Hiểm họa túi chất dẻo

Dùng các loại túi chất dẻo tiện lợi trong nhiều công việc, nhưng chúng luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây hại đối với môi trường cũng như sức khỏe con người, nhất là đựng thức ăn còn nóng từ 70 độ C trở lên, như: phở, bún, cháo, xôi, ngô…

Hầu như từ lâu rồi, phụ nữ không còn thói quen xách giỏ đi chợ, dù các nhà sản xuất cho ra đời nhiều kiểu túi xách trông xinh xắn, bắt mắt. Điều này, trước tiên phải kể đến sự tiện lợi của túi ni lông, hộp nhựa đựng thức ăn, thực phẩm...

 

Tuy đi chợ tay không, nhưng khi trở về ai cũng xách hàng chục chiếc túi lớn, nhỏ đựng hàng hóa; và chúng còn được thay thế cặp lồng, tô, đĩa để đựng thức ăn chín.

 

Túi ni lông, tiện thì tiện thật, nhưng chúng luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây hại đối với môi trường cũng như sức khỏe con người, nhất là đựng thức ăn còn nóng từ 700C trở lên, như: phở, bún, cháo, xôi, ngô…

 

Các phương tiện thông tin đại chúng đã nói nhiều về vấn đề này. Những loại vật dụng nêu trên, thường được làm từ nhựa PE hay nhựa PP, thành phần tuy không chứa độc tố, nhưng những chất phụ gia làm cho nhựa mềm, dẻo lại gây độc cho con người. Khi tiếp xúc với nhiệt độ từ 70 - 800C chúng có phản ứng, có thể tạo nên một chất cực độc là DOP (diotiin phatalat), ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục nam, nguy hiểm với các em nhỏ.

 

Tuy không rõ tác hại đến đâu, nhưng hầu hết mọi người đều có khái niệm sử dụng túi ni lông, hộp nhựa là nguy hiểm; song, họ chỉ ý thức sau khi tình cờ nghe được thông tin ở đâu đó; rồi chỉ một vài ngày sau lại dùng chúng như thói quen, có người nói liều - ai cũng dùng, chết thì chết hết. Mặt khác, các cơ quan chức năng, các nhà môi trường đã đặt tình trạng nguy hại của việc xả túi ni lông vào mức báo động. Tuy vậy, vẫn chưa có điều luật nào cấm việc sản xuất túi ni lông, hộp nhựa có liên quan đến các phản ứng độc hại khi sử dụng để đựng thức ăn. Ví dụ, kem plan (caramen) là món ăn chứa nhiều chất bổ dưỡng, được làm từ trứng gà, sữa, đường…; nhưng để nấu chín chúng, cần đun với nhiệt độ hơn 1000C trong những chiếc hộp nhựa nhỏ…

 

Với nhịp độ gia tăng dân số, cùng tốc độ phát triển công nghiệp trong quá trình đô thị hóa như hiện nay, ta không thể phủ nhận sự thông dụng của túi ni lông, hộp nhựa. Tiện lợi, giá thành rẻ đến mức không ai tính chính xác một chiếc túi ni lông mất bao nhiêu tiền! Mua một quả cà chua, mớ rau, con cá… bất cứ thứ gì dù chỉ mất vài ngàn đồng, người bán hàng không cần đắn đo một chiếc túi ni lông. Người bán quần áo, dày dép, tạp hóa… thì dùng loại cao cấp hơn, nhưng người mua cũng chẳng nghĩ đến chuyện sẽ dùng lại bao bì. Xong việc, tiện tay, vứt luôn vào sọt rác, đa số chúng chỉ được dùng một lần, có những chiếc còn mới nguyên. Kể ra, có lúc cũng cảm thấy tiếc, nhưng thời buổi bây giờ, nhặt túi ni lông để dùng lại quả là việc làm ngớ ngẩn. Ở đây, hầu như người ta chỉ tính đến vấn đề tiền bạc, vì vứt những chiếc túi ni lông còn sử dụng được hoàn toàn không ảnh hưởng đến kinh tế của họ.

 

Mỗi ngày tại Việt Nam có hàng triệu túi ni lông bị thải ra sau khi sử dụng. Nếu không có sự tác động ở nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500 đến 1.000 năm sau chúng mới phân hủy được. Ở nước ta, tại một số nơi đã bắt đầu có công nghệ xử lý rác ni lông, tuy nhiên, đại bộ phận chúng vẫn được chôn vùi với các loại rác khác. Các ngành chức năng đặt ra hàng trăm câu hỏi cho giải pháp này, có những công trình nghiên cứu rất tốn kém, nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu cho việc sử dụng đồ nhựa đựng thức ăn. Có giả thiết đặt ra, như: Đồ dùng được làm bằng nhựa Melamine, PEHD thì không có độc, nhưng giá thành rất cao, chưa thông dụng. Để tìm hướng đi cho vấn đề rác túi ni lông bằng cách, sản xuất loại túi ni lông tự phân hủy…

 

Song, các mặt hàng bằng nhựa như rổ rá, bát đĩa, bình nước, ly nước, cặp lồng, túi ni lông siêu mỏng… vẫn được sản xuất bằng nhựa PE hoặc nhựa PVC. Mỗi người, mỗi gia đình, hay tại từng cơ quan… chỉ cần có ý thức về cách sử dụng túi ni lông, hộp nhựa… sẽ thu được kết quả đáng kể. Nhà nước có thể dành một khoản kinh phí cho việc thu gom túi ni lông cũ qua các cơ sở thu mua phế liệu, với một mức giá đủ để các bà nội trợ thấy việc phân loại rác là không uổng công. Công ty vệ sinh môi trường nên đặt thêm thùng rác…v.v.

 

Tất cả những giả thiết nêu trên đều trong khả năng của mọi người, việc làm vừa có lợi tiền bạc, vừa giảm thiểu tốc độ gây ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng; nên dành nhiều hơn nữa cho việc tuyên truyền, cảnh báo về tác hại các độc tố từ túi ni lông, kêu gọi ý thức con người.

 

Hương Lan

(Báo Thừa Thiên - Huế)

 

LTS Dân trí - Sử dụng các loại túi chất dẻo (thường quen gọi là túi ni-lông) để đựng thực phẩm chín, nhất là thực phẩm nóng, có thể gây độc cho cơ thể. Hơn nữa, việc sử dụng quá tràn lan các loại túi chất dẻo mà không được thu gom để tái chế thì sẽ ảnh hưởng lâu dài tới môi trưởng.

 

Điều này hầu như mọi người đều biết, cả những người lãnh đạo lẫn dân thường, nhưng thiếu sự tổ chức để mọi người cùng thực hiện những biện pháp khả thi trong việc phân loại rác và thu gom những rác thải có thể tái chế, trước hết là các loại túi chất dẻo.

 

Lại sắp đến Ngày Môi trường quốc tế 5/6, nên hành động thiết thực cho mục tiêu bảo vệ môi trường bằng cuộc vận động thu gom thường xuyên các loại túi chất dẻo để tái chế dùng lại, không nên vứt bừa bãi hoặc chôn xuống đất gây tác rất xấu cho môi trường về lâu dài.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm