Bạn đọc viết:

Khi quy định “khống chế” lòng vị tha

(Dân trí) - “Nếu xã hội và ngành giáo dục không dùng những cái “nhân”, cái “đức” để cảm hóa con người mà ngày càng ra nhiều luật lệ hà khắc để áp dụng một cách giáo điều thì chẳng phải đang loạn sao?”

Đây là lời chia sẻ của một bạn đọc có địa chỉ email hyvong1032@yahoo... gửi về Dân trí. Xuất phát từ một câu chuyện tưởng chừng không có gì “to tát” nhưng có lẽ khi đọc lời tâm sự của độc giả này chắc hẳn không ít thầy cô sẽ phải nhìn nhận lại vấn đề.

Dưới đây là bài viết tâm sự của độc giả với lời nhắn nhủ:
 
Đây là những tâm tư mà tôi đã viết về những gì mình thấy và cảm nhận. Mặc dù định không thổ lộ nhưng hôm nay lại muốn tâm sự với bạn đọc. Mong rằng Ban Biên Tập sẽ một lần lắng nghe và cùng chia sẻ. Tôi cũng muốn gửi đến người bạn của mình lời nhắn : Hãy cố gắng lên, tương lai còn chờ bạn phía trước!”

Mọi người biết rồi đó, học sinh mà, có ai trong đời là học sinh mà chưa từng một quay cóp hay nhìn bài thậm chí là nhắc bài cho người khác. Hơn nữa nếu là bạn, khi mình biết câu trả lời mà đứa bạn cùng lớp đang loay hoay hỏi mình thì ai đành lòng mà không nhắc. Hôm nay, tôi cũng là trường hợp đó, nhắc bài cho bạn rồi bị giám thị nhắc nhở nhưng cũng may vì mới lần đầu nên cô bỏ qua. Tôi lại tiếp tục làm bài, cho đến khi hồi trống thu bài kết thúc. Cứ tưởng mọi chuyện như thế là êm xuôi và có một buổi thi không mấy tồi tệ cho dù cũng bị thót tim vì giám thị nhắc nhở.

Thế nhưng...Vào cái lúc cuối người bạn tên T. của tôi bỗng dưng bị giám thị thu bài khi còn chưa đến lượt nộp. Cái nét mặt hiền lành đáng yêu của T. mọi ngày bỗng nhiên biến sắc. Tôi còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, thì thấy T lên xin lỗi cô. Khuôn mặt thảng thốt và thành khẩn của T. không khó để có thể nhận ra. T. xin lỗi cô rất nhiều, rất nhiều và hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa nhưng hình như cô không để ý đến tâm trạng của đứa học trò. Cô dường như không quan tâm đến sắc mặt tái dợt, đôi bàn tay run rẩy và đôi mắt đã hoe đỏ của nhỏ bạn nhưng vẫn không ngừng ăn năn xám hối.

Đến lượt T. phải ký tên nộp bài, T. càng khẩn thiết van xin cô cho nó được ký tên nộp bài nhưng khuôn mặt lạnh lùng của cô vẫn không một chút phản ứng nào. Mọi người trong phòng thi đều xúm lại xin cho T. nhưng cô giáo đã lẳng lặng lấy bản kiểm điểm ra, ghi tên và các thủ tục liên quan gì đó với tội danh là trao đổi bài và bị trừ 25% tổng điểm.

T. đã bật khóc khi chính mình phải ký tên vào tờ giấy hãi hùng mà tôi nghĩ chắc đây là lần đầu tiên cái chuyện tồi tệ trong đời học sinh T. phải làm. Tôi chết lặng người đi trong khoảnh khắc thấy T. khóc như một đứa trẻ đang dằn lòng chịu nỗi đau về tinh thần và về cả điểm số. Tìm hiểu ra mới biết, khi sắp hết giờ thi T. mới nhắc đứa bạn thân một đáp án và kiểm tra lại bài của mình để khoanh lại bằng bút mực một đáp án mà T đang để bút chì và bị giám thị hiểu nhầm là chữa đáp án rồi nhắc nhở.

Nếu là ba lần nhắc nhở mới bị làm biên bản nhưng T mới chỉ một lần thôi mà. Thế là tờ biên bản đã cùng với bài của T. được mang đi. T. vẫn khóc như một đứa lên ba như bị đánh một trận đòn đau ghê lắm. Tôi hiểu T. và thấy nhói lòng. Bởi từ trước trước đến nay T. chưa bao giờ trải qua chuyện đó. T. là một đứa rất ngoan, hiền, chăm chỉ học tập. T. học thế nào tôi biết rõ hơn ai hết, thậm chí những bài kiểm tra bình thường mọi người trao đổi và mở vở T. còn không mở mà tự lực làm. Tôi còn nhớ T. nói điểm không quan trọng vấn đề là có được cái chữ nào vào đầu không. Và tôi cũng biết việc học hành là mục tiêu chính mà T. đặt lên trên hết, vì thế nó có biệt danh là “ mọt sách”. Thế nhưng bây giờ...

Điều mà tôi suy nghĩ qua câu chuyện tưởng như vô cùng bình thường này là một suy nghĩ về sự đời mà tôi nhận thấy: Đầu tiên là nói đến giám thị, tôi vẫn thường nhớ một câu hát ngày nhỏ là: “cô giáo như mẹ hiền”, hôm nay hành động của cô là không sai so với luật, nhưng tôi nghĩ phải mạnh tay đến thế ư? Một người mẹ khi thấy đứa con mình mắc lỗi và đặc biệt nó đã biết thành khẩn xin lỗi thì tôi biết dù lỗi của nó có lớn đến chừng nào cũng có thể bỏ qua, huống chi tôi nghĩ T. chỉ mới một lần nhắc nhở đã phải trả cái giá quá đắt: 25% tổng số điểm?

Một bài làm cật lực cả mấy tiếng đồng hồ bỗng một lỗi nhỏ mà bất cứ ai cũng có thể mắc lại lấy đi 25% số điểm. Liệu rằng bài thi của T. sẽ thế nào? Và nếu đặt trường hợp này vào các trường hợp khác như trong kỳ thi đại học có thể nó đã lỡ cả một đời người, cả một tương lai phía trước.

Và là môn học chuyên ngành mà lại là tiên quyết nữa thì sẽ là cả một chặng đường thụt lùi vì T. phải chờ một vài năm mới có lớp học và tương lai là... Tôi muốn nói thật bất công, ngành giáo dục có thể xiết chặt hơn nhưng những hình thúc xử phạt cần cân nhắc. Tôi nghĩ với trường hợp của T. nhắc nhở là phù hợp rồi cần gì phải mạnh tay đến thế? Tại sao những lỗi lầm nhỏ bé có thể dùng tình người để cảm hóa tại sao lại không làm?

Tôi thiết nghĩ trong ngành giáo dục cũng không nên áp dụng những quy định một cách rập khuôn như vậy. Cái gì có thể dùng cái tình người để phân xét thì nên làm bởi giáo dục mục tiêu đầu tiên chẳng phải dùng nhân văn để cảm hóa con người sao? Mỗi thầy cô nên lấy câu nói “cô giáo như mẹ hiền” mà đi vào lòng học trò của mình.

Về phần nhỏ bạn tôi, chuyện này sẽ làm cho T. khóc sưng mắt và suy nghĩ ám ảnh cả cuộc đời. Và trước mắt còn rất nhiều môn thi tôi, không biết T. có thể có đủ lý trí để tiếp tục thi không? Nhưng cũng hơi buồn cười và bất công khi bị ghi là tội trao đổi bài vì nếu đã là trao đổi thì phải là hai bên cùng bị chịu sao lại là lỗi của mình T. không công bằng tý nào cả, thà rằng bị ghi tội là nhắc bài cho bạn còn đỡ buồn hơn. Vì với học lực như T. mà trao đổi bài, nếu ai không biết T. lại nghĩ T. nhìn bài hay hỏi bài bạn thì oan thật đấy.

Những năm tháng còn lại của đời sinh viên, với tính cách của T. tôi hiểu T. sẽ xấu hổ và không biết làm sao để đối mặt với chính bản thân và mọi người bởi những ai không biết về T. nhiều sẽ nghĩ và mang tiếng cho T. cả đời là đứa bị kỷ luật trong phòng thi và mọi kết quả chẳng phải bị phủ nhận sạch trơn hay sao? Tôi biết T. đã thức trắng mấy ngày nay để học bài, hôm nay lại bị nỗi đau không những về điểm số mà nỗi đau về tinh thần, về sự hoài nghi cái tình người đẹp đẽ mà T. nghĩ vẫn còn rất nhiều trong cuộc sống sẽ làm T. nhói con tim và sẽ khóc sưng húp mắt cho mà xem. Cộng thêm cái tính nghĩ nhiều, T. sẽ tự ti và mặc cả với mọi người và xã hội. Không biết những ngày tiếp theo T. sẽ thế nào...

Tôi chỉ muốn gửi đến mọi người thông điệp: khi đối xử với người khác cho dù có nóng giận thì hãy dùng lý trí, hãy đặt mình vào vị trí của người ta mà cảm nhận những cung bậc cảm xúc, những nỗi buồn và hậu quả mà người khác sẽ phải gánh vác do một phút nóng giận của mình. Những gì có thể tha thứ được hãy dùng lòng bao dung mà tha thứ, nếu xã hội mà ai cũng thế thì chẳng phải sẽ tốt đẹp lắm hay sao?

Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Hãy chia sẻ cùng với báo Điện tử Dân trí.


hyvong1032@yahoo...