Chạnh lòng giáo viên nghĩ đến… thưởng Tết

Không chỉ riêng giáo viên phổ thông, giảng viên ở các trường đại học cũng vậy, cứ đến Tết lại thấy chạnh lòng về số tiền thưởng Tết quá đạm bạc so các bạn bè làm nhiều ngành nghề khác.

Bạn đọc Thanh Le Trung:

 

Tôi đã làm giảng viên đại học hơn chục năm. Hơn chục năm qua, câu chuyện về lương - thưởng Tết vẫn cứ râm ran ở các phòng nghỉ giữa giờ của giáo viên, mà sao câu chuyện đó cứ lăp lại hết năm này đến năm khác vẫn không tìm thấy lối ra; hình như nói ra chỉ để nhẹ bớt nỗi lòng.

 

Xã hội của chúng ta chẳng lẽ cứ nói mãi là phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà không có hành động cụ thể nào để bù đắp sự thiệt thòi vật chất (và cũng là tinh thần) cho các thầy cô.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Như vậy, có đúng thật là chúng ta đặt “giáo dục là quốc sách hàng đầu” cho sự nghiệp phát triển của đất nước hay không?

 

Cảm ơn Dân trí đã đề cập đến chuyện thưởng Tết cho giáo viên, một vấn đề tưởng như đã cũ, vậy mà còn mới nguyên trong lòng mỗi nhà giáo cũng như tất cả những ai có tâm huyết đến sự nghiệp “trồng người”.

 

Nói ra câu chuyện này không phải để an ủi giáo viên, hay chỉ vì quan tâm tới quyền lợi của các nhà giáo, mà trước hết điều đó cho thấy chúng ta quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đến con em chúng ta phải được dạy dỗ đến nơi đến chốn cũng như quan tâm đến tương lại trường tồn của đất nước phải dựa trên nền tảng chăm lo phát triển giáo dục.

 

Bạn đọc Thang Tran:

 

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, hiện giờ nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch thưởng tết, có khối doanh nghiệp thưởng lên đến cả trăm triệu đồng, nhưng cũng có những người trong một số ngành chỉ nhận 100.000 đồng, coi như đồng tiền lấy may và an ủi Ngày Tết thôi.

 

Riêng với giáo viên, những người có trọng trách chăm lo sự nghiệp “trồng người” thì họ chưa bao giờ nhận được một mức thưởng tết xứng đáng, mà cho dù có nhận thưởng cũng chỉ là bột ngọt, dầu ăn, những thứ như vậy thì làm sao có thể lo chu tòan ngày Tết,  như mua các thứ làm cỗ để cúng ông bà tổ tiên, mua quà tặng hai bên bố mẹ, mua cho mỗi đứa con một bộ quần áo mới… Tôi thiết nghĩ, đối với các thầy cô giáo đang làm nhiệm vụ  “trồng người”, thì các cấp lãnh đạo và quản lý có quyền chi tiền nên đưa ra một mức thưởng sao cho phù hợp. Có lần, tôi xem thời sự nói về chuyện thưởng tết của các trường học, tôi thật sự đau xót, khi mà những người thầy, người cô, họ đã dạy hơn cả chục năm, vậy mà đến ngày cận kề tết, họ thậm chí chỉ nhận được lời chúc từ chính quyền. Còn ở một số địa phương khác tặng cho dầu ăn, bánh ngọt, bột ngọt, nhìn mà tôi thấy ngẹn lòng.

 

Tôi mong các cấp chính quyền nên quan tâm đến giáo viên nhiều hơn, phải có những chính sách sao cho thoả đáng với giáo viên về việc thưởng tết, để họ còn có niềm vui chính đáng vào ngày Tết sau một năm lao động vất vả dạy dỗ con em chúng ta.

 

Bạn đọc Nguyễn Sơn:

 

Tôi và cũng như bao người khác đều cảm thấy chạnh lòng khi nghe và đọc được những bài viết về Cái Tết cho thầy cô nhưng điều gì cũng vậy, nghĩ đi lại phải nghĩ lại, để xem xét kỹ lưỡng vì sao lại có kết cục chưa vui đối với Cái Tết của Thầy Cô giáo, những người đã có công lao vất vả cả năm dạy dỗ con em chúng ta mà chưa được vui Tết ở mức sung túc như nhiều tầng lớp khác trong xã hội.

 

Theo tôi thì nguyên nhân thứ nhất là do cơ chế, chính sách đãi ngộ chưa thật thỏa đáng đối với sự cống hiến cụ thể của mỗi thầy, cô giáo; chế độ đồng lọat không thể công bằng đối với mọi người.

 

Thứ hai là do đặc thù của ngành giáo dục là hành chính sự nghiệp, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nước có giầu đâu mà người hưởng lương từ ngân sách có thu nhập cao, có thưởng Tết lớn. Những người làm công chức mà có thu nhập cao thì chủ yếu là bổng lộc ngòai lương, còn làm giáo viên thì chủ yếu sống thanh bần bằng đồng lương, không phải ai cũng đi dạy thêm được hoặc có thể kiếm tiền ngoài lương.

 

Muốn cho xã hội thấy rõ công lao to lớn của mình thì ngành giáo dục nói chung cũng như mỗi nhà trường, mỗi giáo viên phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, đổi mới từ chương trình sách giáo khoa cho đến phương pháp giáo dục; đổi mới cả cơ chế quản lý để có lương thưởng xứng đáng với những nhà trường mẫu mực và những giáo viên giỏi, tận tụy với nghề.

 

Vẫn biết giáo dục là nền tảng cho sự phát triển nhưng thực tế cho thấy giáo dục vẫn chưa làm tròn vai trò của mình, chưa theo kịp được sự phát triển của xã hội, vẫn còn chưa theo sát nhu cầu phát triển ngành nghề của xã hội; cách thức đào tạo còn lạc hậu, những học sinh, sinh viên tốt nghiệp được các doanh nghiệp tuyển dụng đều phải đào tạo lại; chưa nói là nhiều người không tìm được việc làm vì yếu kém cả kiến thức và tay nghề…

 

Đặt địa vị vào người giáo viên, tôi nghĩ không nên so sánh với những người làm ở các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh vì một lẽ họ là những người thực sự làm việc có hiệu quả nếu không có hiệu quả thì đương nhiên họ sẽ bị đào thải, họ phải tự chịu trách nhiệm công việc họ đảm nhiệm, họ dám từ bỏ khi không thành công, họ chịu đền bù, bồi thường khi gây tổn thất, họ làm cho doanh nghiệp cũng như là họ làm cho chính bản thân, vì thế họ mới có sự đền đáp xứng đáng, họ luôn biết tự làm mới mình theo đúng quy luật của triết học phủ định của phủ định.

 

Bạn đọc Nguyễn Mai Hương:

 

Tôi nghĩ rằng các nhà giáo không đến nỗi phải ngậm ngùi và chạnh lòng quá mỗi khi Tết đến. Giáo viên không được thưởng Tết nhiều nhưng 1 năm được nghỉ hè mà vẫn được hưởng lương bình thường (đây là nói các trường công); hằng ngày có thể lên lớp vài giờ, thời gian còn lại quán xuyến việc ở gia đình. Thậm chí có giáo viên còn bỏ tiền ra thuê giáo viên dạy hợp đồng lên lớp hộ, còn mình ở nhà kinh doanh buôn bán (tất nhiên trường hợp này không nhiều). Mang tiếng là giáo viên nhưng có người không giữ được tiếng thày trong lòng mình, cho nên không đem hết tâm sức dạy dỗ học sinh, chỉ dạy cầm chừng để giữ ghế thôi, chuyện này cũng có đấy. Trong khi đó người lao động thường phải làm việc quần quật cả năm một ngày đủ 8 tiếng không được nghỉ ngơi và đi từ sáng đến tối mới về, thế nhưng mức thưởng cũng chỉ 400.000 đồng ngày Tết mà thôi. Còn mức thưởng cao ngất ngưởng thì tận ở đâu chứ các doanh nghiệp tư nhân thì ít lắm.

 

Mong các thầy cô đừng quá chạnh lòng mà yên tâm làm nghề của mình.

 

LTS Dân trí - Nhìn mức lương và tiền thưởng Tết của giáo viên thấp hay cao là tùy thuộc vào góc nhìn của từng người.

 

Nhưng nếu xuất phát từ truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta cũng như đứng trên quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì xã hội chúng ta ngày nay có trách nhiệm bảo đảm đời sống cho thầy cô giáo có thể yên tâm, dành tâm huyết và sức lực cho nhiệm vụ “trồng người”.

 

Riêng đối với Ngày Tết, ngành giáo dục cũng như các cấp chính quyền càng nên quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên, nhất là các thầy cô giáo đang công tác ở các vùng cao, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm