Hiệu trưởng - những “ông vua con”?

Hiệu trưởng là công chức làm nhiệm vụ quản lí giáo dục ở cơ sở. Bên cạnh những thầy hiệu trưởng mẫu mực, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục vẫn có nhiều hiệu trưởng các trường phổ thông trở thành những “ông vua con” tha hồ “tự tung tự tác” gây ra biết bao chuyện bi hài…

Hiệu trưởng ư - có lẽ nào…?

Thỉnh thoảng, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại xuất hiện một vụ scandal về một ông hiệu trưởng nào đó, với những tình tiết li kì khó mà tưởng tượng nổi. Báo Sài gòn giải phóng Online ngày 5/4/2007 đưa tin ông hiệu trưởng, Bí thư chi bộ trường Tiểu học Danh Coi, xã Đông Hưng B, An Minh, Kiên Giang đã lập hồ sơ khống ăn chênh lệch hàng mấy chục triệu đồng, “xin” tiền giáo viên mỗi người 30-100 nghìn đồng, không cấp công tác phí cho giáo viên…Đến khi bị đấu tranh thì ông này dọa đánh tập thể giáo viên và tuyên bố một câu xanh rờn: “ từ nay áp dụng luật…tù đày đối với giáo viên”!  

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Báo Tuổi trẻ ngày 5/12/2007 đưa tin ông Hoàng Quốc Tuấn, hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập, Vinh, Nghệ An bị bắt quả tang đang đánh bạc cùng phụ huynh học sinh và giáo viên ngay tại trường.

Báo Lao Động ngày 12/01/2008 phản ánh về ông hiệu trưởng trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Bình Định Lê Phái Hưng thường xuyên nói chuyện với giáo viên bằng ngôn ngữ “thể thao” và khiến các nhà báo phải kinh hồn bạt vía khi tiếp xúc bởi cách hành xử hung hãn, thô bạo của ông ta.

Báo Vietnamnet ngày 02/01/2008 đưa tin: “ông Lê Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Thuận Hạnh, Đắc Song, Đắc Nông đã dùng tay đấm thẳng vào mặt cô giáo Nguyễn Thị Nhẫn vì hai người bất đồng ý kiến nhau trong một cuộc họp. Còn ông Nguyễn Văn Minh hiệu trưởng trường THPT Quỳnh Lưu 2 (Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị một số giáo viên tố cáo thường xuyên có hành vi quấy rối giáo viên như vỗ, vuốt má, ôm hôn... (Vietnamnet ngày 14/09/2007)…

Còn trên một tờ báo của ngành giáo dục phản ánh vụ việc giáo viên bị hiệu trưởng đối xử như…đứa ở, bắt phải lau xe, ngày nghỉ đến trường quét dọn, lau rửa phòng học trước mặt học sinh khiến cô vừa làm vừa khóc…

Liệu còn có những “hiệu trưởng-bạo chúa” khác mà vẫn chưa bị phát giác, chưa bị đấu tranh đưa ra công luận?

Vì sao có các hiệu trưởng mất nhân cách như vậy?

“Nhân chi sơ, tính bản thiện” - Các hiệu trưởng hầu hết là những đảng viên gương mẫu, những giáo viên giỏi, đạo đức tốt, qua thời gian phấn đấu được tổ chức giới thiệu, tập thể giáo viên tín nhiệm rồi mới được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo.

Có ý kiến cho rằng lỗi tại “cơ chế”cho hiệu trưởng là người toàn quyền quyết định mọi việc trong nhà trường, được trao nhiều quyền nhưng chưa có một cơ chế kiểm soát hữu hiệu. Các tổ chức Công đoàn, Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ chăm lo đời sống giáo viên, bảo đảm dân chủ trong cơ quan nhưng hầu như không phải là một “đối trọng” của hiệu trưởng, bởi vì các chức danh như Chủ tịch công đoàn, Trưởng ban thanh tra nhân dân, Bí thư Đoàn trường, các Tổ trưởng chuyên môn, thậm chí là các Phó hiệu trưởng…đều do hiệu trưởng quyết định. Hiệu trưởng chỉ “đưa lên” những ai “hợp”, “biết điều” và những người “cứng đầu” sẽ không bao giờ được cất nhắc hoặc nhanh chóng bị “hạ bệ” hoặc nếu đang làm việc cũng sẽ bị cô lập. Dĩ nhiên những chức danh ấy sẽ phải thông qua những hội nghị, những cuộc bầu cử, bỏ phiếu… nhưng ý kiến (hay “chỉ thị”) của hiệu trưởng thường đóng vai trò quyết định.

Với quan niệm : “hiệu phó chỉ là người giúp việc cho hiệu trưởng”, “cấp phó có như không”, không ai hi vọng gì vào việc hiệu phó sẽ phản đối những sai trái của hiệu trưởng. Nếu như hiệu trưởng kiêm luôn chức Bí thư chi bộ nữa (hiện tượng này đã phổ biến) thì mọi “diễn đàn” đều là của ông ta. Hiệu trưởng nhiều trường còn có quyền quyết định tuyển giáo viên và hiện nay còn đang được đề xuất trao thêm quyền quyết định thu nhập của giáo viên. Đối với giáo viên, nhiều người lại mặc nhiên coi hiệu trưởng như một người có quyền sinh quyền sát, mỗi lời nói là một mệnh lệnh, không hề dám đấu tranh, phản đối, thậm chí có không ít người còn tìm cách xun xoe, nịnh bợ, biếu xén quà cáp...Không ít giáo viên quan niệm “hiệu trưởng luôn luôn đúng”, nhiều việc hiệu trưởng làm vô cùng chướng tai gai mắt song họ vẫn cứ bênh chằm chặp.

Về các chế độ chính sách thì hiệu trưởng “cho” gì thì nhận nấy, không “cho” cũng đành chịu chứ không biết kêu vào đâu, y như là ông hiệu trưởng bỏ tiền túi ra vậy. Tôi đã từng chứng kiến những người làm công tác công đoàn, nữ công đi “xin” tiền hiệu trưởng để cho các hoạt động mà thấy như chính mình bị xúc phạm, cũng “cò kè bớt một thêm hai”! Nhiều giáo viên nữ bị hiệu trưởng “quấy rối” cũng không dám có ý kiến gì, và ngược lại cũng có những giáo viên nữ sẵn sàng “cởi mở” với “sếp”! Trong một môi trường như thế, hiệu trưởng không “hư” mới là chuyện lạ!

Mặt khác, hiệu trưởng bao giờ cũng có sự hậu thuẫn rất lớn từ các cơ quan quản lí giáo dục cấp trên. Hơn ai hết, giáo viên là người hiểu rất rõ qui luật “đấu tranh-tránh đâu”. Cho nên, giáo viên chỉ khiếu kiện hiệu trưởng khi sự việc đã trở nên quá nghiêm trọng hay bản thân bị trù dập, bị phương hại. Và nhiều chuyện phi lí đã xẩy ra, hiệu trưởng vi phạm kỉ luật chưa sao cả (hay không sao cả) nhưng người bị kỉ luật đầu tiên là người viết đơn tố cáo.

Báo Dân trí điện tửngày15/01/2008 phản ánh sự việccô hiệu trưởng Nguyễn Thị Tâm của trường mầm non xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, Nghệ An đã thẳng thừng cho 2 cô giáo của trường nghỉ việc 4 tháng liền vì “tội” “dám chống lại cấp trên” (mà thực ra hai cô giáo này đã tố cáo 19 việc sai trái của hiệu trưởng). Trước nỗi oan uổng của hai cô giáo, chính quyền địa phương, phòng GD liên tục chỉ thị cô hiệu trưởng phải cho hai cô giáo trở lại làm việc nhưng ròng rã mấy tháng trời vẫn không ăn thua, rốt cuộc, cô hiệu trưởng “một tay che cả bầu trời” kia đã bị kỉ luật “vô cùng nghiêm khắc” bằng hình thức…kiểm điểm!

Ông hiệu trưởng đòi “tù đày” giáo viên đã nói ở trên chỉ bị cách chức, chuyển công tác, còn các giáo viên tố cáo vụ việc không những không được khen mà còn bị…xử lí kiểm điểm. Những người hay đấu tranh vì lẽ phải thường bị quàng vào cổ những “tội danh” tày trời: “vì động cơ cá nhân”, “ghen ăn tức ở”, “phá hoại đoàn kết”, “bôi nhọ danh dự”, “bất bình thường”, “chống đối”, “Chí Phèo”…và nhiều khi trở nên kì quái trong con mắt một tập thể “dĩ hòa vi quí”. Những chuyện như thế đã làm nản lòng những ai muốn đấu tranh.

Cái sai không được phát hiện, chấn chỉnh, đấu tranh kịp thời, thậm chí còn được bao che, dung dưỡng…nên càng có cơ hội mạnh mẽ, sinh ra biết bao chuyện ngược đời: thu nhập của hiệu trưởng trên giấy tờ “danh chính ngôn thuận” chỉ hơn giáo viên mỗi khoản phụ cấp trách nhiệm, nhưng trên thực tế, rất ít hiệu trưởng nghèo, mà đa số các vị đều có một “lưng vốn” “kha khá”, nhiều vị trở thành “đại gia”, không thể, và không cần giải thích “xuất xứ”. Báo chí đã phản ánh một hiệu trưởng bị tố cáo đứng đầu đường dây “chạy trường” mà mỗi “suất” vào trường trị giá hàng nghìn USD.

Nhiệm vụ giáo viên thì rất cụ thể, chỉ cần chậm vài phút hay bỏ một tiết dạy không cần biết lí do là “có tội”, có giáo viên chỉ mới nghỉ dạy một buổi đã bị kỉ luật cảnh cáo, còn hiệu trưởng muốn đến trường lúc nào thì đến, muốn nghỉ mấy ngày thì nghỉ, ai kiểm tra, ai dám có ý kiến? Giáo viên chỉ nghỉ một giờ thì học sinh đã nhao nhác như chim vỡ tổ, nhưng cứ cho hiệu trưởng nghỉ hàng tuần, mọi việc vẫn cứ “tuần tự nhi tiến”, xuôi chèo mát mái cả. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm “chỉ đạo chung” và nhận thành tích cao nhất do tập thể phấn đấu đạt được, còn nếu có gì sai sót, tiêu cực thì đó là trách nhiệm cụ thể của cá nhân giáo viên, học sinh trong một “tình huống nào đó”. Người tâm huyết, trung thực coi hiệu trưởng là một công việc cực nhọc, gian lao thì với những kẻ cơ hội, biến chất, hiệu trưởng là một cái ghế êm ái, đem lại biết bao ưu đãi, lợi lộc “thơm tho”.

“Văn hoá từ chức” có lẽ còn là cái gì đó quá xa lạ với những hiệu trưởng như thế. Có vị sai phạm nghiêm trọng nhưng vẫn tìm mọi cách “bám ghế” để “vớt vát”, “chấm mút” “thêm tí nào hay tí đấy”. Tỉnh nọ tổ chức bỏ phiếu kín tín nhiệm một số hiệu trưởng thì có không ít vị nhận được số phiếu quá thấp, thậm chí có vị không được một phiếu nào (0 %)! “Nghề hiệu trưởng” - đối với những người này - là tìm cách làm vừa lòng cấp trên, tìm cách để củng cố quyền lực, giữ ghế, dĩ nhiên là phải nấp sau tấm bình phong “cống hiến vì sự nghiệp giáo dục”. “Bệnh thành tích” đa số bắt nguồn từ sự chỉ đạo của các hiệu trưởng. Có vị còn lập ra một “ban bệ” bao gồm những “cận thần” làm nhiệm vụ “tình báo, do thám” tình hình giáo viên rồi “báo cáo” lại ai đã nói những gì có nội dung “chống đối” hay “bất lợi”. Đây thực sự là những “con sâu” làm rầu “nồi canh giáo dục”, là những lực cản của sự phát triển giáo dục của đất nước.

Liều thuốc nào đây?

Đã đến lúc cần phải có một cái nhìn đầy đủ, nghiêm túc về đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục, đặc biệt là những người đứng đầu. Chúng tôi không dám phủ nhận những đóng góp to lớn, xuất sắc của đội ngũ cán bộ quản lí đối với sự nghiệp giáo dục, song cũng mạnh dạn nói rằng, hiện tượng “quan giáo dục” là có thật, và không hề cá biệt. Hiệu trưởng là “đầu tàu”, là “linh hồn” của nhà trường nên nếu như hiệu trưởng “có vấn đề” thì hậu quả sẽ rất lớn. Nhiều “căn bệnh” của nền giáo dục sẽ triệt tiêu một cách “đơn giản, gọn nhẹ” nếu như hiệu trưởng “có tâm-có tầm”: hiện tượng “lạm thu-loạn thu” trong các nhà trường là một ví dụ, nếu hiệu trưởng không cho thì ai dám thu? Hiệu trưởng nào nghiêm túc, gương mẫu, kiên quyết thì tiêu cực ở đó sẽ không có “đất” phát sinh và ngược lại - “cán bộ nào phong trào đó”.

Thực tế trên đây đòi hỏi các cơ quan chủ quản phải xây dựng một cơ chế chặt chẽ trong việc lựa chọn, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, cơ chế kiểm soát, thanh tra và xử lí kỉ luật nghiêm khắc, có hiệu lực đối với đội ngũ này. Đề nghị trao cho hiệu trưởng quyền quyết định thu nhập của giáo viên vừa nêu ra đã ngay lập tức có một ý kiến cần trao quyền đúng người, tránh hiện tượng hiệu trưởng trở thành một “ông vua” ban phát lợi lộc cho những kẻ “cánh hẩu” (Báo Giáo dục và Thời đại).

Các cơ quan chủ quản cần có một cơ chế tiếp nhận và xử lí kịp thời những thông tin phản hồi từ các cơ sở giáo dục, từ giáo viên, học sinh và phụ huynh, phát huy dân chủ trong các nhà trường. Nhiều khi trước những sai phạm của một hiệu trưởng, nếu cơ quản chủ quản có một thái độ rõ ràng và đúng đắn ngay từ đầu thì sự việc đã diễn biến theo chiều hướng tốt lên, và các nhà quản lí giáo dục cấp cơ sở không dám tự tung tự tác. Tăng lương và phụ cấp cho hiệu trưởng cũng là một biện pháp cần áp dụng, bởi vì sẽ là bất công khi trao cho họ quá nhiều nhiệm vụ và trách nhiệm nhưng chế độ đãi ngộ thì lại quá khiêm tốn. Nhiều giáo viên quan niệm: nếu lương hiệu trưởng tăng gấp đôi, gấp ba họ cũng không phản đối với điều kiện vị hiệu trưởng đó phải thực hiện đúng chức trách, công bằng, minh bạch.

Hiện nay, một số địa phương đã thực hiện hình thức tự ứng cử chức danh quản lí giáo dục, và bước đầu đã có những kết quả. Phương án bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng cũng cần được thực hiện thường xuyên, song cần kiểm phiếu trực tiếp và công bố ngay sau khi bỏ phiếu, tránh hiện tượng “giữ bí mật” như hiện nay. Theo chúng tôi, có thể bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kì và nếu có thể, mỗi năm lấy tín nhiệm một lần, có hình thức xử lí thích hợp đối với những trường hợp không được 50% phiếu. Có thể có những giải pháp cụ thể được bổ sung thêm, và đều thống nhất một quan điểm: không thể để cho một nhà giáo đứng đầu môi trường sư phạm lại trở thành một hiện tượng phản cảm trong mắt giáo viên, học sinh và nhân dân.

Trọng Nghĩa

LTS Dân trí - Nguyên tắc bổ nhiệm các chức danh, nhất là chức danh quản lý đứng đầu một đơn vị độc lập như hiệu trưởng, bao giờ cũng có chức trách nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, đi đôi với các quyền hạn được phép hành xử. Nhưng như thế cũng chưa đủ, mà còn cần có cơ chế kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý cấp trên cũng như của đông đảo quần chúng của đơn vị. Nơi nào không thực hiện đúng những nguyên tắc nói trên thì thường nảy sinh ra thói “gia trưởng” hay chuyên quyền độc đoán, làm nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực như bài phản ánh trên đây.

Điều quan trọng là cần có cơ chế bảo đảm cho việc phát huy đầy đủ dân chủ ở cơ sở, như không nên để hiệu trưởng đồng thời làm bí thư chi bộ; chủ tịch công đoàn hay trưởng ban thanh tra nhân dân phải được đề cử và bầu cử thật sự dân chủ (không phải do sự gợi ý của hiệu trưởng). Việc bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng cũng cần được tiến hành thường kỳ hằng năm hoặc hai năm một lần. Những quy định này cần được thực hiện nghiêm túc chứ không làm một cách chiếu lệ, hình thức. Chỉ có như vậy mới khắc phục được tệ quan liêu nảy sinh trong môi trường giáo dục, vốn là môi trường chuẩn mực trong việc phát huy dân chủ, khuyến khích mọi sự sáng tạo của cả thầy và trò.