Bài 2:

Hệ luỵ việc giám đốc doanh nghiệp bị khởi tố uỷ quyền cho chồng định đoạt tài sản

(Dân trí) - Trong khi Cơ quan CSĐT đang điều tra về hành vi lừa đảo bà Trần Thị Thúy Ngọc (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng) thì ngày 12/7/2010, bà Ngọc - với tư cách là người đại diện theo pháp luật của Công ty đã lập giấy ủy quyền cho chồng định đoạt, chuyển nhượng tài sản cho cháu ruột.

Như Dân trí đã đưa tin, liên quan đến việc thi hành án đối với nhà đất tại địa chỉ 381-383 đường Lạc Long Quân (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy), năm 2010, trong khi Cơ quan CSĐT đang điều tra về hành vi lừa đảo bà Trần Thị Thúy Ngọc (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng) thì ngày 12/7/2010, bà Ngọc - với tư cách là người đại diện theo pháp luật của Công ty đã lập giấy ủy quyền để ủy quyền cho người khác thay mình đại diện cho Công ty. Cụ thể, theo Giấy ủy quyền này, bà Ngọc ủy quyền cho chính chồng mình là ông Nguyễn Văn Cường thay mặt mình đại diện theo Công ty TNHH thương mại Minh Hằng làm việc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các bên có liên quan trong việc thi hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2009/QĐST-DS ngày 05/3/2009 của TAND quận Cầu Giấy giữa ông Đặng Văn Thanh và Công ty Minh Hằng. Sau đó, với tư cách là người đại diện theo ủy quyền, ông Cường đã thỏa thuận với ông Thanh (là cháu ruột ông Cường) và chuyển tài sản này cho ông Thanh để thực hiện Quyết định công nhận sự thỏa thuận trên.


Lệnh kê biên tài sản liên quan đến vụ án lừa đảo của Công an TP Hà Nội.

Lệnh kê biên tài sản liên quan đến vụ án lừa đảo của Công an TP Hà Nội.

Vậy việc ủy quyền của bà Ngọc với tư cách là người đại diện theo pháp luật của Công ty Minh Hằng để ông Cường làm việc với các cá nhân, tổ chức và cơ quan Nhà nước liên quan tới việc thi hành án tài sản duy nhất của công ty và việc ông Cường chủ động thương lượng với ông Thanh để bán nhà đất tại số 381 - 383 Lạc Long Quân có đúng theo quy định của pháp luật hay không?

Về vấn đề này, Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng việc uỷ quyền cũng như những hành vi tiếp theo như đã nêu trên đã vi phạm các quy định của pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền - lợi ích của gia đình bà Chín là người đã bỏ tiền ra mua nhà - đất của công ty Minh Hằng, cụ thể:

Thứ nhất, về việc ủy quyền của bà Ngọc cho ông Cường:

Xét tại thời điểm có văn bản ủy quyền của bà Ngọc cho chồng là ông Cường, bà Ngọc vẫn đang là Giám đốc của Công ty TNHH TM Minh Hằng.

Tại Điều 55, 56 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định về quyền và nghĩa vụ của Giám đốc trong đó có quyền và nghĩa vụ sau:

+ Tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng thành viên;

+ Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty;

+ Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

+ Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên;

+ Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

+ Các quyền và nhiệm vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.

+ Thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và chủ sở hữu công ty;

+ Trung thành với lợi ích của công ty và chủ sở hữu công ty; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty; không được lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

Bên cạnh đó, tại Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định Hội đồng thành viên của Công ty TNHH hai thành viên trở lên có các quyền và nhiệm vụ bao gồm:

+ Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hàng năm của công ty;

+ Quyết định phương thức đầu tư và dự án đầu tư có giá trị trên 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;

+ Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ; thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;

+ Thông qua báo cáo tài chính hàng năm, phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc phương án xử lý lỗ của công ty;

+ Quyết định giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty.

Như vậy, theo quy định của Luật doanh nghiệp thì không phải giám đốc là người quyết định tất cả các vấn đề có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp mà phải dựa trên quy định tại Điều lệ của công ty và quyết định của Hội đồng thành viên của công ty đặc biệt là vấn đề liên quan đến định đoạt tài sản của doanh nghiệp. Do đó, việc bà Ngọc ủy quyền cho ông Cường mà không có sự nhất trí của Hội đồng thành viên và không căn cứ trên điều lệ của Công ty là trái với quy định pháp luật.


Tuy nhiên, quyết định huỷ bỏ lệnh kê biên tài sản sau đó khiến những người liên quan phản ứng quyết liệt.

Tuy nhiên, quyết định huỷ bỏ lệnh kê biên tài sản sau đó khiến những người liên quan phản ứng quyết liệt.

Bên cạnh đó, theo thông tin và hồ sơ từ phía gia đình bà Chín thì khi bà Ngọc bị khởi tố và bị bắt vì hành vi lừa đảo, Cơ quan CSĐT đã tịch thu con dấu của Công ty Minh Hằng nhưng bà Ngọc lại vẫn có con dấu để đóng dấu vào Hợp đồng ủy quyền. Vậy con dấu này ở đâu ra và đây có phải con dấu hợp pháp của Công ty? Đây là vấn đề cần được làm rõ mới có thể khẳng định giá trị pháp lý của văn bản ủy quyền này.

Thứ hai, về việc ông Cường xác nhận tài sản đã kê biên và thỏa thuận bán tài sản này:

Sau khi nhận ủy quyền và có Quyết định của Cơ quan CSĐT CA TP Hà Nội hủy bỏ lệnh kê biên đối với tài sản là nhà đất nêu trên, ông Cường thay mặt quyết định việc giao nhận tài sản đã kê biên cho ông Thanh để trừ vào số tiền thi hành án. Việc ông Cường thỏa thuận với ông Thanh để ông Thanh mua tài sản của Công ty là trái với quy định của pháp luật bởi vì:

Một là, tại thời điểm quyết định thỏa thuận với ông Thanh về việc giao nhận tài sản thì nhà đất tại đường Lạc Long Quân là tài sản duy nhất của Công ty Minh Hằng do đó việc quyết định giao tài sản trên cho ông Thanh sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hàng năm của công ty đồng thời việc giao nhận tài sản này với bên được thi hành án có nguy cơ làm công ty phải giải thể hoặc phá sản. Vì vậy, theo quy định của pháp luật thì việc quyết định này phải thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên chứ không thể chỉ là Giám đốc hoặc người được ủy quyền quyết định toàn bộ.

Hai là, xét về mối quan hệ giữa ông Cường và ông Thanh thì: ông Thanh là con của bà Thành, bà Thành lại là chị gái của ông Cường. Điều này cũng có nghĩa là giữa ông Thanh và ông Cường có mối quan hệ họ hàng thân thích (quan hệ cậu - cháu), bản thân ông Cường lại không phải là thành viên của Công ty Minh Hằng. Vì vậy, việc ông Cường quyết định thỏa thuận và giao nhận tài sản kê biên với ông Thành không thể xem là trường hợp thực hiện quyền và nhiệm vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và chủ sở hữu công ty. Mối quan hệ họ hàng ruột thịt cộng thêm với việc ông Cường không phải là thành viên công ty sẽ có ảnh hưởng tới quyết định của ông Cường trong việc đảm bảo tối đa lợi ích hợp pháp của công ty.


Quyết định thi hành án theo yêu cầu của Cục thi hành án TP Hà Nội.

Quyết định thi hành án theo yêu cầu của Cục thi hành án TP Hà Nội.

Ba là, tại thời điểm ủy quyền (ngày 12/7/2010), bà Ngọc đã bị Cơ quan CSĐT khởi tố bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số 05 ngày 06/1/2009) đồng thời đang bị áp dụng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú ngày 16/3/2009 (trước đó bị bắt tạm giam ngày 9/6/2008).

Tại Điều 20 Nghị định 102/2010/NĐ-CP quy định:

Điều 20. Hướng dẫn bổ sung về một số quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn

2. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giữ, tạm giam, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm các tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và các tội khác theo quy định của pháp luật, thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.”.

Như vậy, mặc dù điều luật này không hạn chế quyền quản lý doanh nghiệp của người đại diện theo pháp luật của người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, việc bà Ngọc đã bị khởi tố, bị tạm giam và áp dụng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú cũng có ảnh hưởng nhất định tới việc quản lý doanh nghiệp của bà Ngọc. Vì vậy, việc bà Ngọc ủy quyền cho chồng là người đại diện cho doanh nghiệp trong việc làm việc với cơ quan thi hành án liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp cũng là vấn đề cần phải được Hội đồng thành viên công ty xem xét và quyết định kỹ lưỡng vì lợi ích của công ty.

Trong vụ việc này có thể thấy rằng, ngay sau khi được Cơ quan CSĐT CA TP Hà Nội “giải phóng” tài sản bằng Quyết định hủy bỏ Lệnh kê biên, ông Cường với tư cách là người đại diện theo ủy quyền cho Công ty Minh Hằng đã đứng ra thỏa thuận với người được thi hành án, đồng thời cũng là người có mối quan hệ ruột thịt trong gia đình để chuyển quyền sở hữu tài sản là nhà đất tại 381-383 Lạc Long Quân trong khi theo điều tra xác minh của các cơ quan thì đây là tài sản duy nhất của Công ty Minh Hằng. Việc ông Cường tự ý thỏa thuận mà không thông qua Hội đồng thành viên không chỉ trái với quy định pháp luật mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của bà Chín.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về sự việc này.

Anh Thế