Hàng loạt tiểu thương chợ Cầu kêu cứu: Khởi tố vụ án làm rõ sai phạm!

(Dân trí) - Gần 200 hộ tiểu thương tại chợ Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) đưa ra nhiều lí do để phản đối di dời chợ. Chính quyền địa phương cho rằng đã thực hiện đúng chủ trương và cơ quan công an đã khởi tố vụ án.

Vì sao tiểu thương chợ Cầu phản đối di dời chợ truyền thống?

Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu của 200 hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ Cầu, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho rằng chính quyền huyện Ứng Hòa và thị trấn Vân Đình vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về dự án cải tạo, nâng cấp chợ Cầu.

Theo tài liệu cung cấp của của các hộ tiểu thương: Ngày 31/3/1993, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành quyết định số 120-QĐ/UB về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng chợ huyện Ứng Hòa (chợ Cầu).

Hàng loạt tiểu thương chợ Cầu kêu cứu: Khởi tố vụ án làm rõ sai phạm! - 1
Hàng loạt tiểu thương chợ Cầu kêu cứu: Khởi tố vụ án làm rõ sai phạm! - 2

UBND tỉnh Hà Tây năm 1993 đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng chợ huyện Ứng Hòa (chợ Cầu).

Cụ thể: chợ được xây dựng trên khu đất của Xí nghiệp thủy nông cũ, việc xây chợ yêu cầu không ảnh hưởng đến an toàn giao thông, quy hoạch xây dựng trước mắt và lâu dài của thị trấn, đồng thời phải đảm bảo đúng pháp lệnh về đê điều và công trình thủy nông, thủy lợi. UBND huyện Ứng Hòa khi đó đã thống nhất cụ thể với các ngành liên quan về vị trí, địa giới và hành lang an toàn.

Quy mô xây dựng: Khu bán hàng bao quanh chợ gồm 2 tầng mái bằng diện tích 880m2.

Khu bán hàng trong chợ gồm 6 lô diện tích 720m2 nhà lợp tôn hoặc proximăng, khung thép, nền lát gạch. Hệ thống thoát nước mặt bằng, tường rào bảo vệ đường giao thông trong chợ; khu vực để xe các loại và nhà vệ sinh công cộng. Thời gian đưa vào sử dụng chợ là trong năm 1993.

Hàng loạt tiểu thương chợ Cầu kêu cứu: Khởi tố vụ án làm rõ sai phạm! - 3
Hàng loạt tiểu thương chợ Cầu kêu cứu: Khởi tố vụ án làm rõ sai phạm! - 4
Hàng loạt tiểu thương chợ Cầu kêu cứu: Khởi tố vụ án làm rõ sai phạm! - 5
Hàng loạt tiểu thương chợ Cầu kêu cứu: Khởi tố vụ án làm rõ sai phạm! - 6

Biên bản xác định cọc mốc giới mặt bằng xây dựng chợ huyện được lập ngay sau khi có QĐ của UBND tỉnh Hà Tây

Sau đó, ngày 17/4/1993, UBND huyện Ứng Hòa đã tổ chức Hội nghị để thực hiện các Quyết định số 120-QĐ/UB ngày 31/3/1993 của UBND tỉnh Hà Tây về việc cho phép huyện Ứng Hòa xây dựng chợ; CV số 336-TT/ĐĐ ngày 13/3/1993 của Sở Thủy lợi Hà tây về việc thỏa thuận cho huyện Ứng Hòa xác định mốc giới để xây dựng chợ bên kênh Vân Đình và đê Tả Đáy (chợ Cầu); Thực hiện quyết định số 77-QĐ/UB ngày 08/4/1993 của huyện Ứng Hòa.

Các thành viên tham gia hội nghị gồm: Đại diện xí nghiệp thủy nông Sông Nhuệ, đại diện đội quản lý đê điều, đại diện xí nghiệp thủy nông huyện Ứng Hòa, đại diện BQL công trình. Tất cả thành viên trong hội nghị đã quán triệt theo các quyết định và công văn trên và ra hiện trường để xác định cụ thể mốc mặt bằng và đi đến thống nhất lập Biên bản xác định cọc mốc giới mặt bằng xây dựng chợ huyện với những nội dung cụ thể.

Các đại diện tham gia hội nghị cũng thống nhất việc, trong quá trình xây dựng chợ phải có tường rào quanh chợ, đảm bảo khu vực lưu không và không ảnh hưởng tới dòng chảy của kênh Vân Đình.

Từ đó, BQL công trình xây dựng chợ huyện đã tiếp nhận mốc giới trên và bàn giao lại cho bên thi công.

Trao đổi với PV Dân trí, các hộ tiểu thương khẳng định: “Các hộ kinh doanh chúng tôi luôn có nguyện vọng là được yên ổn kinh doanh như bao năm trước đây chúng tôi vẫn làm. Và chúng tôi khẳng định hiện trạng chợ vẫn nguyên vẹn như khi được xây dựng, không hề có tình trạng lấn chiếm hay vi phạm đê điều, an toàn giao thông.

Thêm một lý do chúng tôi không muốn di dời đến chợ mới xây (chợ Trung tâm thị trấn Vân Đình), bởi có dấu hiệu lợi ích nhóm, thiếu công khai dân chủ khi UBND huyện Ứng Hòa lấy đất 02 vụ lúa cho doanh nghiệp đấu thầu chợ (cách xa chợ truyền thống gần 2km) để giải tán chợ Cầu, buộc bà con ra thuê điểm kinh doanh của doanh nghiệp”.

Báo cáo sai sự thật, lãnh đạo huyện nhận lệnh phạt

Không đồng tình với chủ trương của UBND huyện Ứng Hòa và thị trấn Vân Đình, 200 hộ tiểu thương đã làm đơn tố cáo tới UBND TP Hà Nội. Ngày 06/5/2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 33/KL-UBND thông báo kết luận nội dung tố cáo đối với UBND huyện Ứng Hòa.

Hàng loạt tiểu thương chợ Cầu kêu cứu: Khởi tố vụ án làm rõ sai phạm! - 7
Hàng loạt tiểu thương chợ Cầu kêu cứu: Khởi tố vụ án làm rõ sai phạm! - 8

Biên bản đối thoại đối thoại với các hộ kinh doanh tại chợ Cầu. Dù không được người dân ủng hộ và không có chữ ký của các thành phần tham dự hội nghị nhưng UBND huyện Ứng Hòa lại báo cáo lên UBND TP là đã thống nhất được ý kiến ủng hộ của mọi người.

Căn cứ nội dung tố cáo, giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung đơn tố cáo, các tài liệu, chứng cứ có liên quan và đối với các quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã kết luận nội dung tố cáo như sau:

Ngày 12/01/2017, UBND huyện Ứng Hòa tổ chức Hội nghị gặp gỡ, trao đổi với các hộ kinh doanh tại chợ Cầu. Biên bản hội nghị thể hiện buổi làm việc nhằm thông báo chủ trương của UBND huyện về việc sẽ tiến hành giải tỏa toàn bộ các hộ kinh doanh vi phạm hành lang an toàn giao thông và hành lang đê điều; tu sửa nhà vệ sinh, phòng cháy chữa cháy; sắp xếp lại việc quản lý các hộ kinh doanh nhưng không thể hiện ý kiến của các hộ kinh doanh tại chợ Cầu về việc đồng ý chủ trương này của UBND huyện.

Tại biên bản làm việc chỉ có chữ ký của Phó chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp và cán bộ ghi biên bản, không có chữ ký của các thành phần tham dự hội nghị cũng như các hộ kinh doanh tại chợ Cầu.

Đến nay, các hộ kinh doanh tại chợ Cầu vẫn tiếp tục tập trung đông người khiếu kiện tại các trụ sở cơ quan nhà nước để phản đối việc giải tỏa chợ Cầu. Làm việc trực tiếp với Tổ xác minh của Thanh tra TP Hà Nội, một số hộ kinh doanh tại đây vẫn nêu ý kiến không đồng thuận với chủ trương giải tỏa toàn bộ các hộ kinh doanh vi phạm tại chợ Cầu.

Do đó, việc UBND huyện Ứng Hòa báo cáo UBND TP Hà Nội tại văn bản số 252/BC-UBND ngày 26/6/2018 với nội dung: “Ngày 12/012017, UBND huyện Ứng Hòa đã phân công Phó chủ tịch UBND huyện chủ trì cùng các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các hộ kinh doanh tại chợ Cầu. Thông qua gặp gỡ, đối thoại, hội nghị đã thống nhất chủ trương sẽ tiến hành giải tỏa toàn bộ các hộ kinh doanh vi phạm hành lang an toàn giao thông, hành lang đê điều, hành lang công trình thủy lợi… và đã được sự ủng hộ nhiệt tình của các hộ kinh doanh tại chợ theo chủ trương chỉ đạo của UBND huyện” là không có cơ sở.

Trách nhiệm chính thuộc Trưởng phòng kinh tế huyện Ứng Hòa giai đoạn 2018 trong việc tham mưu giúp UBND huyện xây dựng báo cáo số 252/BC-UBND ngày 26/6/2018; Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách các lĩnh vực công tác: nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp-thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, quản lý thị trường… và Chủ tịch UBND huyện với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Từ kết luận trên, chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc tham mưu giúp UBND huyện Ứng Hòa ban hành báo cáo 252/BC-UBND ngày 26/6/2018.

Hàng loạt tiểu thương chợ Cầu kêu cứu: Khởi tố vụ án làm rõ sai phạm! - 9

Chợ Cầu nằm tại vị trí đắc địa ngay sát quốc lộ.

Huyện khẳng định làm đúng chủ trương, Công an đã khởi tố vụ án

Ngày 15/7/2020, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa đã có văn bản phúc đáp thông tin đến Báo Dân trí liên quan đến nội dung đơn thư Chợ Cầu theo nội dung đơn của 200 hộ tiểu thương.

Theo văn bản, Chợ Cầu - Thị trấn Vân Đình hoạt động từ năm 1994, ban đầu do Ban quản lý giao thông huyện quản lý theo Quyết định 68/QĐ-UB ngày 25/4/1994 của UBND huyện Ứng Hòa. Năm 2006 giao UBND xã Tân Phương quản lý, khi xã Tân Phương sát nhập thị trấn Vân Đình, chợ do UBND thị trấn Vân Đình quản lý.

Đến nay, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chợ đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hộ kinh doanh đã lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm lán bán hàng trên tỉnh lộ 21B đoạn đầu cầu Thanh Ẩm gây ách tắc giao thông, mất vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Năm 2006, Huyện ủy, HĐND huyện đã có chủ trương và nghị quyết về việc đầu tư xây dựng chợ trung tâm Thị trấn Vân Đình. Ngày 12/7/2007, UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 1209/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình chợ trung tâm thị trấn Vân Đình.

Việc đầu tư xây dựng chợ trung tâm thị trấn nhằm giải quyết các chợ: chợ Cầu, chợ con giống, chợ Chùa Chè... là chủ yếu, đảm bảo thực hiện văn minh thương mại, trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự và quy hoạch thị trấn Vân Đình.

Ngày 20/7/2007, UBND huyện Ứng Hòa ra Thông báo 47/TB-UBND về việc chủ trương chuyển chợ Đình (chợ Cầu) về chợ trung tâm thị trấn Vân Đình, đồng thời tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống Đài Truyền thanh của huyện, xã, thị trấn trên địa bàn huyện để mọi công dân có nhu cầu kinh doanh tại chợ-trung tâm thị trấn Vân Đình, đến BQL dự án đầu tư xây dựng huyện để đăng ký, đặc biệt là công dân thị trấn Vân Đình và các hộ kinh doanh tại chợ Cầu, chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn. Kết quả đã đăng ký hơn 500 đơn, trong đó có hơn 300 đơn của các hộ kinh doanh chợ Cầu.

Chợ Trung tâm thị trấn Vân Đình được UBND thành phố Hà Nội phân hạng là chợ hạng 1 tại Quyết định 3219/QĐ-UBND ngày 01/7/2010. Ngày 15/02/2012 UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 820/QĐ-UBND công nhận doanh nghiệp quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Trung tâm thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa. Chợ được khai trương đưa vào sử dụng từ ngày 09/12/2012.

Quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 820/QĐ-UBND ngày 15/02/2012 của UBND thành phố, một số hộ kinh doanh tại khu vực chợ Cầu không thực hiện di dời; tổ chức tập trung đông người đi khiếu kiện tại trụ sở UBND huyện, trụ sở Văn phòng Trung ương, HĐND, UBND Thành phố, Ban tiếp dân Thành phố đề nghị không di dời, giải tỏa chợ Cầu.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 6312/VP-BTCD ngày 07/11/2013 của Văn phòng UBND thành phố, trong đó giao các sở ngành thành phố phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa “khảo sát lại toàn bộ khu vực Chợ Cầu để xác định quỹ đất còn lại ngoài hành lang an toàn giao thông, phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi…nếu còn đủ điều kiện diện tích đất làm chợ Hạng 3 theo quy định thì ưu tiên sử dụng để cải tạo, nâng cấp chợ nhằm đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy, giao thông… phục vụ hoạt động kinh doanh tại chợ Cầu” qua khảo sát thấy: tổng diện còn lại của chợ Cầu (ngoài hành lang an toàn giao thông, phạm vi báo vệ đê điều, thủy lợi) đủ điều kiện diện tích đất làm chợ hạng 3 theo quy định.

Hàng loạt tiểu thương chợ Cầu kêu cứu: Khởi tố vụ án làm rõ sai phạm! - 10

Tiểu thương bức xúc chỉ mốc giới chợ Cầu mà các ban ngành tỉnh Hà Tây (cũ) đã phê duyệt năm 1993.

Tuy nhiên, để Chợ Cầu được tồn tại, được phân loại, cấp hạng chợ đáp ứng nguyện vọng của các hộ kinh doanh hợp pháp thì Chợ Cầu phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy nổ, đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định tại Quyết định số 3621/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2012 của Bộ Khoa học & Công nghệ về việc ban hành tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9211:2012 “Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế”. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải cải tạo, nâng cấp Chợ Cầu đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật đề ra.

UBND huyện Ứng Hoà cho biết, theo kết quả kiểm tra, Chợ Cầu có 226 hộ kinh doanh, trong đó có 62 hộ kinh doanh vi phạm, lấn chiếm (29 hộ vi phạm hành lang đê điều; 27 hộ vi phạm đất đai và hành lang bảo vệ công trình thủy lợi; 06 hộ vi phạm hành lang giao thông). 

Theo Văn bản số 3552/SNN-TL ngày 23/10/2019 của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Thành phố về công tác cải tạo, nâng cấp Chợ Cầu khẳng định vị trí nhà vệ sinh đã xây dựng trên mặt bờ phải kênh Tân Phương, toàn bộ diện tích công trình nằm trong phạm vi bảo vệ kênh.

UBND huyện đã chỉ đạo UBND thị trấn Vân Đình, các cơ quan chuyên môn của huyện xây dựng Kế hoạch giải tỏa các hộ vi phạm hành lang đê điều, hành lang an toàn giao thông, công trình thủy lợi tại chợ Cầu và lập dự án triển khai sửa chữa cải tạo hệ thống nước thải, nhà vệ sinh, hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại Chợ Cầu, các điều kiện và tiêu chuẩn khác quy định về duy trì hoạt động chợ dân sinh của UBND thành phố Hà Nội.

Đến ngày 27/10/2018, tại buổi làm việc với Huyện Ứng Hòa, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đồng ý với huyện Ứng Hòa về chủ trương giải tỏa, cải tạo, nâng cấp chợ Cầu và được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thể hiện tại Văn bản số 1128/TB-UBND ngày 09/11/2018. Cụ thể: “UBND thành phố đồng ý với chủ trương của huyện về việc giải tỏa vi phạm, cải tạo Chợ Cầu (xây dựng nhà vệ sinh, hệ thống phòng cháy và một số hạng mục khác), yêu cầu huyện công khai minh bạch thông tin đến người dân. Đối với các hộ kinh doanh vi phạm hành lang đê điều, hàng lang an toàn giao thông, hộ lấn chiếm đất chợ để kinh doanh, huyện lập hồ sơ vi phạm…. Sau Tết âm lịch 2019, UBND huyện thực hiện cưỡng chế giải tỏa vi phạm đối với các hộ không tự giác theo quy định”

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, UBND huyện đã từng bước thực hiện việc giải tỏa các vi phạm và cải tạo, nâng cấp chợ Cầu.

Tuy nhiên, đến nay công tác cải tạo, nâng cấp chợ Cầu chưa triển khai thực hiện được do một số hộ kinh doanh tại chợ Cầu chưa đồng thuận với Phương án cải tạo, nâng cấp chợ Cầu do UBND thị trấn Vân Đình xây dựng.

Từ đó, theo văn bản phúc đáp Báo Dân trí, UBND huyện Ứng Hoà khẳng định các bước thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Chợ Cầu được huyện chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo quy chế tập trung dân chủ.

Đối với nội dung vụ việc trong đơn thư gửi đến Báo Dân trí là vụ các hộ kinh doanh Chợ Cầu tố cáo ông Vương Quang Thành - Phó Chủ tịch UBND thị trấn - Trưởng Ban quản lý chợ Cầu, ông Bùi Minh Lâm - Phó Ban quản lý chợ Cầu vi phạm nghiêm trọng trong việc thu hẹp diện tích các ki ốt, việc thu - chi tài chính các quầy không được khách quan trung thực, minh bạch, UBND huyện Ứng Hòa cho biết Công an huyện đã ra Quyết định khởi tố vụ án và đang tiếp tục điều tra xử lý theo quy định, không có việc UBND huyện bao che như nội dung đơn công dân phản ánh.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin nội dung sự việc!

Ngọc Hân