Phú Yên:
Khi karaoke di động “tra tấn” người dân
(Dân trí) - Về đêm, tại nhiều khu dân cư ở Phú Yên, người dân đang bị “tra tấn” bởi loại hình karaoke di động (loa kẹo kéo) công suất lớn. Hiện nay, loại hình này được phát triển rộng rãi với việc cho thuê đến tận nhà đã gây phiền hà, mỏi mệt khi đêm về…
Inh tai, nhức óc vì âm nhạc
Về đêm, chạy quanh TP Tuy Hòa (Phú Yên) việc bắt gặp hàng chục loa kẹo kéo đang “hoành hành” là chuyện bình thường. Từ ngóc ngách những con hẻm nhỏ trong khu dân cư cho đến quán nhậu, quảng trường…đâu đâu cũng có loại hình này xuất hiện. Việc thỏa sức với thú vui âm nhạc thì ai chẳng ai cấm, nhưng nhiều người do vô tình hoặc khi nhậu say đã tăng hết âm lượng mà hát và hát không có điểm dừng nên đã gây phiền hà, bực tức cho người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Quân (trú phường 7, TP Tuy Hòa) bức xúc: “Trước đây thì việc hát hò có nhưng ít, lắm khi đám đình gì họ mới tổ chức hát thôi. Giờ thì có cái loa kẹo kéo, nên họ cứ đụng đâu hát đấy. Tôi cũng tuổi về hưu, đôi lúc muốn nghỉ ngơi một tí, nhưng những âm thanh to như thế làm tôi rất khó chịu. Nhiều hôm hát đến 11 - 12 giờ đêm chúng tôi phải nhắc nhở mới chịu tắt…ý kiến lên phường cũng nhiều rồi nhưng được mấy bữa đâu lại vào đó”.
Cùng chung nỗi khó chịu, em Nguyễn Thị Trang, sinh viên Học viện Ngân hàng-Phân viện Phú Yên nói: “thời gian gần đây, tại khu trọ em ở, có mấy cô, chú sắm loa kẹo kéo và đêm nào cũng hát khiến em rất mất tập trung trong việc học. Nhiều hôm phải chờ cô, chú nghỉ rồi mới đem bài vở ra học để mai kịp thi…”
Được biết, với giá trung bình giao động từ 1,5 - 3 triệu đồng thì việc sở hữu một dàn karaoke di động là khá dễ dàng với nhiều người có mức thu nhập trung bình như hiện nay. Bên cạnh đó, loại hình này còn được cho thuê rộng rãi với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/giờ và phục vụ tận nhà nếu ai có nhu cầu.
Hát sao cho văn hóa?
Với những người yêu thích ca hát có ý thức, cuộc vui nhạc sống bao giờ cũng chừng mực. Hát làm sao vừa vui, vừa đủ và tuân thủ giờ giấc theo quy định. Anh Nguyễn Mạnh Cường và nhóm bạn đang sôi động với những ca khúc nhạc trẻ nói: “Nhóm bạn bè chúng tôi thường xuyên vui chơi ca hát nên cũng góp tiền nhau mua một loa kẹo kéo để hát. Nhưng mình hạn chế bày tiệc giữa khu dân cư đông người, mà thường đem ra Quảng trường Mùng 1 tháng 4 hay bãi biển để hát và mở âm lượng vừa đủ nghe chứ để to thì gây phiền hà cho nhiều người…Cá nhân tôi thì thú vui âm nhạc thì ai cũng thích, nhưng cái gì cũng vừa đủ, vui mình nhưng không phiền người khác”.
Phát biểu về vấn nạn này, ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết: “Trong thời gian vừa qua, việc hát nhạc sống di động là đã gây ảnh hưởng cho những người xung quanh, thậm chí là gây bức xúc và nhiều đơn thư của người dân với ý kiến không đồng tình về vấn đề này đã được gửi lên cho cấp huyện, thành phố, tỉnh. Việc này đã được xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa triệt để được”.
Ông Tiến cho biết thêm: “Qua kiểm tra loại hình karaoke di động này thì phát hiện đồ ồn vượt quá quy định từ 10, 20, 30 dB theo quy định của nhà nước chúng ta hiện nay. Trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, mời các cơ sở tổ chức cho thuê karaoke di động, cơ sở hát nhạc sống để tuyên truyền, quán triệt và yêu cầu các cơ sở này kí cam kết về giờ giấc cho thuê và quy định về mức âm lượng để không gây ồn ào cho người khác.
Tuy nhiên, có một vấn đề khi người dân phản ảnh thì là gây ồn, nhưng khi đội kiểm tra liên ngành đến thì có vẻ nghiêm chỉnh chấp hành. Nên vấn đề này muốn chấm dứt hẳn thì cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là ở cơ sở nên cho anh em dân phòng, công an khu vực đi kiểm tra thường xuyên. Những trường hợp vi phạm lần đầu chúng ta nên nhắc nhở, kiểm điểm trước dân. Nếu tiếp tục tái phạm thì cần xử phạt hành chính thì mới được”.
Trung Thi