Hoài nghi và phản biện
(Dân trí) - Tại buổi giao lưu trực tuyến về vấn đề học tập của sinh viên học sinh do VietNamnet tổ chức tuần qua, TS. Nguyễn Sơn Bình - Giáo sư Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ nêu ý kiến rằng, cần loại bỏ lối học mù quáng theo sách vở, phải chú trọng vào sáng tạo và hoài nghi những gì sách vở nói.
Ông khuyến khích sinh viên tập cách suy nghĩ khách quan và phải luôn tâm niệm rằng những điều học hôm nay rất có thể sẽ lỗi thời vào ngày mai, và không ngừng tự hỏi những điều mình học hôm nay đúng hay sai?
Những điều Giáo sư Bình nói không có gì mới đối với các nước tiên tiến trên thế giới nhưng lại quá xa lạ với tư duy của sinh viên, học sinh Việt Nam. Dạy dỗ theo lối áp đặt một chiều lâu nay đã phong kín não trạng của bao thế hệ bằng hai chữ “chấp nhận”.
Sách vở giáo khoa mang tính từ chương nặng nề, người học nghiền ngẫm những kiến thức đó và xem là kinh điển. Ngay cả văn học, một môn học khơi gợi cảm xúc và thẩm mỹ cá nhân cũng được biên soạn thành những bài mẫu làm khuôn vàng thước ngọc cho đối tượng tiếp nhận.
Ai hiểu và nói khác đi sẽ bị điểm kém, cho nên số đông học sinh đều phải hiểu giống nhau, hiểu theo cách của một người đã nghĩ trước đó. Tính sáng tạo, tính hoài nghi, tính phản biện bị triệt tiêu hoàn toàn. Nguy hiểm hơn là quá trình đó hình thành nên tính cách của một thế hệ không biết hoài nghi, lười nghĩ khác đi và sợ hãi không dám phản biện. Từ tính cách đó sẽ làm lệch lạc nhân cách con người, đó là hèn, là dựa vào số đông cho an toàn.
Hoài nghi là một phẩm chất, trước hết là một phẩm chất khoa học vì chính nó khơi dậy những sáng tạo. Vậy tại sao lại không hoài nghi? Sự chứng thực khoa học của nhân loại đã khẳng định không có gì là tuyệt đối, và có những giá trị chỉ phù hợp trong một khoảng thời gian và không gian nhất định, ở một thời điểm khác, nó sẽ được thay thế bằng những giá trị khác.
Có hoài nghi, có phê phán mới có sáng tạo, cho nên triệt tiêu cách học thụ động theo kiểu tiếp thu kiến thức một cách cứng nhắc và bất biến là điều rất cần thiết. Đây cũng là một trong những việc làm cấp thiết trong chiến lược chấn hưng giáo dục quốc gia.
Kết thúc bài viết này, xin được hầu bạn đọc câu chuyện: Một buổi tối, nhà vật lý nổi tiếng người Anh Ernest Rutherford đến phòng thí nghiệm và gặp một sinh viên. Ông hỏi: “Anh làm gì muộn vậy?”. Anh sinh viên đáp: “Thưa thầy, con đang làm thí nghiệm”. Ông hỏi tiếp: “Thế ban ngày anh làm gì?”. Anh sung sướng trả lời: “Thưa, con làm thí nghiệm”. Ông tỏ vẻ băn khoăn: “Sáng sớm hôm nay anh cũng làm thí nghiệm ư?”. Anh sinh viên gật đầu và chờ đợi lời khen của thầy mình. Nhưng ông lại tỏ ra rất thất vọng: “Này anh, bao giờ anh mới suy nghĩ”.
Lê Chân Nhân