Hà Nội:

Hàng loạt nhà trái phép “chềnh ềnh” bên bờ sông Tô Lịch

(Dân trí) - Nhiều cửa hàng và các hộ dân đã dựng khung thép làm nhà trái phép ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Hòa Mục tới cầu Cống Mọc gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trong khu vực.

 
Trước đây, bên bờ sông Tô Lịch đoạn đường từ ngã tư Lê Văn Lương - Láng và Láng Hạ đến cầu Cống Mọc (thuộc địa phận quận Đống Đa) là những thảm cỏ và tiểu cảnh chạy dọc ven sông giống như các đoạn sông khác nằm trong khúc sông Cầu Giấy - Ngã Tư Sở. Nhưng kể từ ngày có dự án Trung tâm Thương mại Ngã Tư Sở, nơi đây đã mọc lên một dãy nhà tôn để làm chợ tạm cho những người buôn bán ra kinh doanh, đợi ngày dự án hoàn thiện sẽ di dời.
 
Đã 3 năm trôi qua, nhưng dự án vẫn chưa được đưa vào sử dụng và hiện nay UBND TP. Hà Nội đang xem xét dừng trung tâm thương mại Ngã Tư Sở. Trong thời gian này, những ngôi nhà trái phép không chỉ dừng ở mục đích kinh doanh mà còn cơi nới, cải tạo thành nhà cho dân tứ xứ đến thuê. Khu nhà này không có hệ thống công trình phụ, nên nước và rác thải sinh hoạt xả thẳng xuống sông, khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
 
Hàng loạt nhà tôn mọc lên bên bờ sông Tô Lịch gây mất cảnh quan, an ninh khu vực
Hàng loạt nhà tôn mọc lên bên bờ sông Tô Lịch gây mất cảnh quan, an ninh khu vực

Ông Quách Quang Chuyên (số 35, đường Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết: “Tôi thấy rất phản cảm về những ngôi nhà này, họ căng bạt lên mái tôn để chống nóng, rác thải đổ thẳng ra sông vừa mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm nặng nề. Người dân ở trái phép dễ dân đến nguy cơ hình thành xóm ổ chuột ngay bên bờ sông. Mong chính quyền cương quyết ngay từ khi còn manh mún”.

Khi sông Tô Lịch đã bị ô nhiễm rất nặng nề, việc tạo các thảm cỏ, cây xanh và tiểu cảnh ven bờ sông sẽ khắc phục một phần tình trạng trên và tăng mỹ quan đô thị nhưng những người dân sống ở khu vực lân cận chưa được hưởng đã phải chịu cảnh sống chung với nỗi lo lớn hơn. Hàng ngày phải chứng kiến cảnh mua bán dưới lòng đường, xả thải, phóng uế bừa bãi. Nhất là những nhà dân trêm mặt đường Nguyễn Ngọc Vũ, trước đây nhìn thẳng sang đường Láng nhưng nay tầm nhìn bị che khuất bởi những ngôi nhà trái phép trên đất công. Mỗi lần hướng mắt ra xa lại phải chứng kiến cảnh nước thải chảy trực tiếp ra sông, rác chất thành đồng, nhà tôn xập xệ, tường bao sông hoen ố.

Nghiêm trọng hơn cả là khi người dân trong khu vực luôn bất an vì lo lắng tình hình an ninh, bởi những người dân đang ở trong khu nhà tạm đó đều là dân nhập cư trái pháp luật, không thuộc bất cứ địa phương nào quản lý.
 
Mặt trước và mặt sau dãy nhà tôn bên bờ sông Tô Lịch
Mặt trước và mặt sau dãy nhà tôn bên bờ sông Tô Lịch
Mặt trước và mặt sau dãy nhà tôn bên bờ sông Tô Lịch

Theo khảo sát của PV Dân trí, mặt ngoài tiếp giáp với đường Láng là nhiều cơ sở kinh doanh, được mở cửa hoạt động công khai từ 8 - 9h đến 22 - 23h mỗi ngày. Phía sau gian kinh doanh là diện tích cho thuê trọ hoặc chủ hàng ở. Một chủ của hàng bán thú nhồi bông tại dãy nhà tạm này nói: “Ở đây gọi là nhờ chứ không phải thuê, quen thì mới nhờ được chứ còn người ngoài không thuê được đâu, khó lắm, đây là quen biết phường. Nói chung là tôi cũng thuộc dạng liều vì nhà chuyển buôn đi nhiều chỗ và còn nhiều chi nhánh khác thì nhà tôi mới dám làm thế này. Còn bình thường đâu phải ai cũng làm được thế này”. Còn một chủ hàng khác lại cho biết: “Cũng không còn gian hàng nào nữa, bình thường mỗi tháng thuê hết chục triệu, chắcgiờ phải 30 triệu”.

Hàng chục cơ sở kinh doanh này sẽ phải bỏ tiền ra thuê địa điểm và phía cho thuê sẽ thu lợi nhuận hàng trăm triệu mỗi tháng chưa kể đến lợi nhuận từ phần diện tích cơi nới cho thuê ở. Vậy ai là người đứng ra cho thuê và “bảo kê” cho sự tồn tại ngang nhiên này.
 
Người dân trong khu vực đề nghị quận Đống Đa xử lý vi phạm ở bờ sông Tô Lịch,
Người dân trong khu vực đề nghị quận Đống Đa xử lý vi phạm ở bờ sông Tô Lịch,
sớm trả lại không gian và cảnh quan như những đoạn sông khác

Để lấy lại cảnh quan và bảo đảm an ninh khu vực, báo Dân trí đề nghị UBND quận Đống Đa sớm xóa bỏ và xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm trên, trả lại không gian yên bình vốn có của bờ sông Tô Lịch như những đoạn bờ sông khác nằm dọc bên đường Láng.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy