Đắk Lắk:

Hàng chục m3 gỗ quý hiếm đang bị “mưa chan, nắng đốt”

(Dân trí) - Hơn 4 năm nay, phía sau khuôn viên Nhà văn hóa huyện Krông Năng có một khối lượng gỗ Thủy tùng nằm chình ình mặc cho “mưa chan, nắng đốt” và có nguy cơ ải mục…

Thủy tùng (hay còn gọi là thông nước) thuộc chi Glyptostrobus, đây loài thực vật đặc hữu đã và đang có nguy cơ bị diệt vong trong sách đỏ của thế giới.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia còn tồn tại giống cây này, theo thống kê của các cơ quan chức năng, trên lãnh thổ Việt Nam hiện chỉ còn lại một số cá thể và được phân bố rải rác trên các địa bàn hẻo lánh thuộc huyện Krông Năng và huyện EaH’leo (Đắk Lắk).
 
Cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý số gỗ quý này
Cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý số gỗ quý này

Theo ông Nguyễn Văn Kiểm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng cho biết, lâu nay cư dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Krông Năng nói riêng đang bùng phát thú chơi đồ gỗ, đặc biệt đối với loài Thủy tùng (thuộc nhóm gỗ A1) …và cứ thế cư dân tại mọi thôn buôn trên địa bàn thi nhau đào bới, càn quét lùng sục tìm kiếm khắp mọi nơi nhằm tận thu tất tần tật mọi thành phần từ thân, cành, gốc thậm chí cả rễ cây Thủy tùng.

Trước nạn khai thác bừa bãi dẫn đến nguy cơ bị tuyệt chủng cao đối với loài thực vật quý hiếm này lực lượng Kiểm lâm huyện đã tích cực tuần tra, ngăn chặn, xử lí các đối tượng khai thác và mua bán trái phép.

Từ năm 2009, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng đã truy thu được gần 46 m3 gỗ Thủy tùng từ các đầu nậu gỗ lậu, số gỗ này chúng tôi cho tập kết tại phía sau khuôn viên Nhà văn hóa huyện, từ đó tới nay chúng tôi cũng như các cơ quan chức năng đã liên tục đề nghị các cấp chính quyền địa phương … xử lí số gỗ này theo các phương án như tổ chức bán đấu giá thanh lí hoặc chuyển giao cho các cơ quan sử dụng trang trí nội thất như Bảo tàng, Du lịch...

Trong khi chờ đợi quyết định của cấp trên, để tránh tình trạng thất thoát số gỗ quý hiếm này, hàng tháng Hạt Kiểm lâm buộc phải thuê nhân công với số tiền 300 ngàn đồng/người /tháng để trông nom bảo vệ.

“Cứ bảo Thủy tùng là loại gỗ quý hiếm và có nguy cơ bị tuyệt chủng… nhưng tịch thu về lại để phơi nắng, phơi mưa như vầy hàng bao năm trời thì thật là rất không nên, vả lại trông nó phản cảm thế nào ấy…”- một người đàn ông sống ở gần Nhà văn hóa huyện Krông Năng phàn nàn.

Được biết không chỉ riêng tại huyện Krông Năng mà hiện nay tại một số huyện khác của tỉnh Đắk Lắk như EaH’leo, Krông Búk… cũng có hàng chục m3 gỗ Thủy tùng và cũng đang trong tình trạng “mòn mỏi” chờ quyết định của các cấp chính quyền…

Trần Mai

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm