Hàng loạt hồ tôm ven biển gây ô nhiễm nghiêm trọng tại Quảng Bình
(Dân trí) - Trước tình trạng xả thải bừa bãi nguồn nước ô nhiễm chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường của các hồ nuôi tôm tại Quảng Bình, chính quyền tỉnh này đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc xử lý.
“Làm bừa” quy trình xả thải gây ô nhiễm!
Dọc bờ biển kéo dài hơn 30km từ các xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) có hàng chục hồ nuôi tôm.
Tại các hồ này, nguồn nước sau khi được sử dụng để nuôi tôm có màu đen, bốc mùi hôi nồng nặc bị nhiều chủ hồ xả thải trực tiếp ra môi trường mà không hề qua khâu xử lý. Điều đáng nói, nước thải được xả ra liên tục cả ngày lẫn đêm tại các hồ tôm trong thời gian dài còn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Tiêu điểm như tại xã Hải Ninh, dọc bờ biển có trên 30 hộ nuôi tôm không có hồ xử lý nước thải hoặc có hồ xử lý nước thải nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Do không hệ thống xử lý nên đa số các hồ nuôi tại đây tự nối ống nhựa cỡ lớn hoặc dẫn nước thải theo mương chảy trực tiếp ra biển. Thậm chí, tại đây còn có một cống xả rộng hơn 5m gom nước thải từ hàng loạt hồ tôm để lộ thiên rồi xả thẳng ra biển.
Theo ghi nhận, tại một số kênh rãnh thoát nước thải từ hồ nuôi tôm của các hộ gia đình dọc bờ biển, nước thải có màu đen ngòm và chảy sùi bọt đầy cả con kênh. Dọc theo kênh, mương thoát nước thải này chất thải bám những lớp dày như bùn, bốc mùi hôi thối nhìn rất ô nhiễm.
Liên quan đến vấn đề này tại địa phương, ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch xã Hải Ninh cho biết, “Hiện nay tại địa phương có khoảng 30 đơn vị nuôi tôm với diện tích mặt hồ hơn 35ha. Việc xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, chính quyền địa phương cũng đã nắm và nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở, xử lý. Tuy nhiên, khi có lực lượng chức năng thì người nuôi đều chấp hành tốt nhưng sau đó họ lại lén lút xả thải nên cũng không quản lý hết được”.
Mạnh tay xử lý, thu hồi đất!
Nắm bắt và lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường do các hồ nuôi tôm gây ra ảnh hưởng đến các điểm du lịch dọc bãi biển Quảng Bình, lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt.
Cụ thể, đối với vấn đề đất dọc ven biển ở những khu vực đó đã có quy hoạch tổng thể là đất thương mại dịch vụ nhưng có liên quan đến việc xả nước thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm thì phía Sở này đã chỉ đạo và giao Chi cục Bảo vệ vệ môi trường thành lập đoàn xuống tận cơ sở kiểm tra, lấy mẫu để có cơ sở xử phạt đối với các hồ nuôi tôm không đảm bảo chỉ số về bảo vệ môi trường.
Nếu kết quả vượt các chỉ số về môi trường theo quy định sẽ cho xử phạt nghiêm khắc đối với các hồ nuôi tôm xả trực tiếp nước ra môi trường. Đồng thời, phía Sở cũng sẽ đề xuất và chỉ đạo các cơ quan liên quan có văn bản yêu cầu thu hồi đất đối với các chủ hộ nuôi tôm dọc ven biển, không cho thuê đất nữa. Đó là quan điểm chỉ đạo của ông Trần Phong, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình.
Cùng quan điểm, ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Bình cũng cho biết, “Đến thời điểm này đã cho kiểm tra, lấy mẫu phân tích đối với các hồ nuôi tôm.
Sau khi có mẫu phân tích ao nào ô nhiễm sẽ tiến hành xử phạt, có bằng chứng ô nhiễm là xử lý. Quan điểm là phải làm nghiêm, còn trường hợp đất cho thuê thương mại dịch vụ du lịch nhưng lại nuôi tôm sẽ kiểm tra, theo chỉ đạo của Giám đốc Sở xem xét yêu cầu dừng, cấm nuôi tôm và phải chuyển đổi sử dụng đúng mục đích.”
Đặng Tài