Hướng về Đất Tổ oai hùng!

(Dân trí) - “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ 10/3”. Bao đời nay, những người con đất Việt đều ghi nhớ nằm lòng lời nhắn nhủ hướng về nguồn cội, lời hẹn ước dịp hội tụ quan trong nhất tháng Ba hàng năm “cho ta cùng nhau vang lời hát Đất Tổ oai hùng!”

 
Hướng về Đất Tổ oai hùng! - 1
Du khách đổ về Đền Hùng ngày giỗ Tổ năm nay (ảnh: Phong Nguyên)
 

Với riêng tôi, vùng đất thiêng liêng nổi tiếng với những bức tranh phong cảnh mướt xanh rừng cọ đồi chè ấy đã gắn bó từ thời mới chập chững bước chân vào làng báo đất bắc.

 

Lần ấy tôi được phân công đi thực tế viết bài về những nữ công nhân ngành chè của tỉnh Phú Thọ. Khung cảnh những vồng chè uốn lượn bậc thang trên đồi giữa trời xanh mây trắng nắng lung linh thơ mộng bao nhiêu, thì cuộc sống của  người trồng chè ngày ấy càng tương phản - khốn khó bấy nhiêu.

 

Tiếp chúng tôi là những phụ nữ lùng nhùng trong những bộ quần áo bảo hộ lao động dày cộp, mặt và cổ chìm lấp sau tấm khăn quấn tùm hum, chỉ hé lộ đôi mắt. Bàn tay ai cũng đen xịt màu nhựa chè đeo bám lớp này chồng lên lớp khác.  Hết ngày làm việc đằng đẵng trên đồi cao nắng táp, mưa sa, tối tối họ trở về ăn bữa cơm đạm bạc trong những “tổ ấm” mà dù là nhà riêng hay tập thể đều đơn sơ, trống trải na ná như nhau ngay bên những vạt chè, khóm cọ xanh tốt đấy mà chẳng mang lại cho người trồng trọt và chăm sóc chúng được  bao  nhiêu thu nhập ... 

 

Và tôi đã có một đêm hòa chung nước mắt cùng nhóm phụ nữ đều là những bà mẹ đơn thân, đa phần phải chấp nhận cảnh tự kiếm lấy đứa con sau khi đã để lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường hoặc những nông, lâm trường xa lơ xa lắc. Để rồi tôi phải bùi ngùi ra về với lời nhắn gọi nghẹn ngào từ căn buồng phơi đầy tã lót của bà mẹ vừa sinh con một mình : “Đừng viết về chúng mình, nhà báo nhé. Không thế thì cuộc đời người trồng chè cũng đã khổ lắm rồi”.

 

Lần trở về đã xa xôi ấy, chúng tôi mang theo nỗi lòng trĩu nặng lên thắp hương tại Đền Hùng. Và tôi đã chắp tay thành kính tỏ bày chỉ một ước nguyện sao cho những giọt mồ hôi mà người dân cần cù nơi đây đổ xuống đều được đáp đền xứng đáng, để ai cũng có được cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc. Để bất kỳ ai đi ngược về xuôi, khi về với vùng đất trung du này đều được cảm nhận đúng những gì như trong lời bài ca “Vịnh Xuân Đất Tổ”:

 

Một ngày, một ngày đong đưa nhịp bước chân

Theo câu dân ca về nơi Đất Tổ

Thì thầm thì thầm mục hạ Tây Thiên

Tưởng như còn đây một cõi tiên

 ………………………
 
Về đây người ơi nhịp trống sân đình

Cùng trao câu hát tang tính tang tình

Về đây vịnh xuân đất trời gọi muôn hoa

Cho mây trời xanh thắm,

Cho ta cùng nhau vang lời hát

 Đất Tổ oai hùng!

 

Thời gian qua mau, lần trở về Phú Thọ sau đó tôi đã được chứng kiến sự thay da đổi thịt nhanh chóng của người dân vùng đất phát tích thời đại Hùng Vương, nơi đặt kinh đô đầu tiên của nhà nước Văn Lang này.  Khu di tích Đền Hùng đã là một trong 9 địa danh được Chính phủ công nhận xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia từ cuối năm 2009,  ngày càng khẳng định vị thế là nơi quy tụ tâm linh văn hóa của mọi con dân đất Việt trên cả nước cũng như kiều bào ta từ khắp thế giới trở về.
 
Hướng về Đất Tổ oai hùng! - 2
Đồi chè Phú Thọ (ảnh: VOVNews)

 

Năm nay, lễ hội chè Phú Thọ mang chủ đề “Hương sắc chè đất Tổ” được tổ chức từ ngày 10 đến 12/ 4 tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, với 16 gian trưng bày của 13 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và Hiệp hội chè Việt Nam. 
 

Thật vui  khi được biết qua lịch sử phát triển hơn 100 năm với 60 ha chè đầu tiên được trồng từ năm 1890, tới nay Phú Thọ đã trở thành tỉnh đứng thứ 4 cả nước về diện tích và thứ 3 về sản lượng, với 80% sản lượng dành cho xuất khẩu, đạt kim ngạch hơn 15 triệu USD/năm.  Phú Thọ đang tiếp tục hướng đến mục tiêu tới năm 2015 năng suất chè búp tươi đạt 9,5 tấn/ha, giá trị bình quân đạt 35 – 38 triệu đồng/ha.

 

Và hôm nay, trước thời khắc thiêng liêng này, chúng tôi cảm động sẻ chia tình cảm hướng về cội nguồn cùng nỗi lo lắng rất chủ nhà của một độc giả chính gốc “rừng cọ đồi chè”:

  

 Là người Phú Thọ xa quê, khi thấy hàng triệu người trên mọi miền đất nước về giỗ Tổ, tôi thực sự xúc động. Nhưng cũng có phần e ngại: người đông quá liệu an ninh trật tự có bảo đảm không? Các nhà chức trách của tỉnh cần căng hết sức để có một lễ hội trọn vẹn. Không dễ gì mà có nhiều du khách về với quê hương chúng ta cùng lúc như vậy. Người Phú Thọ quê mình có truyền thống hiếu khách, giờ là lúc chúng ta càng phải thể hiện tình cảm đó một cách đúng nghĩa nhất. Không biết Ban tổ chức có quà gì cho con cháu Vua Hùng về giổ tổ không nhỉ? Nếu năm nay chưa làm được thì năm sau mong các bác lãnh đạo tỉnh cố gắng có món quà gì đó, kẻo đi "ăn giỗ Tổ về mà không có phần cho người ở nhà thì cũng kém vui có phải không?". Đôi lời tâm sự vậy thôi cho đỡ nhớ quê, các bác đừng trách nhé” - Hà Công:  namvt3@yahoo.com.

 

Cùng những tâm sự từ tận đáy lòng của những người con xa nay mới có dịp được về với Đất Tổ trong dịp lễ trọng đại, để được tận mắt chiêm ngưỡng vùng đất “khởi phát nguồn linh khí Hùng Vương kết tụ từ tinh hoa cha Rồng mẹ Tiên, theo địa mạch mà lan chảy, theo thời gian mà truyền chảy, theo những cánh chim Lạc mà trôi chảy đến các phương trời xa” (Lê Bảo Âu Long, báo Công an Nhân dân ngày 11/4).

 

Tự hào là con Lạc cháu Hồng. Hãy cùng chung tay xây dựng và phát triển đất nước”, Nhất Vũ:  nhatvu258@yahoo.com

 

Thật sự là một hành động rất đẹp. Giỗ Tổ là một lễ hội rất linh thiêng và ý nghĩa…”,  Lương Anh Dũng:  anhdung_hvhc@yahoo.com.vn.

 

Thế mới là người Việt Nam. Dù đi xa nhưng vẫn không quên nhớ về nguồn gốc, tổ tiên”, Nguyễn Văn Thông:  nguyenvanthong89@gmail.com ...

 

Kiều Anh