Khi nào trộm và giết thịt chó mèo bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
(Dân trí) - Trộm và giết thịt chó mèo có thể bị xử phạt hành chính đến 5 triệu đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thưa luật sư, hành vi trộm cắp và giết thịt chó mèo được nhìn nhận thế nào dưới góc độ pháp luật?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì chó, mèo được xem là tài sản. Do đó, việc trộm và giết thịt chó mèo sẽ được xem xét dưới các hình thức gây hủy hoại tài sản của chủ sở hữu tài sản đó.
Theo quy định của pháp luật, tùy vào mức độ thiệt hại của hành vi gây ra cho chủ sở hữu mà người thực hiền hành vi có thể bị xử phạt hành chính, hoặc xử lý hình sự, cụ thể như sau:
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác, đối với hành vi trộm cắp, hủy hoại tài sản thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến tối đa 5.000.000 đồng. Ngoài ra người vi phạm có thể bị tịch thu tang vật, phương tiên vi phạm hành chính đối với hành vi nêu trên.
Ngoài ra, người có hành vi nêu trên có thể xử lý hình sự theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), cụ thể: Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm
Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội: Cướp tài sản; Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Cưỡng đoạt tài sản; Cướp giật tài sản; Công nhiên chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội
Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ
Tài sản là di vật, cổ vật.
Như vậy, theo quy định trên, thông qua việc định giá tài sản, các đối tượng trộm chó có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Những người kinh doanh thịt chó mèo dù không đích thân trộm nhưng lại tiêu thụ tài sản trộm cắp thì có vi phạm pháp luật không thưa luật sư?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Dưới góc độ pháp luật, người tiêu thụ thịt chó mèo xuất phát từ hành vi trộm cắp tài sản rất có khả năng sẽ bị pháp luật xử lý dưới góc độ hình sự được quy định tại Điều 223 về tội tiêu thụ tài sản do người khác trộm cắp mà có.
Người kinh doanh thịt chó mèo phải đáp ứng theo yêu cầu tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm. Nếu nguồn chó mèo đang tiêu thụ, buôn bán có nguồn gốc không rõ ràng hoặc nguồn thực phẩm không đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm thì có thể bị xử phạt hành chính liên quan đến an toàn thực phẩm.