Kết tội có đủ căn cứ?

TAND tỉnh Gia Lai vừa xét xử sơ thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", tuyên phạt bị cáo Lê Thị Tường Vân 15 năm tù giam. Tuy nhiên, xung quanh vụ án này dư luận cho rằng, còn rất nhiều vấn đề pháp lý, nhiều điều uẩn khúc chưa được làm rõ...

Nội dung vụ án

Theo lời khai của bị cáo Lê Thị Tường Vân, từ năm 2008, chị Lê Thị Tường Vân và các chị: Nguyễn Thị Phượng Tường, Huỳnh Thị Thúy Vân, Hô Thị Xuân Dung (cùng trú tại Tp. Pleiku) có quan hệ làm ăn, vay mượn tiền với nhau. Hình thức vay mượn thực chất là cho vay lãi ngày, huy động tiền của người này cho người khác vay để ăn chênh lệch. Chuyện này cả phố Núi Pleiku đều biết và rất nhiều người đã bị cuốn theo cơn lốc này để rồi lâm vào cảnh bi đát do vỡ nợ.

Lê Thị Tường Vân cũng vậy, sau khi mượn tiền của các chị Tường, Vân, Dung đã đem cho Nguyễn Thị Thùy Dương (sinh năm 1980 trú tại TP. Pleiku) vay để ăn chênh lệch tiền lãi. Từ các giấy tờ vay mượn cũng như lời khai của các bên cho thấy việc vay mượn hết sức dễ dãi, dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau, không hề có tài sản thế chấp gì nhưng đều có thể đưa cho nhau vay hàng tỷ đồng.

Chính vì vậy, như bao vụ ở các địa phương khác, cuối năm 2009, quan hệ làm ăn này đã dẫn đến cảnh vỡ nợ. Bắt đầu từ việc Nguyễn Thị Thùy Dương vỡ nợ, kéo theo Lê Thị Tường Vân rồi hàng loạt người khác vỡ nợ theo.

Lê Thị Tường Vân cho biết vì bị Nguyễn Thị Thùy Dương giữ hơn 25 tỷ đồng không trả nên không có khả năng trả lại tiền cho các chị Tường, Dung, Vân. Có nhiều cơ sở vững chắc để khẳng định điều này. Khi phát hiện Dương bị vỡ nợ không có trả cho mình hơn 25 tỷ đồng, Vân đã chủ động trả cho Tường, Dung, Vân gần 1 tỷ đồng cũng như viết giấy cam kết sẽ trả nợ. Tường, Dung, Vân đã đồng ý và còn khẳng định sẽ không tiếp tục tính tiền lãi.

Tuy nhiên, tháng 4/2010, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lê Thị Tường Vân vì cho rằng chị Vân có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngày 11/5/2010, chị Vân bị bắt tạm giam. Ngày 25/5/2011, TAND tỉnh Gia Lai trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 1. Ngày 1-2/11/2011, TAND tỉnh Gia Lai đưa vụ án ra xét xử, nhận thấy nhiều chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được nên tòa đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Ngày 14/5/2012, TAND tỉnh Gia Lai đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Lê Thị Tường Vân 15 năm tù giam.
Kết tội có đủ căn cứ?
Trước khi có bản án sơ thẩm, TAND tỉnh Gia Lai đã 2 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung

Phiên sơ thẩm đã hai lần hoãn để điều tra bổ sung nhưng các tài liệu bổ sung vẫn không làm sáng tỏ thêm vụ án. Áp lực thời hạn xét xử cũng như nhiều áp lực khác đã dẫn đến việc án đã tuyên nhưng các chứng cứ không được bổ sung đầy đủ khiến dư luận thắc mắc và chủ tọa phiên tòa cũng có nhiều lưu ý khi nhận định vụ án.

Có hình sự hóa vụ án dân sự?

Luật sư Trần Quang Nhựt, Văn phòng Luật sư Nhựt (Đoàn LS. tại TP Hồ Chí Minh), người bào chữa cho bị cáo Lê Thị Tường Vân khẳng định không có cơ sở pháp lý và không đủ căn cứ để buộc tội Lê Thị Tường Vân phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trong vụ án này, đã có việc hình sự hóa các giao dịch dân sự giữa Lê Thị Tường Vân với các bà Tường, Dung, Vân. Tại phiên tòa diễn ra ngày 01/11/2011, HĐXX tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung lần nữa.

Kết quả điều tra bổ sung không có gì mới đủ căn cứ để buộc tội. Các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án cũng như diễn biến phiên tòa công khai ngày 14/5/2012 đủ cơ sở để đánh giá rằng: Các đương sự hoàn toàn tự nguyện trong giao dịch (vay mượn). Không có tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh Lê Thị Tường Vân có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản. Từ đó, không thể dùng các tài liệu, chứng cứ, lời trình bày của những người bị hại làm cơ sở buộc tội.

Nếu nhận định hành vi của bị cáo Vân là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải đủ cơ sở kết luận đặc điểm của việc chiếm đoạt trong vụ án phải gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối. Vậy trong vụ án này, tài liệu, chứng cứ nào chứng minh Vân đã thực hiện hành vi gian dối? Bị cáo Vân có chiếm đoạt không?, chiếm đoạt cái gì? Tài liệu, chứng cứ nào chứng minh bị cáo Vân chiếm đoạt? Cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi chiếm đoạt của bị cáo Vân. Thật sự bị cáo Vân không tiêu số tiền này cho mục đích các nhân và số tiền này còn có khả năng thu hồi theo các tiêu chuẩn pháp luật. Vì vậy, những yếu tố cấu thành tội phạm chưa đủ.

CQCSĐT đã tin vào lời khai của những người bị hại cho rằng bị cáo Vân cần tiền nhập ôtô về bán tết nhưng thực tế không nhập ôtô là hành vi gian dối (nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh Vân có hành vi gian dối). Mặc khác, còn cho rằng vợ chồng Tuấn Vân là người trực tiếp nhận tiền của các người bị hại vào ngày 06/11/2009. Nếu nhận định như trên tại sao không xử lý hình sự Mai Anh Tuấn mà chỉ xử lý hình sự Lê Thị Tường Vân? 

CQCSĐT căn cứ vào 03 giấy nhận tiền vào ngày 06/11/2009 cho rằng bị cáo Vân đã viết giấy mượn tiền và nhận tiền làm cơ sở kết luận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. "Tôi thiết nghĩ rằng nhận định trên là quá cẩu thả. Tôi thừa nhận bị cáo Vân viết và ký vào giấy nhận tiền cho ba người bị hại là Tường, Dung, Vân vào ngày 06/11/2009 là có thật nhưng không có việc nhận số tiền 15,250 tỷ đồng." - LS. Nhựt phân tích.

Tại lời khai ban đầu, lời khai của những người bị hại có sự trùng hợp về thời gian nhận tiền. Cùng một lúc là 9h00 ngày 06/11/2009 nhận 4,8 tỷ tại địa chỉ 74B Nguyễn Trãi, phường Yên Đỗ và 9h00 nhận 4,6 tỷ tại địa chỉ 02 Trần Hưng Đạo, phường Hội Thương. Với số tiền lớn như vậy mà một lúc nhận hai nơi khác nhau tại hai phường trên địa bàn thành phố Pleiku là không có thật. Rồi sau đó 10h30 cùng ngày nhận 5,850 tỷ tại địa chỉ 36 Lý Tự Trọng phường Tây Sơn. Không thể nào trong một thời gian ngắn tại 03 địa chỉ khác nhau nằm trên 03 phường khác nhau tại TP Pleiku thực hiện việc giao nhận lượng tiền lớn như các bị hại khai (trên 15 tỷ đồng).    

Sau đó, CQCSĐT đã phát hiện ra rằng việc điều tra của CQĐT không có căn cứ nên tiến hành điều tra lại để xác định lại thời gian giao nhận tiền thì được các bị hại khai lại và lời khai lại khác với lời khai ban đầu. Người bị hại đưa ra lý do lời khai trước, sau có mâu thuẫn là do không nhớ chính xác(!?) Trong một thời gian ngắn từ ngày 06/11/2009 cho đến ngày bị hại làm đơn tố cáo (trên 10 ngày), các bị hại giao một số tiền lớn cho bị cáo Vân mà không nhớ rõ diễn biến của việc giao nhận tiền. Đây là điều bất hợp lý.

Mặt khác, đối với lời khai của bà Huỳnh Thị Thúy Vân lúc khai vợ chồng Tuấn Vân  giao nhận tiền tại số 02 Trần Hưng Đạo, phường Hội Thương, lúc khai việc giao nhận tiền tại 1/38 Thống Nhất. Vậy địa chỉ số 2 Trần Hưng Đạo và địa chỉ 1/38 Thống Nhất có phải hai địa điểm khác nhau hay cùng một địa điểm không. Vậy việc giao nhận có xảy ra không, xảy ra tại đâu, vì sao lại khai không trùng khớp? Nghi vấn về việc giao nhận tiền ngày 6/11/2009 là có cơ sở.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về những vấn đề pháp lý chưa được làm sáng tỏ trong vụ án này.

Theo Công Tâm

Bảo vệ pháp luật