Kẻ giết cha cũng là nạn nhân và người có hiếu với mẹ

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn Đặng Thanh Hải muốn xin giảm mức án cho Phan Minh Mẫn. Tôi cảm thấy trong cuộc sống này ngoài cái lý còn cần có cái tình và lòng vị tha để thấu hiểu từ gốc mọi vấn đề!

Bạn đọc Lê Thị Thảo:

Có bao giờ chúng ta tự đặt mình vào hoàn cảnh của Mẫn chưa? Nếu trong hoàn cảnh đó chúng ta sẽ phải làm gi? Theo quan điểm của tôi Mẫn đâu phải là người không còn chút tình người và không còn lương tâm? Tôi nghĩ Mẫn đã không còn cách lựa chọn nào để hàn gắn gia đình và mang lại hạnh phúc cho người mẹ vất vả tần tảo nuôi con ăn học. Đó là tình thương em dành cho mẹ, em là người con hiếu thảo và biết phân định rõ ràng giữa tình yêu thương và lòng thù hận.


Nếu đặt Mẫn vào trường hợp của mẹ Mẫn thì có lẽ em đã không ra tay giết hại cha ruột của mình, có lẽ cũng sẽ cắn răng chịu đựng cho êm chuyện giống như mẹ của em đã làm. Tình yêu thương không lấp hết được lòng thù hận và có lẽ em đã lựa chọn bằng sự đánh đổi cuộc đời của mình để giải thoát cái khổ cùng cực cho người mẹ.
Trong cảnh ngộ bi đát của gia đình như vậy, giả sử nếu có đi báo với chính quyền địa phương để để nhờ giải quyết, có dám chắc rằng sẽ giải quyết được thỏa đáng hay không vì nước ta đã có những chính sách xử phạt đối với người say rượu hay hành hạ vợ con hay chưa, hoặc có trung tâm cải tạo loại người luôn nghiện ngập và gây ra bạo lực trong gia đình để cảm hóa họ chưa?

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thời gian người cha bạo hành gia đình là rất dài các cơ quan có chức năng đã thực sự vào cuộc và răn đe bảo vệ cuộc sống của các thành viên trong gia đình em Mẫn chưa? Vì họ cũng là một công dân của nước Việt Nam, có quyền được bảo vệ chính đáng.
Nếu cứ lấy mạng đền mạng thì xã hội này đâu còn cần công lý! Điều tôi muốn nói lên là hãy sống bằng lòng vị tha và có cái nhìn toàn diện hơn về một vấn đề cũng như chúng ta phải sống có trách nhiệm hơn với chính bản thân và mọi người.
Tôi hi vọng rằng em Mẫn sẽ được TAND TP HCM xem xét  lại phán quyết đã công bố.

 

Bạn đọc Nguyễn Văn Năm:

Ngày 16/7/2010, Tòa án Nhân dân TP/HCM đã tuyên án tử hình đối với bị cáo Phan Minh Mẫn , sinh viên 19 tuổi với tội giết cha bằng điện với nhận định :” …vụ án đặc biệt nghiêm trọng , hành vi giết cha rất dã man, không còn đạo lý , không còn khả năng cải tạo.”

Chúng tôi nhấn mạnh mệnh đề: “không còn khả năng cải tạo”. Nhìn vào những thông tin, hình ảnh …của các phóng viên tường thuật vụ xử án chúng tôi thấy :

-          Bị cáo Phan Minh Mẫn 19 tuổi sinh viên trong gia đình hoàn cảnh rất khó khăn , hành vi bạo hành của người cha kéo dài trong thời gian dài không được ai quan tâm : láng giềng , cơ quan, đoàn thể…Trong lời khai, điệu bộ, cách ứng xử … không có gì là không khả năng cải tạo.

-          Bà nội bị cáo đã phát biểu: “…Tôi đẻ nó ra , tôi biết mà! Nó tệ lắm. Còn thì Mẫn nó dại dột chỉ mong sao pháp luật khoan hồng cho nó …”

-          “…Nhiều người dự khán chứng kiến cảnh đau lòng trên không cầm được nước mắt.”

Tôi đặt hi vọng vào phiên xử phúc thẩm, hoặc Chủ tịch nước giảm án tử hình cho Phan Minh Mẫn - một sinh viên đáng thương hơn đáng trách - để em có cơ hội cải tạo và làm lại cuộc đời.

 

Bạn đọc Quốc Vượng:

Đọc những bài liên quan đến vụ án “Giết cha ruột” gần đây khiến tôi  bùi ngùi và trăn trở: trách Mẫn thì đáng trách lắm vì hành vi “Giết cha” không ai có thể chấp nhận được. Nhưng tôi lại cảm thấy cay đắng hơn khi nghĩ về hoàn cảnh của Mẫn, một mối hệ luỵ đã gây ra bối cảnh tồi tệ như thế này: Chính quyền nơi gia đình Mẫn sinh sống ở đâu (thôn, ấp, xã…)? Chính quyền và các đoàn thể của địa phương là những ai? Chẳng nhẽ họ hoàn toàn không hay biết về chuyện bạo hành trong gia đình của em Mẫn?

 

Nếu như mọi người sống có lương tâm và trách nhiệm hơn một chút thì bi kịch này có xãy ra không? Ai trong số họ sẽ trả lời chính xác câu hỏi này?

 

Em Mẫn không hoàn toàn là một kẻ hư hỏng, với những mơ ước có được một cuộc sống tốt đẹp, một ước mơ bình thường như bao nhiêu người đang có. Hoàn cảnh khó khăn như thế nhưng em vẫn cố gắng học hành tốt để mong có một cuộc sống tốt đẹp ít nhất là cho bản thân em và gia đình em, thế nhưng vì người cha hư hỏng gây ra biết bao chuyện bạo hành với vợ con, lại không được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền và các đòan thể của địa phương, cho nên đã dẫn tới hành động tự phát thiếu suy nghĩ của Mẫn.

 

Pháp luật trừng trị kẻ có tội là đúng, nhưng người đáng bị kết tội tử hình là người khác chứ không phải là Mẫn.

 

Liệu người cha khốn khổ kia có “ngậm cười nơi chín suối” khi pháp luật xử tử “nghịch tử” của ông ta? Có chắc gia đình bên nội của Mẫn sẽ hài lòng khi pháp luật tuyên phạt y án tử hình “mạng phải đền mạng” và xã hội sẽ hài lòng khi trừ khử được một kẻ sát nhân nguy hiểm?

 

Tôi không có ý phản đối quyết định của toà án vì sự nghiêm minh là cần thiết, song sự phán quyết cũng nên xét đến cái tình, những tác nhân dựng nên bối cảnh này cũng cần phải xem xét kỹ để trừng trị đúng mức độ, đúng người và đúng tội.

 

Tôi với tư cách cá nhân là một độc giả, kính nhờ Ban biên tập báo Dân trí chuyển lời xin Toà án hãy cho Mẫn một cơ hội sống để cải tạo lại mình.

 

Xin chân thành cám ơn,

 

Bạn đọc Trần Liên :

Gần đây, trên đất nước Việt Nam chúng ta đã xảy ra quá nhiều những vụ án đau lòng với hành động dã man tưởng chừng chỉ có trong phim bạo lực. Cũng rất bức xúc về vấn đề này mà tôi đã theo dõi nhiều vụ án (thông qua báo chí). Kết án tử hình Nghĩa tôi thấy không có gì để phân vân, nhưng phía sau đó là một nỗi đau vô bờ bến của một bậc làm cha - cha Nghĩa. Cái níu kéo sau cùng mong có thể nhắn nhủ con trai vài điều trước giây phút vĩnh biệt con (nhưng biết nhắn nhủ điều gì đây!). Nỗi đau như xé lòng trong hoàn cảnh này. Và Nghĩa cố quay lại nhìn cha mình lần cuối như thay lời sám hối. Đã quá muộn màng!

 

Nhưng đó là một điều thật diễm phúc cho người tử tù vì đã có một gia đình thật hạnh phúc. Kết thúc cuộc đời ở tuổi 26 dù rất sớm nhưng Nghĩa nhận ra mức án ấy là hoàn toàn đúng với tội tình đã gây ra.

 

Trở lại với Phan Minh Mẫn, chúng ta thấy rằng Mẫn được diễm phúc có mẹ tần tảo chạy vạy lo tiền cho con ăn học nhưng thật sự “đau lòng” khi có người cha nát rượu và luôn hành hạ người vợ đáng thương sau mỗi lần uống say. Nếu như người cha ấy không lo lắng cho Mẫn thì thôi, mặc kệ mẹ con nó lo cho nhau nhưng tiếc rằng người cha đó còn có những hành động vũ phu, đánh đập chửi bới vợ con như vậy, cho nên Mẫn không chịu đựng nổi và đã manh động giết cha!

 

Pháp luật luận tội những can phạm về tội tình đã gây ra và phải gánh chịu trách nhiệm về hậu quả. Như vậy, suy ngược trở lại, cha của Mẫn đã cố tình tạo ra bạo lực đối với vợ con dẫn tới cảnh ngộ “tức nước vỡ bờ” và Mẫn đã giết cha mình. Vậy thì cha Mẫn cũng phải chịu trách nhiệm với những gì mình “tạo” ra chứ!?

 

Vì vậy, tội giết cha là hành động không thể dung thứ nhưng mong rằng TAND TP HCM hãy xem xét lại tình tiết và động cơ gây án để giảm nhẹ mức án cho Phan Minh Mẫn.

 

Tôi không phải là người thân của Mẫn, cũng không là bạn bè… Tôi chỉ là một công dân mong muốn sự công bằng trong xã hội. Tôi thật bất ngờ với án tử hình dành cho Mẫn. Tôi đại diện cho bạn bè tôi cùng mong mỏi TAND TP HCM hãy xem xét lại và mở rộng lòng nhân ái để giảm nhẹ hình phạt đối với Mẫn.

 

Phía sau Mẫn còn bao người đáng trọng và đáng thương, đấy là Bà nội, Mẹ và em gái Mẫn biết sống ra sao sau khi chôn cất niềm hy vọng cuối cùng của gia đình và phải gánh thêm nợ nần vì hai đám tang rất gần nhau! Rồi biết đâu vô tình lại tạo thêm những gánh nặng khác cho xã hội.

                                                                                                                

Bạn đọc TAT:

Tôi cũng từng sống trong cảnh bạo lực gia đình như thế nhưng may mắn thay nó đã kết thúc trước khi tôi 20 tuổi, tuổi của Mẫn bây giờ. Ba Mẹ tôi ly thân vài năm rồi ly dị bố tôi khi tôi đang học năm thứ 2 đại học. Không thể có lời nào diễn tả hết được những khổ sở, đau buồn mà tôi và những người thân khác đã trải qua trong thời gian bạo hành đó.

 

Những trận đòn vô cớ, những đêm không ngủ để chờ mẹ, tìm mẹ cũng như tìm lại nhau sau mỗi trận đòn của cha, những ngày không có cơm để ăn, những nơm nớp lo sợ mỗi khi cha mình uống rượu; học bài cũng phải lén lút vì việc học không được cha tôi ủng hộ. Có khi nửa đêm chờ cha tôi không còn gì để đập phá và lăn ra ngủ, tôi lén lội xuống ao vớt chiếc xe đạp cũ kỹ lên để sáng mai đi học... Nhiều lần phải vài tháng mới tìm được mẹ trong bệnh viện với nhiều vết thương nặng, gầy gò , tiều tụy.

 

Cảnh nghèo túng buộc chị và em gái tôi phải nghỉ học làm thuê khi đang lớp 8 và lớp 6 mặc dù rất ham học và học giỏi. Lúc đó tôi học cùng lớp 8 với chị, tôi gắng cầm cự tiếp tục học, phụ việc đồng áng và làm thuê mỗi khi hè đến. Nổi uất hận cha tôi và buồn tủi trong lòng tôi cũng tăng lên từng ngày...

 

Bây giờ hơn 30 tuổi, tôi nhìn nhận vấn đề đúng sai chín chắn và thận trọng hơn mặc dù khó có thể quên được những ngày tháng đó.

 

Tôi hoàn toàn hiểu được sự ức chế , sự căng thẳng tinh thần đè nén từng ngày của Mẫn cũng như những bi kịch đang xảy ra trong gia đình anh ta. Tôi không thể bào chữa cho phút giây nông nỗi của Mẫn vì điều đau lòng và đáng tiếc đã xảy ra. Tôi cảm thấy rất buồn và tự hỏi liệu còn bao nhiêu gia đình đang sống trong cảnh bạo hành như thế, liệu chính quyền địa phương có biết những gia đình như thế không, liệu có cách nào giúp họ giải thoát chứ không phải kết thúc bằng những phiên tòa đau lòng như vậy không?

 

Cách đây vài năm, nơi ngôi trường cấp 3 tôi học ngày trước cũng có 1 cậu học sinh đâm chết cha mình cũng trong hoàn cảnh gia đình như thế, mức án cao nhưng không phải cuối cùng và chấm hết như Mẫn.

 

Đó có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm hay không?

 

Vấn đề ở đây tại sao anh ta, gia đình anh ta sống trong cảnh bạo hành như vậy mà không ai biết hay sao? Nhà trường, bạn bè, hàng xóm và quan trọng hơn hết là chính quyền sở tại không phát hiện để giúp anh ta? Hay đó chỉ là chuyện riêng của gia đình họ.

 

Nhớ lại gia đình tôi lúc trước, hàng xóm chỉ can thiệp qua loa vì dường như cũng quá quen với những gì thường xuyên xảy ra này. Chính quyền có chăng cũng chỉ là ông tổ trưởng ở xóm khi mọi việc hầu như đã xảy ra xong, rồi đâu cũng vào đấy. Tôi nhớ lúc đó mấy anh em tôi nói với nhau trong nước mắt phải chi có chú công an đến bắt cha tôi đi.  Có thể tâm sự hoàn cảnh thế này ở nhà trường không? Những người trong cuộc như tôi không biết trông đợi và hy vọng vào ai để giúp mình.

 

Thiết nghĩ các cấp chính quyền nên có những giải pháp, những hành động thiết thực hơn để phát hiện và giúp đỡ những gia đình như thế trước khi xảy ra điều đáng tiếc mà không cần phải chính họ trình báo mới vào cuộc, vì thường sau khi xảy ra xong rồi họ ít khi trình báo. Khi những sự việc đã xảy ra như vậy chính quyền địa phương nơi đó có trách nhiệm như thế nào?

 

Ai cũng biết và nói gia đình là tế bào của xã hội, vậy cũng cần phải có các chương trình thăm, khám, phòng chữa kịp thời cho những căn bệnh gia đình cụ thể. Việc này các cấp chính quyền, các đoàn thể và nhà trường nên phối hợp lại với nhau, tôi nghĩ hoàn toàn có thể tìm ra giải pháp. 

 

Tôi hy vọng không còn điều đáng tiếc và đau lòng nào nữa xảy ra cho đến khi vấn đề này được kiểm soát.   

 

Trở lại trường hợp của em Mẫn, tôi cũng đồng tình với bài viết của tác giả Đặng Thanh Hải và cũng thiết tha mong TAND TP HCM xem xét thêm và giảm nhẹ mức án cho Mẫn, cho cậu ta một cơ hội để sửa chữa mình, để ăn năn, để bù đắp lại những mất mát cho những người còn lại trong gia đinh cậu ta và hơn thế nữa, dẫu sao họ cũng quá đau khổ và đáng được như thế. Tôi tin Mẫn làm được những điều đó và có lẽ cũng đang ước ao như thế.

 

LTS Dân trí - Những bức thư, những bài viết của bạn đọc gửi đến Tòa soạn Dân trí đều thể hiện rõ lương tri và tấm lòng vị tha, cho nên rất thấu hiểu cảnh ngộ của phạm nhân vốn là một sinh viên hiền lành, chăm chỉ và học giỏi. Chỉ vì người cha quá nát rượu và luôn đánh đập vợ con tàn nhẫn, khiến cho người con vốn hiền lành phải phẫn uất và gây ra án mạng. Cũng vì lý do đó mà người bà nội và mẹ của phạm nhân đã khẩn cầu Tòa án giảm nhẹ mức án cho Phan Minh Mẫn. Lời khẩn cầu đó nhận được sự đồng tình và ủng hộ của mọi người có lương tri.

 

Hàng trăm bức thư gửi tới Tòa sọan Dân trí đều tha thiết đề nghị TAND TP HCM xem xét thêm những tình tiết và động cơ dẫn tới vụ án. Điều đáng lưu ý là thủ phạm gây ra vụ án án này cũng đồng thời là nạn nhân của người bị hại chính là cha ruột của mình!

 

Qua vụ án này cũng nói lên một lời cảnh báo hết sức đáng lưu ý, đó là cảnh bạo hành trong gia đình do người bố gây nên còn khá phổ biến ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn, nhưng ít được sự quan tâm giải quyết kịp thời của chính quyền, cơ quan an ninh và các đoàn thể tại địa phương. Đấy cũng là một nguyên nhân gián tiếp dẫn đến những vụ án đau lòng như trường hợp nói trên.