Hà Nội:

Huyện Thanh Trì áp dụng mức bồi thường mập mờ, nhiều người rơi vào cảnh khốn đốn

(Dân trí) - Thu hồi đất giao cho doanh nghiệp triển khai dự án kinh doanh thương mại tại xã Tam Hiệp, nhưng UBND huyện Thanh Trì lại áp dụng giá đền bù 160 nghìn đồng/m2, đền bù không thỏa đáng số tài sản trên đất khiến quyền lợi của hàng chục gia đình bị đe dọa.

Đó là nội dung đơn kêu cứu khẩn cấp ông Nguyễn Văn Tuất, Giám đốc Công ty An Thịnh đang kinh doanh và sản xuất tại thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội gửi đến tòa soạn báo Dân trí. Đơn của ông Tuất cho biết, năm 1992, ông Tuất thành lập cơ sở sản xuất Đoàn Tiến chuyên sản xuất và cung ứng sản phẩm phân lân NPK. Do không có mặt bằng sản xuất, ông Tuất đã làm thủ tục mượn tạm 500m2 đất hoang hóa liền kề với các thửa đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/CP mà gia đình mua của các hộ tại xã Tam Hiệp. Trong quá trình sử dụng, gia đình ông Tuất không xảy ra tranh chấp với các hộ liền kề, đến năm 2011, cơ sở sản xuất Đoàn Tiến được chuyển thành Công ty An Thịnh.
 
Đơn kêu cứu ông Nguyễn Văn Tuất gửi đến tòa soạn báo Dân trí
Đơn kêu cứu ông Nguyễn Văn Tuất gửi đến tòa soạn báo Dân trí

Trong khi Công ty An Thịnh đang hoạt động ổn định, năm 2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi, đồng thời phê duyệt dự án đầu tư kinh doanh dịch vụ, giao cho Công ty Thắng Hương triển khai dự án Kinh doanh - Thương mại tại thôn Huỳnh Công, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì.

Theo thông tin PV Dân trí thu thập được, Dự án “Xây dựng văn phòng, trưng bày sản phẩm và kho” được TP Hà Nội đồng ý chấp thuận địa điểm đầu tư ngày 05/05/2009, tại văn bản số 3809/UBND-KH&ĐT, giao cho UBND huyện Thanh Trì tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Công ty Thương mại và Sản xuất Thắng Hương là đơn vị đề nghị chấp thuận địa điểm đầu tư, sau đó trúng thầu.

Quy mô sử dụng đất là khoảng 15.000m2, nhưng quyết định thu hồi đất và giao đất số 325/QĐ-UBND ngày 15/01/2013 của UBND TP Hà Nội thì tổng diện tích bị thu hồi phục vụ dự án là 18.037m2, vượt so với phương án đấu thầu hơn 3.037m2.

Phương án bồi thường hỗ trợ cho hộ gia đình ông Tuất thể hiện tại Quyết định 2178/QĐ như sau: Diện tích đất được giao: Thu hồi 300m2 đất được cấp theo Nghị định 64/CP với giá đền bù 162.000đ/m2 (Quyết định thu hồi đất số 6541/QĐ-UBND trong tổng số 1.155m2 được cấp theo Nghị định 64/CP); Thu hồi 1.622m2 đất không có quyết định thu hồi đất và bồi thường về đất; Bồi thường 74,6 triệu đồng với công trình, tài sản trên đất bị thu hồi.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Tuất, toàn bộ thông tin về việc thu hồi và triển khai dự án kinh doanh thương mại được thực hiện thiếu minh bạch, chỉ đến khi có quyết định cưỡng chế thu hồi đất chính quyền mới dồn dập thông báo cưỡng chế qua hệ thống loa đài , khiến nhiều người dân bất bình. Khi triển khai, thực hiện dự án này đã có nhiều sai phạm về trình tự và thủ tục.

Cụ thể, ngoài đơn mời thầu, mẫu đơn dự thầu, chỉ dẫn với nhà đầu tư, cần phải có Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 hoặc 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, đối với dự án này, đơn vị tham gia đấu thầu và trúng thầu đã không tuân thủ đầy đủ các quy định. Ngày 16/8/2010, UBND huyện Thanh Trì ban hành Văn bản số 708/UBND-QLĐT về việc: Thỏa thuận Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 dự án Xây dựng văn phòng, phòng trưng bày sản phẩm và kho, tức là sau ngày có Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gần 10 tháng (Quyết định 2914/QĐ-UBND ngày 22/12/2009).

Theo quy định tại khoản 1, Điều 14 - Quyết định số 15/2007/QĐ-UBND, thì việc đấu thầu chưa đủ điều kiện phê duyệt. Đất có đủ điều kiền đấu thầu phải là đất có thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng, trường hợp không có Thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng mà vẫn phê duyệt tổ chức đấu thầu là cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Vì vậy, quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà người trúng thầu là Công ty Thắng Hương cần phải hủy bỏ.

Quy trình áp giá bồi thường khi thu hồi đất triển khai dự án kinh doanh, thương mại của Công ty Thắng Hương có dấu hiệu trái quy định của nhà nước. Khoản 3, Điều 3 Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND ngày 18/01/2010, của TP Hà Nội quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư và làm nhà ở nông thôn quy định: “3. Nhà nước thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư được lựa chọn thông qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy hoạch (theo thỏa thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 4318/BTNMT-ĐĐ ngày 2/11/2005)”.

Ông Tuấn cho rằng, việc UBND huyện Thanh Trì căn cứ vào quy định về các loại giá đất của TP Hà Nội làm cơ sở tính giá bồi thường là không thuộc phạm vi điều chỉnh là trái quy định của Thành phố. Diễn đạt theo cách khác thì khi Nhà nước thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư được lựa chọn thông qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy hoạch tại địa bàn TP Hà Nội thì không áp dụng Quy định về các loại giá đất của TP Hà Nội.
 
Đơn kêu cứu ông Nguyễn Văn Tuất gửi đến tòa soạn báo Dân trí
Ông Tuất khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xem xét lại việc thu hồi đất tại xã Tam Hiệp

Dựa trên các hướng dẫn trên, thì rõ ràng trong trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án Xây dựng văn phòng, nhà kho để mở rộng sản xuất của Công ty Thắng Hương (có địa chỉ kinh doanh ngay cạnh khu đất bị thu hồi) thì chủ đầu tư phải tự thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với công dân, việc ép buộc cưỡng chế giao đất là không phù hợp các quy định của pháp luật.

UBND huyện Thanh Trì đã sai sót trong quá trình điều tra xác minh làm căn cứ cho phương án bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất. Cụ thể, Chưa đánh giá đúng nguồn gốc đất, không ra quyết định thu hồi đất, không bồi thường đúng và đủ về đất, tài sản trên phần diện tích 1.622m2, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Huyện Thanh trì không có quyết định thu hồi đất đối với diện tích đất giáp đường Phan Trọng Tuệ (Đường 70) được giao từ năm 1992-1993. Trong khi đó, phần diện tích 500m2 đã được UBND xã và huyện xác nhận cho gia đình ông Tuất sử dụng khi thành lập cơ sở sản xuất Đoàn Tiến năm 1992. Cùng nằm trong khu đất này còn có 400m2 đất được UBND xã cấp cho cơ sở Đoàn Tiến mở rộng kinh doanh sản xuất sử dụng từ 1993. Ngoài ra, gia đình ông Tuất còn có khoảng 300m2 đất do gia đình cải tạo và sử dụng ổn định giai đoạn 1992 - 1993.

Những khu đất kể trên đều nằm liền nhau, trước đây là đất khu lò gạch và ao lò bị bỏ hoang, gia đình ông Tuất đã phải tôn tạo, san lấp mặt bằng, nhà xưởng, xây dựng nhà ở để trông nom mới được như ngày nay. Căn cứ Điều 50 Luật Đất đai 2003; Điều 7; Điểm a,b - Điều 17 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà nội thì diện tích đất trên hoàn toàn có cơ sở để cấp sổ đỏ, đồng thời được bồi thường về đất và hỗ trợ về đất ở, đất sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp khi nhà nước thu hồi đất.

Trên mảnh đất này, gia đình ông Tuất xây nhà để ở, làm nơi kinh doanh. Tuy nhiên, khi giải quyết thu hồi đất, cơ quan có thẩm quyền lại không thừa nhận thực tế trên, mà coi tài sản trên là lán trại, từ đó áp dụng mức bồi thường 10% với trị giá là hơn 74 triệu đồng là không phù hợp.

Ông Tuất đang là người sử dụng diện tích đất nông nghiêp là 3.480m2 được cấp theo Nghị định 64/CP (do nhận chuyển nhượng và nhận ủy quyền sử dụng theo Hợp đồng ủy quyền của 18 hộ gia đình). Danh sách này ông Tuất đã gửi kèm theo đơn khiếu nại kêu cứu năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét.

Trong phần diện tích bị thu hồi có đất và tài sản trên đất Công ty Thương mại và dịch vụ An Thịnh do ông Tuất làm Giám đốc. Tuy nhiên, khi lên phương án bồi thường UBND huyện Thanh Trì đã không đưa vào xem xét trường hợp này là bỏ sót đối tượng được hưởng bồi thường hỗ trợ về đất và tài sản trên đất. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, ông Nguyễn Văn Tuất khẩn thiết đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì các cơ quan chức năng Thành phố xem xét lại trình tự thu hồi đất, mức giá đền bù cho phù hợp thực tế và có câu trả lời thấu tình, đạt lý cho công dân.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ngọc Cương - Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm