Hãy xét năng lực chứ đừng dựa vào bằng cấp

Đầu tiên ông chỉ là một công nhân sửa chữa, không biết gì về quản lý cũng như một chuyên ngành rất khó, đòi hỏi phải có sự chuẩn xác và khoa học như ngành Địa chất, vậy mà ông đã từng bước học hỏi và giờ đã trở thành Đoàn trưởng.

 

Bạn đọc: Nguyễn Thị Hồng Quế

 

Đúng vậy, trên thực tế theo như tôi biết ở cơ quan nào cũng xảy ra tình trạng như vậy và nó sẽ còn tồn tại và tiếp tục diễn ra như thế. Nhưng có một vị lãnh đạo mà tôi thật sự khâm phục bởi sự nỗ lực không ngừng của ông đó là Đoàn trưởng của cơ quan tôi nơi tôi đang công tác.

 

Đầu tiên ông chỉ là một công nhân sửa chữa, không biết gì về quản lý cũng như một chuyên ngành rất khó, đòi hỏi phải có sự chuẩn xác và khoa học như ngành Địa chất, vậy mà ông đã từng bước học hỏi và giờ đã đưa Đoàn chúng tôi trở thành một Đoàn Địa chất có uy tín về phong cách làm việc cũng như về trình độ chuyên môn. Tôi thấy Thu Thuỷ nói đúng. Phải có một chính sách hợp lý cho những người thật sự có năng lực làm việc mà không chỉ dựa vào bằng cấp.

 

Bạn đọc: Hoàng Minh

 

Tôi đồng ý với bài viết này, thực tế hiện nay các công ty nhà nước đang trả lương theo bằng cấp chứ không trả lương theo năng lực.

 

Ngay tại đơn vị của tôi, một người có bằng trung cấp xây dựng đang làm cái công việc giống y chang cái người có bằng kỹ sư xây dựng. Nếu nhìn nhận thực tế cái người có bằng trung cấp ấy còn giỏi hơn cả người kỹ sư đó về mọi mặt (điều này cả lãnh đạo cũng phải thừa nhận nhưng thường không nói ra).

 

Hằng tháng người trung cấp lĩnh lương ít hơn người kỹ sư khoảng 900.000/ tháng! Vậy thì người trung cấp ấy phải lo mà học để lấy cho được cái bằng ĐH bằng mọi giá, anh ta làm như vậy có gì sai không quý vị? Có nghịch lý không quý vị?

 

Nếu có vị lãnh đạo, giám đốc nào giải thích được điều này thì lúc đó bằng cấp nó mới trở về đúng bản chất thực sự của nó. Tôi rất tâm đắc với câu nói “phẩm hạnh chứ không phải bằng cấp làm nên giá trị của con người”

 

Bạn đọc: Thảo Lê

 

“Vấn nạn” bằng cấp không những làm giảm chất lượng công chức, viên chức, cán bộ, nhân viên... mà còn tạo ra một lối sống tiêu cực, làm gương xấu cho thế hệ trẻ. Khổ nỗi, những người có nhiều bằng cấp “giấy”, lại không có tự trọng để có thể sống bằng “đầu gối” thì lại rất năng động trong việc chạy chức chạy quyền. Khi có chức có quyền, những người không có tâm với công việc này đương nhiên không thể trở thành những người quản lý tốt để phát triển đường hướng của một công ty, một ngành nghề, hoặc mặt nào đó của xã hội. Thế họ làm gì trong lúc đang tại chức đó? Đương nhiên họ lại tiếp tục đi bằng “đầu gối” để lên cao hơn và mặt khác họ phải ra sức bắt nạt dân, cấp dưới để thu hồi “vốn”, rồi để có thể thêm “vốn”.