Hơn trăm người lao động mất việc trong "nháy mắt": UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo trả lương công nhân!

(Dân trí) - Ngoài việc chỉ đạo Công ty Cổ phần Cấp nước (Cty Cấp nước) Cà Mau nên sử dụng quỹ tiền lương của người lao động năm 2016 để chi trả cho 27 lao động theo quy định, UBND tỉnh Cà Mau cũng khẳng định, cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh này không can thiệp “quá sâu” vào hoạt động của công ty như các cổ đông đã phản ánh.

Liên quan đến vụ hơn trăm người lao động tại Cty Cấp nước Cà Mau bị cho nghỉ việc sai quy định và những vấn đề “lùm xùm” tại công ty này, nguồn tin của PV Dân trí cho biết, UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có nội dung kiến nghị của các cổ đông và vấn đề bồi thường, chi trả lương, các loại phí bảo hiểm đối với 27 lao động bị cho nghỉ việc hồi tháng 5/2016.

Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau, nơi có hơn trăm người lao động bị cho nghỉ việc sai quy định.
Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau, nơi có hơn trăm người lao động bị cho nghỉ việc sai quy định.

Trước đó, Cty Cấp nước Cà Mau đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Cà Mau về giải quyết lao động dôi dư trong quá trình thực hiện tái cơ cấu tổ chức bộ máy và bố trí lại lao động tại công ty. Trong báo cáo này, lãnh đạo Cty Cấp nước đã xin ý kiến UBND tỉnh cho phép sử dụng nguồn kinh phí lấy từ cổ tức của cổ phiếu Nhà nước năm 2016 để chi trả lương, các loại phí bảo hiểm và đền bù thiệt hại khác cho 27 lao động trong thời gian không làm việc tại công ty cho đến nay.

Ngoài ra, trước đây, 8 trong số gần 300 cổ đông tại Cty Cấp nước Cà Mau cũng đã đồng ký đơn gửi UBND tỉnh và nhiều cơ quan chức năng tỉnh này, với nội dung cho rằng thời gian qua UBND tỉnh Cà Mau đã can thiệp “quá sâu” vào hoạt động của công ty, từ đó đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Sau khi tiếp nhận báo cáo và đơn của các cổ đông, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản gửi các Sở, Ban ngành tỉnh chỉ đạo tham mưu giải quyết các vụ việc tại Cty Cấp nước và tham mưu xem UBND tỉnh có can thiệp “quá sâu” vào hoạt động của doanh nghiệp này như các cổ đông đã phản ánh.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, 27 lao động bị cho nghỉ việc hồi tháng 5/2016 vẫn nằm trong kế hoạch quỹ tiền lương của công ty và đã được phê duyệt, nên đề nghị công ty lấy quỹ tiền lương để chi trả cho người lao động theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, 27 lao động bị cho nghỉ việc hồi tháng 5/2016 vẫn nằm trong kế hoạch quỹ tiền lương của công ty và đã được phê duyệt, nên đề nghị công ty lấy quỹ tiền lương để chi trả cho người lao động theo quy định.

Mới đây, ông Lâm Văn Bi (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau) đã ký Công văn số 3715 gửi Cty Cấp nước, các cổ đông và Sở ngành liên quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó có nội dung chỉ đạo công ty sử dụng quỹ tiền lương để chi trả cho lao động theo quy định và khẳng định UBND tỉnh và các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh không can thiệp “quá sâu” vào hoạt động công ty như các cổ đông đã phản ánh.

Nội dung Công văn số 3715 của UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ: Thời gian qua, UBND tỉnh đã nhận được nhiều đơn yêu cầu, kiến nghị, tố cáo, cầu cứu của cá nhân, người lao động, đại diện phần vốn Nhà nước, thành viên Hội đồng quản trị của Cty Cấp nước với nội dung đề nghị thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ một số sai phạm xảy ra tại công ty.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở ngành có liên quan tổ chức rà soát, kiểm tra, xác minh theo nội dung yêu cầu, kiến nghị nêu trên.

Qua kiểm tra, rà soát đã phát hiện một số vi phạm của những người đại diện phần vốn Nhà nước giữ chức danh quản lý tại công ty. Trong đó, đối với Chủ tịch HĐQT, với vai trò là người đại diện phần vốn Nhà nước, giữ chức danh quản lý tại công ty, ông Lý Hoàng Trung chưa thận trọng trong điều hành, phân giao nhiệm vụ cho cấp dưới; nóng vội, thực hiện chưa tốt quy chế dân chủ cơ sở nên chưa tạo được sự đồng thuận, để nội bộ mất đoàn kết; giải quyết hợp đồng lao động chưa đảm bảo đúng quy định dẫn đến thưa kiện kéo dài, phức tạp; thực hiện chưa đúng quy định về công tác cán bộ; chưa chủ động báo cáo chủ sở hữu tình hình hoạt động và các vụ việc phức tạp phát sinh tại công ty;…

Đối với Giám đốc, Phó Giám đốc: Với vai trò là người đại diện phần vốn Nhà nước giữ chức danh quản lý tại công ty đã để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ; chưa quyết đoán và nhất quán trong giải quyết, chấm dứt hợp đồng lao động; bổ nhiệm cán bộ chưa đúng quy định; chưa kịp thời báo cáo chủ sở hữu những sự việc sai phạm xảy ra tại công ty;…

Trên cơ sở kiến nghị của Ban điều hành công ty về giải quyết lao động sau khi thực hiện tái cơ cấu lao động sau cổ phần hóa, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu HĐQT, Ban điều hành thực hiện phải hết sức cân nhắc, đảm báo đúng quy trình, thủ tục theo quy định, trên cơ sở đồng thuận của người lao động, thống nhất của tổ chức công đoàn, đảm bảo dân chủ và quan tâm đến quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động.

UBND tỉnh Cà Mau khẳng định, chỉ thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp, chỉ đạo giám sát người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo thẩm quyền, chứ không can thiệp “quá sâu” như phản ánh của các cổ đông.
UBND tỉnh Cà Mau khẳng định, chỉ thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp, chỉ đạo giám sát người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo thẩm quyền, chứ không can thiệp “quá sâu” như phản ánh của các cổ đông.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo: Đối với việc sử dụng nguồn kinh phí lấy từ cổ tức của cổ phiếu Nhà nước năm 2016 tại công ty để chi trả các khoản lương, bảo hiểm và đền bù thiệt hại khác cho 27 lao động trong thời gian không làm việc tại công ty đến nay theo kiến nghị của công ty thì UBND tỉnh đã có Công văn số 2921 (ngày 17/4/2917). Theo công văn này, năm 2016, công ty đã xác định mức lao động kế hoạch đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và xác định quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo định mức, trong số đó có 27 lao động cho nghỉ việc do tái cơ cấu và đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến thẩm định tại Công văn số 944 (ngày 10/8/2016). Vì vậy, việc chi trả lương, đóng các loại bảo hiểm cho 27 lao động nêu trên nên sử dụng từ quỹ tiền lương của người lao động năm 2016 để chi trả theo quy định.

Đối với kiến nghị của 8 cổ đông, công văn cũng chỉ rõ: UBND tỉnh thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp, chỉ đạo giám sát người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo thẩm quyền được quy định tại Điều 43 và 48 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (ngày 26/11/2014); Điều 5, Nghị định số 106 (ngày 23/10/2015) của Chính phủ và thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định tại Luật doanh nghiệp. “Sau khi cổ phần hóa, cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho công ty hoạt động theo quy định của pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh chỉ thực hiện quán lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành, không can thiệp sâu vào tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”, nội dung công văn khẳng định.

Như Dân trí đã có nhiều bài phản ánh, thời gian qua, dư luận tỉnh Cà Mau xôn xao về việc trước khi cổ phần hóa vào cuối năm 2015 đầu năm 2016, Cty Cấp nước Cà Mau đã cho hơn 100 lao động nghỉ việc, mà theo kết luận của cơ quan chức năng thì công ty đã cho người lao động nghỉ việc sai quy định.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Tuấn Thanh