Điều tra theo đơn thư bạn đọc:

Hàng chục trạm trộn bê tông không phép “băm nát” phường Mễ Trì, Phú Đô

(Dân trí) - Mặc dù không có giấp phép nhưng hàng chục trạm trộn bê tông vẫn hoạt động công khai trên đất dự án, đất nông nghiệp xã Mễ Trì. Việc chính quyền địa phương thiếu kiên quyết suốt thời gian dài, hoặc chỉ xử lý lấy lệ khiến tình trạng vi phạm ngày càng phức tạp.

Theo ý kiến của một số người dân sống trong khu vực xã Mễ Trì trước đây, nay là phường Mễ Trì và Phú Đô phản ánh, từ năm 2012 cho đến nay, người dân trong khu vực luôn chịu cảnh ô nhiễm, khói, bụi, nguy cơ tai nạn giao thông do hoạt động sản xuất suốt ngày đêm của các trạm trộn bê tông trên địa bàn, đi kèm là hàng trăm lượt xe bồn chuyên dụng trọng tải lớn vận chuyển bê tông đi tiêu thụ.
 
Cả chục trạm trộn bê tông khủng ngang nhiên hoạt động trên địa bàn phường Mễ Trì - Phú Đô
Cả chục trạm trộn bê tông "khủng" ngang nhiên hoạt động trên địa bàn phường Mễ Trì - Phú Đô

Ghi nhận thực tế cho thấy, trên địa bàn phường Mễ Trì và Phú Đô hiện có 11 trạm trộn bê tông hoạt động náo nhiệt từ sáng đến đêm, với hàng đoàn xe tải nằm ở Đại Lộ Thăng Long, đường Lương Thế Vinh và các đường nhánh chờ vào trạm lấy hàng. Điều đáng nói, tất cả những trạm trộn bê tông này đều được xây dựng và hoạt động không giấy phép.

Trước thời điểm huyện Từ Liêm chia tách thành quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, lãnh đạo UBND xã Mễ Trì đã thừa nhận trên địa bàn có nhiều trạm trộn bê tông không phép hoạt động từ năm 2012. Theo xác nhận của ông Nguyễn Hữu Quyết - Phó Chủ tịch xã Mễ Trì khi đó, các trạm trộn bê tông không phép đã bị UBND huyện Từ Liêm nhiều lần yêu cầu xử lý. Riêng trong năm 2013, chính quyền địa phương đã tiến hành lập biên bản, cưỡng chế các trạm vi phạm.
 
Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe bồn chuyên dụng vận chuyển bê tông đi tiêu thụ
Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe bồn chuyên dụng vận chuyển bê tông đi tiêu thụ
 
Dựa trên hồ sơ UBND xã Mễ Trì cung cấp cuối tháng 3/2014, ngày 25/10/2012, UBND xã Mễ Trì lập 11 hồ sơ vi phạm hành chính công trình vi phạm trật tự xây dựng. Sau đó, UBND xã Mễ Trì liên tục ban hành văn bản hành chính, kế hoạch cưỡng chế, cắt điện, cắt nước, biên bản cưỡng chế, đồng thời khẳng định dỡ bỏ 11 công trình vi phạm. Tuy nhiên, điều mâu thuẫn khó lý giải là việc cưỡng chế - tháo dỡ 11 trạm trộn lại thực hiện cùng ngày 26/4/2013, trong khi ai cũng biết trạm trộn bê tông là hệ thống máy móc phức tạp, đồ sộ khó có thể tháo dỡ trong thời gian ngắn.
 
Các trạm hiên ngang hoạt động dù không được cơ quan chức năng cấp phép
Các trạm hiên ngang hoạt động dù không được cơ quan chức năng cấp phép

UBND xã Mễ Trì trước đây đã báo cáo lên cấp trên khẳng định việc cưỡng chế đã được thực hiện xong từ tháng 4/2013, nhưng tròn một năm sau, tất cả các trạm vẫn sững sững tồn tại và hoạt động hết công suất bất chấp ngày đêm khiến môi trường bị ô nhiễm, còn người dân phải thường trực đối mặt nguy cơ tai nạn do các xe bồn nối đuôi nhau vào lấy hàng.

Theo ghi nhận của PV, từ sau khi xã Mễ Trì được chia tách thành hai phường Mễ Trì - Phú Đô tình trạng vi phạm có dấu hiệu nghiêm trọng hơn do các chủ đầu tư tận dụng thời điểm lãnh đạo quận, phường mới vẫn trong quá trình tiếp nhận và làm quen công việc.

Để làm rõ vụ việc trên, ngày 15/4/2014, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm. Làm việc với PV, ông Sơn xác nhận việc trên địa bàn quận Nam Từ Liêm có khoảng hơn 10 trạm trộn bê tông không phép hoạt động, trong đó phần lớn tập trung ở phường Mễ Trì và Phú Đô. Theo lời ông Sơn: “Việc các trạm trộn bê tông này tồn tại có nhiều nguyên nhân thực tế khách quan. Với quyết tâm xử lý triệt để tình trạng vi phạm, sau khi ra mắt bộ máy lãnh đạo, UBND quận Nam Từ Liêm đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo, đốc thúc chính quyền địa phương và đội Thanh tra xây dựng tăng cường giám sát, lên phương án xử lý nghiêm khắc, dứt điểm tình trạng vi phạm TTXD trên địa bàn...”.
 
Các trạm hiên ngang hoạt động dù không được cơ quan chức năng cấp phép

Khẳng định sẽ xóa bỏ tình trạng vi phạm, nhưng ông Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết việc cưỡng chế, tháo dỡ trạm trộn bê tông rất phức tạp và tốn kém nên các đơn vị chức năng cần có thời gian xây dựng kế hoạch chi tiết, với nhiều phương án trước khi trình lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm phê duyệt.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên đến bạn đọc.

Ngọc Cương