Thanh Hóa:

Hơn 11.000 cá nhân, tổ chức xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Bình Minh

(Dân trí) - Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa vừa báo cáo UBND tỉnh này về việc có hơn 11.000 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức xây dựng trái phép công trình trên đất nông nghiệp.

Hàng nghìn công trình xây dựng trái phép

Trước đó, ngày 8/3, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 2882/UBND-NN về việc giao kiểm tra, rà soát đánh giá thực trạng và tình hình các vi phạm đất đai đối với các công trình đã xây dựng trên đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về kết quả rà soát. Theo đó, việc vi phạm chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lấn, chiếm đất xây dựng nhà ở, nhà kho, trang trại, xây dựng các công trình trái phép khác trên đất nông nghiệp còn nhiều; việc cho thuê đất trái thẩm quyền; mua bán, chuyển nhượng đất lâm trường để san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trái phép còn diễn ra phức tạp.

Cụ thể, có 9.763 trường hợp hộ gia đình, cá nhân xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, với diện tích xây dựng 1,2 triệu m2. Trong đó, có 7.191 trường hợp vi phạm trên đất của hộ gia đình, 2.762 trường hợp vi phạm trên đất của UBND xã, tổ chức, cá nhân khác.

Hơn 11.000 cá nhân, tổ chức xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp - 1

Một công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thiệu Hóa.

Bên cạnh đó, có 94 tổ chức vi phạm, với diện tích xây dựng 75.287 m2. Trong đó có 88 trường hợp vi phạm trên đất của tổ chức, 9 trường hợp vi phạm trên đất của UBND cấp xã, tổ chức, cá nhân khác.

Về công tác quản lý đất nông nghiệp của các lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ, qua kiểm tra, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa phát hiện có 1.517 trường hợp (gồm các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) vi phạm với diện tích 229.333 m2.

Trong đó, vi phạm đất trồng cây hàng năm là 93.059 m2, đất trồng cây lâu năm 66.095 m2, đất lâm nghiệp 69.729 m2. Có những đơn vị, để xảy ra tình trạng xây dựng "chui" lên tới hàng nghìn trường hợp. Đơn cử, Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân có 1.300 trường hợp vi phạm với diện tích 10.580 m2.

Tất cả những trường hợp đã nêu đều vi phạm trên đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp…

Cho "hợp thức hóa" hơn 6.600 trường hợp

Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND cấp huyện xử lý. Trong đó, có việc cho "hợp thức hóa" 6.680 trường hợp hộ gia đình xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp trước ngày 1/7/2014 bằng cách xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đối với 3.080 trường hợp vi phạm sau ngày 1/7/2014, yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo cấp xã lập hồ sơ xử lý vi phạm, tháo dỡ công trình vi phạm.

Về 94 trường hợp là tổ chức vi phạm, giao UBND cấp huyện thành lập đoàn kiểm tra xử lý từng trường hợp cụ thể. Nếu vượt thẩm quyền, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định.

Đối với các lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ kiên quyết xử lý, thanh lý hợp đồng các hợp đồng giao khoán có vi phạm trong việc chuyển nhượng, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp. Với những công trình vi phạm sau ngày 1/7/2014, các đơn vị phối hợp với địa phương tháo dỡ công trình, trả lại nguyên trạng đất.

Báo cáo cũng nêu rõ, nguyên nhân chính dẫn tới trình trạng trên là do chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp xã, thị trấn chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chức năng quản lý Nhà nước về đất đai.

Các nông trường, ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty nông, lâm nghiệp được giao đất đã buông lỏng quản lý đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao quản lý; chưa xử lý kịp thời, xử lý không quyết liệt, dứt điểm các trường hợp vi phạm phát sinh.

Các phòng ban cấp huyện chưa tham mưu chỉ đạo quyết liệt để chính quyền các xã thực hiện xử lý vi phạm hành chính, xây dựng, triển khai phương án cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định của pháp luật.