Hy vọng năm mới, giáo viên sống được bằng lương

Còn một tháng nữa là đến tết, những người làm nghề giáo vừa lo vừa mong đợi. Lo vì tết đến có nhiều khoản phải chi tiêu, trong khi đồng lương quá eo hẹp. Mong đợi vì hy vọng năm mới, giáo viên sẽ sống được bằng lương.

Nhiều năm nay giáo viên chúng tôi đã ăn những cái tết đạm bạc đến mức không thể đạm bạc hơn, trong sự phát triển chóng mặt của đời sống kinh tế- xã hội. Nói thật lòng, cứ đến tết là chúng tôi thấy sợ. Sợ không đủ tiền làm mâm cơm tươm tất cúng ông bà; sợ không có tiền sắm chút quà biếu nội ngoại hai bên; sợ không có tiền mua tấm áo mới cho con thơ; sợ khi sum họp gia đình không có tiền lì xì cho con cháu. (Đã có đồng nghiệp của chúng tôi gặp cảnh éo le rơi nước mắt: ngày tết lì xì cho đứa cháu, nó mở phong bao lì xì ra và... chê ít cùng với ánh mắt coi thường, thất vọng).

 

Tết năm ngoái, giáo viên chúng tôi rất tủi thân khi bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân gửi thư chúc tết giáo viên toàn ngành và kêu gọi các cấp chính quyền, các đoàn thể xã hội, các mạnh thường quân hãy góp phần lo tết cho giáo viên để thầy cô “bớt đi những giọt nước mắt chảy ngược vào lòng khi tết đến”. Chúng tôi tủi thân vì cũng ăn học đàng hoàng, cũng tấm bằng đại học như ai mà đồng lương quá thấp so với các ngành nghề khác. Tủi thân vì không lo được cho gia đình. Tủi thân vì mang danh là “nghề cao quý”, giữ trọng trách chăm lo sự nghiệp trồng người, đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước lại phải ngửa tay nhận đồng tiền từ thiện của những tấm lòng hảo tâm!

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Vì thế, giáo viên chúng tôi mong muốn được đàng hoàng nhận tháng lương 13 như bao người lao động khác, được sống đàng hoàng bằng đồng lương của mình.

 

Còn nhớ cách đây hơn 3 năm, vào ngày 17/11/2006, Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã hứa đến năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương.

 

Như lời bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân hứa thì năm 2010, đời sống của giáo viên chắc sẽ bớt nhọc nhằn, sẽ không còn phải ngậm ngùi, tủi thân “nuốt nước mắt vào trong” khi tết đến.

 

Thực tế cho thấy gần 1 triệu nhà giáo nhiều năm qua đã không được đãi ngộ tương xứng với công sức và vai trò quan trọng của họ trong xã hội, nhưng họ vẫn chấp nhận dấn thân, chấp nhận cuộc sống đạm bạc với nhiều áp lực. Bằng chứng là nhiều đồng nghiệp của chúng tôi tình nguyện về công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống còn nhiều khó khăn, vẫn miệt mài gieo chữ giữa đại ngàn.

 

Trong khi đồng lương thấp, đời sống còn nhiều khó khăn thì công việc của chúng tôi lại chịu quá nhiều áp lực. Áp lực từ phụ huynh, áp lực từ học sinh, áp lực từ nhà trường, áp lực từ xã hội luôn đòi hỏi phải đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Áp lực nhiều như thế nhưng khi giáo viên mắc sai lầm thì bị công luận lên án gay gắt, thậm chí bị đuổi khỏi ngành.

 

Theo đề tài  nghiên cứu “Hệ thống phúc lợi ở TPHCM với mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội” do TS Trần Hữu Quang làm chủ nhiệm cùng các cộng sự là những giảng viên có uy tín của các trường đại học ở TPHCM đã nêu ra một vài số liệu như một bằng chứng về những “oan trái” mà giáo viên đang phải đối diện. Theo đó, nghề giáo hiện nay có nguy cơ trở thành nghề “oan trái”.

 

Lẽ nào dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo nên nghề giáo mới được xem là nghề cao quý, hiện nay lại có nguy cơ trở thành nghề “oan trái”? Thế thì, mai này còn ai dám theo nghề dạy học để chăm lo sự nghiệp trồng người, đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước?

 

Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi nói vui rằng: “Lâu nay chúng ta đang sống ngắc ngoải”. Do đó, chúng tôi tha thiết mong muốn lời hứa “năm 2010, giáo viên sống được bằng lương” của bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân được thực hiện, để chúng tôi có thể sống đàng hoàng bằng chính đồng lương của mình và toàn tâm toàn ý cho công việc, cống hiến tâm lực, trí lực của mình cho sự nghiệp trồng người.

 

                     Thu Thuỷ

 

LTS Dân trí - Bài viết trên đây bộc bạch tâm trạng thật của các thầy cô giáo. Nguyện vọng được sống bằng lương của họ cũng thật là chính đáng và hy vọng rằng mỗi khi Tết đến đối với giáo viên sẽ đỡ đi phần đạm bạc kể từ Tết sắp tới.

 

Chúng tôi xin trân trọng chuyển lời đề nghị của tác giả bài viết trên đây cũng là ý kiến chung của nhiều giáo viên lên tới các cấp lãnh đạo có trách nhiệm xem xét và có đủ thẩm quyền giải quyết quyền lợi chính đáng của các thầy, cô giáo đang gánh vác nhiệm vụ “trồng người” vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước chúng ta.