Hàng Tết trong lòng những người Việt xa quê hương
(Dân trí) - Cận Tết, nhiều bạn bè, người quen ở nước ngoài không ngớt “meo” đi, “meo” lại bàn tán về những chuyến hàng vượt trùng dương "xuất khẩu Tết Việt". Với những người con xa xứ, các món chủ lực trên mâm cỗ Tết càng đặc biệt mang nặng nghĩa tình đất nước quê hương.
Chị tôi kể bán hàng ở chợ quanh năm chỉ mùng một Tết Tây mới nghỉ duy nhất một ngày trong năm. Nhưng sau Tết Tây hàng họ chưa chạy lắm, càng có thời gian lượn mấy khu ốp chợ sắm sanh nguyên vật liệu chuẩn bị gói bánh chưng, muối dưa hành, chọn măng khô ngon, đỗ đẹp chuẩn bị ngâm đợt giá mới ăn Tết cổ truyền.
Vốn khéo tay, chị tôi thường được nhiều nhà nhờ gói bánh chưng hộ. Chị gói vừa chắc lại vừa tiết kiệm được tối đa loại nguyên liệu quý nhất là lá dong. Trung bình mỗi tàu lá dong phải vun vén sao cho đủ tạo vỏ bọc ngoài được cho ít nhất là hai chiếc bánh mà vẫn giữ được màu xanh óng đặc trưng của chiếc bánh tượng trưng cho mảnh đất quê nhà.
Quan trọng thứ nhì là đặt mua trước được một chú gà trống thật oách, mào đỏ tươi, thịt gà phải dai, luộc lên màu da cứ phải vàng ươm thì mới nhiều lộc. Anh rể thì được giao phụ trách nồi măng và chõ xôi. Nếp cái hoa vàng, măng lưỡi lợn đều rất sẵn ở các quầy hàng khô ngoài chợ Việt. Hơn nhau là ở tay nghề, sao cho xôi dẻo, măng ngọt, khách ăn đến đâu phải tắc lưỡi xuýt xoa đến đó. Nhất là khách Tây ăn xong phải... nghiện luôn, Tết sau không hẹn cũng đến.
Về gia vị gia giảm món ăn, chị bảo phải dè xẻn từng cọng hành, lá mùi vì đúng là “thịt đầy giành không hành không ngon”. Các rau gia vị và rau muống giờ ở Châu Âu người Việt mình trồng được cũng nhiều, trong nước chuyển sang cũng chẳng thiếu, nhưng thường thì giá khá “chát” với cánh chạy chợ thường thường bậc trung. Hương vị thơm ngon sang đến xứ băng tuyết cũng giảm đi thấy rõ.
Vợ chồng em tôi ở Đức kể: vẫn như mọi năm, sắm Tết thế nào cũng phải đảo vài vòng qua các khu chợ Việt, nhất là chợ Đồng Xuân ở Berlin. Ở đây các món chủ lực Tết như dưa hành, kiệu, cà muối, bánh chưng, mứt tết...ê hề. Cô em tôi vốn thích ăn ngọt mà chẳng bao giờ phải sợ béo, nên quầy được mẹ con cô nghía nhiều nhất là bánh mứt. Tết cũng gồng thêm vài cái bánh nướng, bánh dẻo Trung thu về đãi mấy vị rể Tây chồng các cô bạn cho xôm tụ.
Vợ chồng cô vốn trước đây mở tiệm ăn nên rất có tay nghề nấu nướng. Tết thế nào cũng trổ tài vài món tủ như phở gà, bún thang, nem cuốn, cá bỏ lò, chân giò hầm kiểu Đức… Hơi buồn một chút là cậu quý tử sinh ở Đức năm nay đã 11 tuổi mà do bố mẹ quá mải làm ăn không chú ý dạy con từ nhỏ, nên con không biết nói tiếng Việt (chỉ nghe hiểu bập bõm), không thích ăn cơm ta, quanh đi quẩn lại hết hamburger lại snack hoặc xúc xích, mì Spaghetti.
Còn anh bạn học cùng thời phổ thông giờ đã định cư tại Ostrava, CH Czech thì vẫn chưa hết than thở về những nỗi mệt nhọc sau kỳ bán hàng Noel và tết Tây. Năm nào cũng kêu làm ăn kém, nhưng thành phố ít người Việt, hàng họ xem ra cũng chạy nên vợ chồng con cái anh Tết ta nào chả tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ thoải mái.
Anh viết mail về kể: Mọi hương vị Tết quê nhà đều có sẵn ngoài chợ, chỉ việc vác “tiên huyền” ra rước về, nhiều nhất là bánh chưng và các loại giò. Có bốn gia đình Việt ở cùng một khu chung cư, thường họ phân công nhau mỗi nhà phụ trách nấu một món chính. Giao thừa đem góp lại liên hoan chung. Đây cũng là dịp cánh đàn ông “cửu vạn” cho vợ được dịp xả hơi, trà đàm đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Cánh các bà thì tíu tít khoe chồng đảm, con ngoan và cuối cùng là tổng kết xem niên vụ vừa qua nhà ai gặt hái được, nhà ai thất thu…
Cô cháu đang ở Hàn Quốc “meo” về than thở lạnh thấu xương, ăn nhiều kim chi quá mặt mũi thành đồi núi cả. Tết bên này chả thiếu gì bánh chưng, giò chả. Nhưng cũng toàn món nóng cả, ăn vào thì mỹ phẩm Hàn xịn đến đâu cũng khó che dấu được những khiếm khuyết của nhan sắc Việt mong manh trước gió lạnh.
Riêng tôi cứ nhớ mãi hình ảnh một bà má miền Nam tình cờ gặp bên ngoài cổng khu chợ châu Á ở quận 13, Paris. Hôm đó tôi đang đứng chờ xe người bạn tới đón, bỗng thấy một phụ nữ Việt búi tó, mặc áo cánh, quần đen bên trong áo măng tô, tất tả đi tới. Bà đon đả hỏi thăm, biết tôi từ Hà Nội mới sang, thế là xuýt xoa than thở bằng giọng xuề xòa, thân thiết như với con cháu trong nhà:
Chia tay, bà cứ ôm riết lấy tôi kêu “Nhớ con gái Bắc kỳ quá trời!”, rồi chảy nước mắt quay đi sau khi dúi vào tay tôi khúc giò nạc cùng xị nước mắm nhĩ nhỏ xíu (quý lắm!) vừa mua trong quầy. Mãi mà tôi vẫn không thể quên dáng hình bà má phương xa xiêu xiêu trong gió rét, tay xách cặp bánh chưng đi lầm lũi, đơn côi...
Kiều Anh