Khát chữ nơi "rốn" chữ

“Gần đây báo chí nói nhiều đến việc ngay giữa lòng thành phố, phụ huynh phải xếp hàng chờ chực suốt cả ngày đêm, để xin cho con được vào lớp một hoặc vào trường mầm non?! Chuyện thật như đùa chỉ có ở Việt Nam, thật đúng là khát chữ ở ngay… rốn chữ”

Thiếu trường hay thiếu trách nhiệm

Nếu như ở vùng nông thôn, miền núi cao biên giới việc thiếu trường học, thiếu giáo viên, nên con trẻ không thể đến trường nhân dân còn chấp nhận được! đằng này ngay giữa lòng thành phố, ngay nội đô, con trẻ cũng thiếu trường, thiếu lớp là chuyện khó tin, nhưng lại đang diễn ra ở Việt Nam ta.

Vừa qua báo, đài đưa tin ngay giữa Thủ đô Hà Nội cảnh các bậc phụ huynh sắp hàng chầu chực suốt cả ngày đêm, để được đăng ký cho con vào học trường mầm non. Ngay ở Thành phố Vinh ( Nghệ An) tại hai phường lớn thuộc nội thành là phường Lê Lợi và phường Hưng Phúc cách sở giáo dục Nghệ An không xa lắm, cả hai phường này đều chưa có trường mầm non hoặc không đủ lớp học cho các cháu, khiến cho các bậc phụ huynh phải vất vả tìm nơi cho con trẻ được đến trường để học thêm cái chữ.

Khát chữ nơi "rốn" chữ - 1
Các cháu trường mầm non Môn Sơn (huyện Con Cuông Nghệ An) hát mừng trường anh chị đạt chuẩn quốc gia.

Và, tất nhiên! muốn con được học hành phụ huynh phải đến các phường, xã khác để xin cho con học, họ phải chịu thêm một khoản đống góp đó là đóng góp trái tuyến với số tiền không phải là nhỏ.

Theo chúng tôi vấn đề đặt ra là chúng ta không thiếu trường, thiếu lớp, lại càng không thể thiếu giáo viên? Nhà nước ta còn khó khăn trăm bề, nhưng không thể không có đủ kinh phí để xây trường mở lớp, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Chúng ta phải khẳng định rằng: Việc thiếu trường, thiếu lớp, để nhân dân phải vất vả, con trẻ khó được đến trường, trách nhiệm trước hết thuộc ngành giáo dục, mà trực tiếp là phòng giáo dục của địa phương , cấp uỷ, chính quyền bàng quang thiếu trách nhiệm.

Nếu phòng giáo dục tham mưu tốt, hàng năm có tổ chức điều tra số học sinh trong khu vực mình quản lý có bao nhiêu cháu vào mầm non, bao nhiêu cháu vào lớp một, để kịp thời tham mưu đề xuất với sở và với cấp uỷ địa phương, có kế hoạch xây trường, mở lớp, thì chắc chắn rằng không có hiện tượng trên xẩy ra?! Đằng này do thiếu lương tâm, trách nhiệm, để khi năm học mới bắt đầu mới thấy thiếu lớp, thiếu trường, làm cho cả cấp uỷ và phụ huynh trở tay không kịp.

Trong khi học sinh thiếu trường, thiếu lớp, thì hiện nay giáo sinh sư phạm ra trường có cả hàng ngàn người chưa có việc làm, nhiều nơi giáo viên dôi dư không ít, tại sao phòng không bố trí việc cho giáo viên làm, như đi điều tra nắm tình hình học sinh để có kế hoạch trước khi năm học trước kết thúc… bao nhiêu câu hỏi đặt ra và dù có lí giải thế nào thì trách nhiệm thuộc ngành giáo dục.

Bài học cho cấp uỷ, chính quyền

Bên cạnh sự thờ ơ thiếu trách nhiệm của ngành tham mưu, chúng ta cũng rút ra bài học cho cấp uỷ chính quyền quá quan liêu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu quan tâm đến sự nghiệp trồng người của ngay địa phương mình.

Hiện nay biên chế cho cơ sở đã đủ mạnh, nhưng không hiểu tại sao cán bộ cơ sở không nắm được số lượng học sinh, không nắm được số trẻ đến trường trong năm học tới để có kế hoạch, đề xuất với trên xây trường, mở lớp.

Mặt khác chúng tôi dám khẳng định rằng không ít cơ sở địa phương không làm tốt công tác quy hoạch đất đai để xây trường, mở lớp. Khi đất đai ngày càng có giá, người ta dành quỹ đất để bán, để cấp cho nhau, dẫn đến thiếu đất để xây trường, mở lớp, thiếu khuôn viên cho các cháu học sinh vui chơi, giải trí.

Không chỉ riêng ở thành phố mà ngay cả các thị trấn, các xã vùng trung tâm các huyện quỹ đất cũng đang ngfày càng eo hẹp, nếu cấp uỷ, chính quyền không làm tốt quy hoạch, thì việc thiếu đất để xây trường, sân bãi thể thao… sẽ xẩy ra trong nay mai

Bác Hồ nói: Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan. Chúng ta đã tham gia công ước quốc tế về quyền trẻ em. Sinh thời Bác Hồ chúng ta luôn trăn trở và phấn đấu để làm sao: Ai cũng được ăn no, mặc ấm, ai cũng được học hành, ốm đau được chữa bệnh.

Chuyện đã rồi, bởi tiếng trống khai trường năm học mới đã điểm, nhân dân chỉ mong rằng bài học thiêú trường, thiếu lớp, để con trẻ khát chữ ngay chính rốn chữ, năm sau không còn lặp lại nữa…

Phùng Văn Mùi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm