Hậu quả của thói bênh con!
Chuyện kể dưới đây không phải là hiếm gặp trong xã hội ta. Thói bênh con chằm chặp của không ít bậc phụ huynh nhiều khi đã để lại những hậu quả thật đáng tiếc.
Mong rằng các bậc cha mẹ sớm nhận ra những tật xấu mà trẻ dễ mắc phải, để răn dạy kịp thời, tránh những nuối tiếc quá muộn màng.
Ông bà Sơn hiếm muộn mãi mới sinh được Báu. Cho nên, ông bà cưng chiều Báu lắm, nhất là bà Sơn. Nhà cũng có điều kiện kinh tế khá. Ông Sơn là cán bộ nhà nước về nghỉ hưu, còn bà Sơn vốn là nhân viên của công ty quốc doanh, nay nghỉ ở nhà lại mở thêm cửa hàng bánh kẹo.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Nhưng cũng chính vì được bố mẹ cưng chiều, Báu đã trở nên lêu lổng, ham chơi hơn ham học... Rồi đến một hôm, có người hàng xóm tốt bụng đã mách cho bà Sơn khi thấy Báu tụ tập với đám thanh niên lêu lổng, nghiện hút. Đáng buồn thay, khi nghe những lời góp ý đó, bà Sơn không những không tin mà còn quay ra mắng mỏ bà hàng xóm tốt bụng kia là đồ ghen ăn tức ở, độc mồm độc miệng, đặt điều cho thằng Báu con bà. Bà bảo, bà phải hiểu con bà tốt xấu thế nào chứ. Nó không bao giờ dính vào cái chuyện xấu xa tệ nạn đó. Và ngay cả ông Sơn khi nghe được lời bàn ra nói vào chuyện thằng Báu lêu lổng về nói lại với bà thì cũng bị gạt phắt đi. Cho đến một buổi chiều, khi anh công an khu vực đến nhà mời ông bà lên làm thủ tục bảo lãnh cho thằng Báu về tội lấy cắp chiếc cốp xe máy bị bắt quả tang. Mới đầu bà Sơn còn chưa tin mà còn hỏi đi hỏi lại có sự nhầm lẫn gì không.
Bảo lãnh con về rồi, nhưng bà Sơn vẫn giữ khư khư cái thói bênh con chằm chặp của mình. Để rồi Báu ngày càng lún sâu vào con đường tệ nạn và phải bỏ học ở lớp 11. Bà Sơn vẫn chưa tỉnh ngộ, do sợ Báu bị bắt đi trại cải tạo nên bà vẫn giấu chồng cho Báu tiền để con lén lút đi tiêm chích. Vào khoảng hai năm sau, trong một đêm chuyển gió mùa, thức khuya lo lắng chờ con về mở cửa, bà Sơn đã bị cảm đột ngột và qua đời. Giờ đây nhà chỉ còn hai bố con. Ông Sơn đúng là bất lực không thể bảo được đứa con lười biếng làm ăn mà chỉ quen ăn chơi đàn đúm
Một lần do cần tiền đi hút chích, Báu đã lớn tiếng doạ nạt ông Sơn rồi vét sạch những đồng tiền còn lại và bỏ đi thâu đêm. Ở nhà, nghĩ tủi thân và xấu hổ với hàng xóm, ông đã tự vẫn ngay đêm đó. Mặc dù được hàng xóm phát hiện kịp thời, nhưng do tuổi cao, sức khỏe suy sụp nên ông đã không qua khỏi. Sáng hôm sau Báu mới về thì đã quá muộn.
Nghe đâu, giờ đây Báu đang ở trong một trại cai nghiện... Cũng mong anh ta sớm hối cải mà làm lại cuộc đời.
LTS Dân trí - Câu chuyện kể trên đây là cảnh ngộ của không ít gia đình trong xã hội ta ngày nay.
Làm cha mẹ ai chẳng xót xa trước sự bất lực của chính mình khi nhìn thấy đứa con đứt ruột đẻ ra đang dần lún sâu vào những tệ nạn xã hội mà hầu như không thể cứu vãn vì đã quá muộn.
Người xưa đã dạy: “uốn tre từ lúc còn non”, “dạy con từ thuở còn thơ”.
Hết lòng yêu thương con và muốn cho con nên người, thì hãy chăm lo giáo dục con từ tuổi còn thơ. Không bao giờ nên nuông chiều con một cách vô lối hay con xin gì cũng cho, con đòi gì cũng được. Càng không nên “bênh con chằm chặp” trước những lời khuyên răn của người khác, chẳng khác nào cổ vũ cho những thói hư tật xấu của con mình.