Vụ cháy tại Nam Trung Yên:
Hàng trăm doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản, hàng nghìn lao động mất việc làm
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không có một cá nhân hay doanh nghiệp nào muốn gặp những chuyện rủi ro xảy ra, nhất là việc cháy nổ là điều không hề ai muốn, là việc bất khả kháng.
Vụ cháy vào tối ngày 18/10 tại khu Nam Trung Yên, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy có diện tích khoảng gần 1.000m2. Vụ cháy không có thiệt hại về người. Theo báo cáo sơ bộ của Công an phường Yên Hòa bước đầu ước thiệt hại khoảng dưới 5 tỷ đồng.
Địa điểm xảy ra cháy thuộc một đơn vị của TP Hà Nội quản lý để lập dự án bố trí xây dựng trụ sở của các Tổng công ty.
Đến nay, sau gần 10 ngày xảy ra vụ cháy, công việc thu dọn hiện trường, khắc phục hậu quả vụ cháy đang được các cơ sở kinh doanh tiến hành khẩn trương, rất trách nhiệm; đang rà soát và củng cố công tác phòng chống cháy nổ để không để xảy ra sự việc đáng tiếc như trên.
Điều hiện nay hàng trăm doanh nghiệp đang hợp tác kinh doanh ở đây đau đầu và bức xúc là việc Điện lực Cầu Giấy đã cắt điện toàn bộ khu vực này khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như khắc phục sự cố cháy nổ bị trì trệ, hàng ngàn lao động bỗng dưng mất việc làm, tạo dư luận bất bình.
Tại các khu vực lân cận nơi xảy ra vụ cháy không quản lý và giao đất hợp tác kinh doanh là nơi tập trung các tệ nạn xã hội.
Được biết, trước đây UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 3719/UBND-KT ngày 24/03/2013 chấp thuận chủ trương cho các đơn vị được tạm sử dụng mặt đất khu đất trên để khai thác tạo nguồn thu bù đắp chi phí đầu tư xây dựng hàng rào bảo vệ và chi phí duy trì bảo vệ ô đất, chống lấn chiếm, tạo công ăn việc làm cho người lao động... Cụ thể, cho phép xây dựng các công trình tạm (nhà khung thép, mái tôn, kết cấu đơn giản...). Khi Thành phố có quyết định thu hồi đất giao cho các đơn vị liên quan trong thời hạn 30 ngày, các đơn vị có trách nhiệm bàn giao, hoàn trả mặt bằng nguyên trạng cho đơn vị được giao đất.
Trước chủ trương đúng đắn và hợp lòng dân của lãnh đạo Thành phố, nhiều doanh nghiệp đã dám nghĩ, dám làm, chấp nhận rủi ro về thời gian hợp tác đã hợp tác làm nhà xưởng, showroom ô tô, làm sân bóng... Số vốn kinh doanh họ đổ vào đây lên đến hàng chục tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ngân hàng. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, đây là cơ hội để tạo công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp, đồng thời góp phần đóng góp ngân sách cho nhà nước, tạo sự ổn định cho xã hội.
Nay, chỉ sau vụ cháy trên, Điện lực Cầu Giấy bỗng cắt điện toàn bộ khu vực này, và chính quyền địa phương có chủ trương xóa xổ tất cả các cơ sở kinh doanh đã và đang đẩy hàng trăm doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, hàng ngàn lao động thất nghiệp, không có công ăn việc làm một cách tức tưởi; tạo một dư luận bức xúc, gây hoang mang nghiêm trọng cho các lao động đang làm việc ở đây, cũng như đẩy các hộ kinh doanh vừa xảy ra vụ cháy vào bước đường cùng của cuộc sống.
Bãi đổ trộm phế thải chất cao như núi, cùng với đó là việc xây dựng và lấn chiếm đất trái phép.
Các doanh nghiệp trên đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy, Điện lực Cầu Giấy cấp điện trở lại, tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại bình thường theo đúng quy định của pháp luật; tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại đây, để các cơ sở kinh doanh tiếp tục tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tránh tình trạng buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai, đổ trộm phế thải, và tạo thành các ổ tệ nạn trên đất hoang gây bức xúc cho dư luận; đất đai bị bỏ hoang gây lãng phí tiền phí thuê đất của nhà nước.
Hi vọng, UBND TP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng cần có phương án thực tế và trách nhiệm, hợp lòng dân để giải quyết vụ việc thấu tình đạt lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp đã bỏ hàng chục tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất kinh doanh, hoạt động trên các khu đất bỏ hoang trên.
Theo Đinh Minh Nguyệt
Báo Xây dựng