 người xét nghiệm mà một người bị dương tính thì chắc chắn phải xét nghiệm lại tất cả thì khi đó xét nghiệm cho trẻ cũng chưa muộn.

Thứ hai, trong lúc vật tư y tế không phải sẵn có mà dùng lãng phí là không nên. Thứ ba, niêm mạc mũi mỏng và dễ tổn thương. Người lớn còn nhiều lúc bị đau trong khi trẻ nhỏ phần niêm mạc ngắn và nhỏ, không nên dùng loại của người lớn cho trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến các cháu. Chỉ khi xác định khu vực có F0, F1 thì mới nên kiểm tra bắt buộc".

Bạn đọc Nguyễn Xuân Chiến đồng quan điểm: "Xét nghiệm bố mẹ, ông bà là được rồi. Nếu trẻ không ra ngoài thì chỉ có nguy cơ từ người lớn trong gia đình. Đang giãn cách xã hội thì làm gì có chuyện trẻ em lây cho bạn bè, trừ khi không chấp hành quy định. Nếu xét nghiệm người lớn mà âm tính thì khả năng trẻ em cũng âm tính là cao, đâu cần xét nghiệm thêm (đây là xét nghiệm diện rộng để rà soát nguy cơ). Trong trường hợp có biểu hiện ho, sốt thì mới có thể cần xét nghiệm để khẳng định".

Không bắt buộc xét nghiệm với trẻ dưới 12 tuổi: Mong được áp dụng toàn quốc - 2

Đối với trẻ em dưới 12 tuổi, không bắt buộc xét nghiệm (trừ những trường hợp có biểu hiện nghi mắc Covid-19) (Ảnh minh họa).

"Cám ơn bà Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã kịp thời ra công văn làm rõ vấn đề này, dù muộn còn hơn không bởi cụm dân cư tôi ở vừa mới hôm thứ 7 này, tất cả người dân từ trẻ nhỏ một tuổi cũng đã bị yêu cầu phải đi xét nghiệm. Việc phải xếp hàng lâu chờ đến lượt đã sốt ruột rồi, lại cộng thêm việc các cháu nhỏ không hợp tác do sợ hãi, đau đớn nên khóc lóc ầm cả khu vực lấy mẫu khiến ai cũng bức xúc. Thời gian giãn cách này các cháu ở nhà với gia đình cả tháng, nếu có bị chắc chắn do người lớn ra ngoài mang về, chưa kể trẻ vài ba tuổi nếu có phải đi cách ly thì cũng phải đi theo gia đình, thì xét nghiệm với các cháu có tác dụng gì ngoài cái lãng phí?", bạn đọc Đức Cương. 

Cho rằng cần áp dụng quy định này trên toàn quốc đối với các cháu nhỏ, một nhân viên y tế từng trực tiếp đi lấy mẫu test cho biết: "Mình là người trực tiếp đi lấy mẫu test, lấy cho người lớn còn khó chịu, đau. Mỗi lần lấy cho các bé lại thấy tội nghiệp, người giữ tay, người giữ chân, người động viên. Mong sao quy định này áp dụng toàn quốc cho các con khỏi sợ".

Một bạn đọc sống tại TP Vũng Tàu chung niềm mong mỏi: "Mình cũng mong Vũng Tàu cũng như vậy. Bé nhà mình 3 tuổi lấy mẫu liên tục phải người giữ tay giữ chân bởi bé thường la hét hoảng sợ mỗi khi thấy cảnh lấy mẫu. Trong khi một tháng lấy mẫu không biết bao nhiêu lần, riêng 3 ngày nay lấy mẫu tới 2 lần liên tục".

Cần nhân rộng những mô hình tốt

Từ khi TP Hà Nội tổ chức xét nghiệm toàn dân, qua nhiều phản ánh của bạn đọc cho thấy nhiều địa phương đã làm rất tốt, từ cách phân chia khung giờ theo từng cụm, tổ dân phố tới cách sắp xếp lấy mẫu. Bên cạnh đó cũng có một số nơi tổ chức chưa hợp lý, loạn chỉ đạo.

Như báo chí phản ánh, vào ngày 11/9, tại Trường Tiểu học Trung Văn xảy tình trạng chen lấn, tập trung đông người tiêm vắc xin và xét nghiệm diện rộng, có dấu hiệu vi phạm nhiều quy định phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.

UBND phường Trung Văn sau đó đã được yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong quá trình thông báo tiêm vắc xin, dẫn đến tình trạng người dân tập trung đông, gây mất an toàn.

Không bắt buộc xét nghiệm với trẻ dưới 12 tuổi: Mong được áp dụng toàn quốc - 3

Hình ảnh hàng trăm người tập trung, chen lấn trước điểm tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên địa bàn phường Trung Văn (Ảnh: Vietnamnet).

Bạn đọc Văn Hợp Nguyễn viết: "Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở phải xử lý rõ ràng. Nhưng bên cạnh đó cũng là ý thức của người dân, cùng với đó là cách truyền tải thông tin của một số cá nhân không đúng dẫn đến hoang mang trong dân. Như khu vực tôi sinh sống, không biết thông tin ở đâu, một người lên mạng xã hội đăng tin hết vắc xin, bảo mọi người tranh thủ ra tiêm không thì sẽ không được tiêm nữa. Thế là người dân đổ xô nhau ra điểm tiêm, dẫn đến cảnh chen lấn, tập trung đông người...".

Cho rằng ý thức của người dân phụ thuộc vào cách sắp xếp, tổ chức của chính quyền địa phương, bạn đọc Dương Nguyễn Văn: "Tôi sống ở một phường tại Hà Nội. Ngày 10/9 có triển khai tiêm vắc xin. Công tác tổ chức cũng rất tệ: người dân ở từng tổ dân phố không hề được thông báo trên loa đài hoặc nhắn tin qua số điện thoại đăng ký. Người dân nghe truyền miệng nhau và ùn ùn kéo đến địa điểm tiêm chủng. Do đó, ngoài đeo khẩu trang thì chẳng có tuân thủ biện pháp gì cả. Nguy cơ lây lan rất cao. Cũng rất may là không có F0. Rất mong Ban lãnh đạo các phường sẽ lên kế hoạch cẩn thận để đảm bảo an toàn cho đợt tiêm chủng lần 2".

"Công điện 20 có 2 lần nhấn mạnh xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên địa bàn TP, không có chữ nào phân theo độ tuổi, chính vì vậy các quận, huyện bên dưới hiểu nhầm là lẽ đương nhiên. Vì vậy, thiết nghĩ khi ban hành một quy định nào đó, rất mong cơ quan ban hành nên phối hợp với đơn vị chuyên môn như y tế, công an để có sự tham mưu, thống nhất về cách tổ chức sao cho khoa học và hợp lí nhất, tránh mỗi nơi hiểu một kiểu và xảy ra tình trạng lộn xộn", bạn đọc Quang Hưng Nguyễn.

Dẫn chứng một mô hình tổ chức tốt, bạn đọc Nguyễn Văn Đa mong muốn mô hình này được nhân rộng tại các địa bàn khác: "Mời mọi người đến địa chỉ 22 Đặng Tiến Đông (Nhà văn Hóa của Quận Đống Đa) quan sát và học tập cán bộ của Phường Trung Liệt (trong đó có cả Chủ tịch, Phó chủ tịch) chỉ đạo dân tập trung tiêm vắc xin rất trật tự và giãn cách đúng quy định.

Đặc biệt còn có chế độ ưu tiên cho người trên 65 tuổi được xếp hàng tiêm trước, vì vậy trong thời gian tiêm vắc xin diễn ra trật tự và chấp hành tốt quy định chống dịch. Tuy nhiên vẫn có đôi lúc người dân đã quên đi đang thời gian chống dịch, xếp hàng không đúng giãn cách đã được lực lượng làm nhiệm vụ nhắc nhở ngay. Vậy chỉ có Chủ tịch, phó Chủ tịch và cán bộ của phường đứng ra chỉ đạo, sắp xếp thì người dân sẽ chấp hành rất tốt".