Hàng nghìn hecta rừng tại Gia Lai "tan biến" do đâu?
(Dân trí) - Thanh tra tỉnh đã “điểm tên” các chủ rừng để mất hàng nghìn hecta rừng. Trước đó, báo chí đã phanh phui vụ mà chính cán bộ bảo vệ rừng “tiếp tay”, “bảo kê” cho lâm tặc.
“Máu rừng” liên tục chảy… ai chịu trách nhiệm?
Trước đó, báo Dân trí đã có loạt bài điều tra “Tiếng thét đau đớn của rừng xanh Tây Nguyên”. Loạt phóng sự đã vạch trần hành vi “tiếp tay” và nhận tiền lâm tặc của các nhân viên bảo vệ rừng Nam Sông Ba. Nếu hành vi này không được báo phát hiện, sẽ còn rất nhiều khối gỗ bị chui lọt qua trạm…
Theo đó, qua nhiều tháng “mật phục”, nhóm PV báo Dân trí âm thầm ghi lại những thước phim hơn chục người đang “ngang nhiên” phá tan hoang cánh rừng cách trạm QLBVR Dreh (BQL Nam Sông Ba) khoảng 7km thuộc địa phận xã Ia Rmok (huyện Krông Pa, Gia Lai).
Sau khi khai thác, số gỗ được xẻ hộp ngay tại rừng và dùng xe máy độ chế chở ra tập kết gần Trạm QLBVR Dreh. Lúc này, một đối tượng tiến hành đếm đầu xe máy đang chở gỗ rồi cầm tiền đưa trực tiếp vào cho một nhân viên đang trực ở trạm này. Khoảng 10 phút sau khi làm luật xong, từng đoàn lâm tặc đã ngang nhiên nối đuôi nhau vận chuyển gỗ chạy qua trạm hướng về buôn Ơ kia (xã Ia Rmok, Krông Pa) để tiêu thụ mà không vấp phải sự ngăn cản nào.
Việc “làm luật” giữa các đối tượng lâm tặc và nhân viên quản lý, bảo vệ rừng thuộc BQL Nam Sông Ba diễn ra một cách ngang nhiên và đều đặn từ 15h – 17h chiều hàng ngày. Sau nhiều tuần “mật phục” trước trạm, nhóm điều tra báo Dân trí đã có đầy đủ bằng chứng cho việc “tiếp tay” của nhân viên trong trạm khi làm ngơ để cho lâm tặc chở gỗ qua.
Mới đây, báo Dân trí tiếp tục phản ánh thông tin "Cận cảnh cánh rừng ngay gần uỷ ban xã bị “xẻ thịt”, gỗ hộp nằm ngổn ngang” tại xã Sơ Ró (huyện Kông Chro, Gia Lai). Ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ thông tin. Đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm khai thác lâm sản trái phép. Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro cũng đã phối hợp với cơ quan ban ngành để kiểm tra, phát hiện tại lô 4, khoảnh 6, tiểu khu 805, xã Sró có 12 cây gỗ dổi bị cắt hạ (tổng khối lượng hơn 15m3).
Nhận định báo cáo này không chính xác, phóng viên Dân trí đã tiếp tục vào hiện trường ghi nhận lần 2. Kết quả cho thấy, cách vị trí 12 cây dổi bị đốn hạ khoảng 1km thêm một điểm rừng bị khai thác với nhiều thân gỗ khổng lồ (cắt hạ, xẻ thành các bộ sập đắt tiền). Ngay khi tiếp nhập thông tin này, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục ra văn bản chỉ đạo, xử lý. Theo báo cáo của UBND huyện Kông Chro, đoàn kiểm tra liên ngành đã đến khám nghiệm hiện trường vụ khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 805. Kết quả đã phát hiện thêm 20 cây gỗ bị khai thác trái phép. Tổng số 2 lần kiểm tra là 32 cây gỗ bị khai thác trái phép.
Ngay sau khi có kết quả kiểm tra, Hạt kiểm lâm huyện Kông Chro đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” tại lô 4 (khoảnh 6); lô 7 (khoảnh 7); lô 3 (khoảnh 8) và lô 9 (khoảnh 5), tiêu khu 805 thuộc xã Sró (huyện Kông Chro, Gia Lai) với khối lượng 41,2m3 và 5,8 Ster củi (Chủng loại: Dổi, Chò chỉ, Kháo (thuộc loại gỗ thông thường).
“Rừng mất” do đâu?
Vừa qua, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã có báo cáo về công việc tổng hợp kết quả Thanh tra công tác quản lý và bảo vệ rừng, sử dụng nguồn dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, từ năm 2016 đến tháng 11/2019, Thanh tra tỉnh đã tiến hành thanh tra và kết luận tại 17 đơn vị, trong đó có 3 công ty lâm nghiệp, 1 khu bảo tồn thiên nhiên và 13 Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích đất UBND tỉnh Gia Lai giao cho 17 đơn vị quản lý, bảo vệ hơn 193 nghìn ha đất lâm nghiệp (đất rừng đặc dụng hơn 15 nghìn ha, đất rừng phòng hộ hơn 73 nghìn ha, rừng sản xuất hơn 97 nghìn ha, hơn 7,4 nghìn ha đất lâm nghiệp).
Qua đó, phát hiện diện tích đất lâm nghiệp bị mất và lấn chiếm là hơn 9,4 nghìn ha (diện tích đất có rừng hơn 5,5 nghìn ha, diện tích đất không có rừng hơn 3,9 nghìn ha) với tổng số tiền sai phạm phát hiện hơn 26,7 tỷ đồng. Thanh tra tỉnh đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra – công an tỉnh Gia Lai 8 vụ (8 BQLRPH). Về xử lý hành chính đã kiểm điểm rút kinh nghiệm 3 tập thể, 51 cá nhân, 12 cá nhân khiển trách và 9 cảnh cáo.
Trao đổi với báo chí về nguyên nhân dẫn đến tình trạng tên, ông Vũ Ngọc An (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai) cho biết: “Theo đó, diện tích rừng được giao cho các BQL RPH, các công ty lâm nghiệp rộng, trải dài trên nhiều huyện. Trong khi đó, quyền hạn thực thi công vụ, xử lý vi phạm của các chủ rừng còn rất hạn chế. Thu nhập bình quân của nhân viên bảo vệ rừng thấp so với mặt bằng bình quân của xã hội. Các đơn vị chủ rừng chưa có thay đổi cơ bản về cơ chế quản lý, nội dung và phương thức hoạt động. Không cập nhật, báo cáo đầy đủ diễn biến rừng trong nhiều năm…”
Theo ông An, sắp tới cơ quan sẽ tham mưu đề xuất UBND tỉnh sắp xếp củng cố lại toàn bộ hệ thống chủ rừng (các BQLRPH và các công ty lâm nghiệp) trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, bố trí những cán bộ lãnh đạo (của các chủ rừng) có đầy đủ phẩm chất, năng lực để công tác lãnh đạo điều hành, thực thi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, triển khai đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030…Chỉ đạo Thanh tra Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch thanh tra thường xuyên các chủ rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là những chủ rừng có biểu hiện để mất rừng”.
Phạm Hoàng