Khi cán bộ nghèo giả, giàu thật

(Dân trí) - Đọc báo chí thông tin về 2 ngôi nhà bán và cho thuê cho 2 vị lãnh đạo cao cấp của thành phố và trung ương, mới thấy rằng một số cán bộ cao cấp ở nước ta hiện nay giàu thật.

Cả 2 vị đều nêu khó khăn về nhà ở, tức là họ nghèo lắm. Nghèo nhưng vị cán bộ ngân hàng đủ tiền bỏ ra gần 500 triệu đồng tiền mặt để trả tiền mua nhà. Sau đó sửa nhà hết khoảng trên dưới 2 tỷ đồng nữa. Trong nhà còn có cả thang máy. Chơi sang như triệu phú ở Mỹ, Nhật.

 

Còn vị ở “khu tập thể Bách Khoa” chật chội cả mấy chục năm qua, cũng có cả tỷ đồng để trả tiền mua nhà, nếu nhà đó được bán. Những cái nghèo đó không biết nên gọi là kiểu “nghèo” gì. Không biết các vị đó có kê khai tài sản không? Dù cho những ngôi nhà bán cho họ được ưu đãi rẻ như bèo, nhưng cũng đều tiền tỷ cả. Lấy tiền đâu ra mà mua?

 

Hãy thử giả sử thu nhập của một vài vị cán bộ ta kiểu như mấy vị mua nhà kia, khoảng 2000 USD một tháng. Và các vị ấy đều là những người tiết kiệm mực thước cả, nên mỗi tháng chỉ chi tiêu khoảng 1000 đôla thôi, còn lại tiết kiệm khoảng 1000 USD. Vậy thì để có nổi 1 tỷ đồng tiền Việt, tức khoảng 70.000 USD, thì cũng phải mất khoảng gần 10 năm tiết kiệm. Thế rồi sau khi về hưu rồi thì lấy gì mà sống? Cũng phải có những khoản dự trữ kha khá rồi chứ? Thế thì thu nhập chắc là chẳng thể chỉ 2000 USD một  tháng.

 

Nhưng mà ở nước còn rất nghèo như nước ta, GDP chỉ có khoảng 52 tỷ USD năm 2005, bằng một nửa của nước Singapore nhỏ tí chỉ có hơn 4 triệu dân, thì lấy đâu ra thu nhập 2000 USD một tháng cho mỗi cán bộ? Thu nhập của cán bộ cao cấp hiện nay (từ lương) cũng chỉ khoảng hơn 2.000.000 đ/tháng (khoảng 130 USD). Thế thì nếu thu nhập của các vị cán bộ này còn cao hơn 2000 USD một tháng nữa, thì dư luận càng đặt câu hỏi là tiền ở đâu ra? Mà chưa thể tính được nguồn gốc thu nhập để mua một cái biệt thự đắt giá như thế thì không thể nói đến việc hô hào chống tham nhũng từ chính các vị này được.

 

Ở Nhật, nếu có những vụ việc tương tự xảy ra, thì điều trước tiên vị quan chức đó sẽ cúi rạp xuống trước ống kính truyền hình của các nhà báo để xin lỗi nhân dân. Bởi vì ở Nhật mặc dù vẫn có tham nhũng xảy ra, nhưng liêm sỉ vẫn còn, nên người ta mới dũng cảm đứng lên xin lỗi nhân dân như thế.

 

Giả sử nếu cái nhà cả triệu đôla đó được bán với giá bèo tỷ bạc đó, thì người mua đã nghiễm nhiên có khoản tiền dự trữ cả chục tỷ đồng, khi cần sẽ bán, hoặc cho thuê. Liệu có khoản tiền  nào kiếm dễ như thế không? Một số người có chức có quyền ở nước ta quả là kiếm tiền dễ thật.

 

Trong vụ PMU18, đánh bạc cả triệu đôla như Bùi Tiến Dũng thì cũng chỉ có ở nước Việt Nam. Tỷ phú, triệu phú ở Nhật, ở Mỹ, ở các nước dầu lửa, cũng chưa thấy nói có ai bỏ cả triệu đôla ra để đánh bạc như thế. Thế nhưng so với cái vụ nhà này, thì thấy ông Dũng phải lao tâm, khổ tứ mới có được cả triệu đôla đánh bạc. Còn vụ nhà này, nếu trót lọt, thì cả triệu đôla kiếm được quả là nhàn hạ, lại hợp pháp nữa.

 

Nếu ở nước ta hiện nay, có một cuộc tổng kiểm tra các nhà bán cho cán bộ to, từ trước đến nay, thì có lẽ dư luận sẽ biết được thêm nhiều điều đang còn trong vòng bí ẩn nữa.

 

Minh Tuấn

(Từ Tokyo)