Nghệ An:
Hàng chục hộ dân “kêu cứu” vì bỗng dưng bị mất đất?!
(Dân trí) - Sau cuộc dồn điền đổi thửa, hàng chục hộ dân tại xóm 8, xã Bắc Sơn bỗng dưng bị mất hơn 2 hecta đất nông nghiệp. Cho rằng có sự “thiếu công bằng” trong quá trình thực hiện hàng chục hộ dân tại đây đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu được làm rõ.
Dân kêu cứu vì bị mất đất?
Trong đơn thư gửi tới VP báo Dân trí tại Nghệ An và các cơ quan chức năng hàng chục hộ tại xóm 8, xã Bắc Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) trình bày: Sau khi thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa trên địa bàn xã diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xóm đã bị mất đi hơn 2ha (hecta) so với trước kia. Trong đó toàn bộ diện tích tại khu vực Cửa Khâu trước kia là vùng đất sản xuất của bà con xóm 8 nay lại được UBND xã Bắc Sơn chia cho hai xóm khác là xóm 7, xóm 6 sản xuất. Trong tổng số 8 xóm trên địa bàn thì chỉ riêng xóm 8 là bị “thiệt hại” nặng nề nhất.
Anh Lê Văn Sơn (SN 1963) người bị “mất” hơn 1.500m2 đất sau cuộc dồn điền đổi thửa bức xúc: “Tôi cũng không biết rằng tại sao đất của mình lại bị thu hồi cho giao cho người khác sản xuất. Trong quá trình triển khai chủ trương tôi không được tham chỉ đến khi gia đình mình bị mất đất thì mới biết. Cuộc sống của cả nhà dựa hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp nay lại mất đất thì không biết sống vào đâu nữa”.
Tại buổi làm việc với PV Dân trí hàng chục hộ dân tại đây đều tỏ thái độ vô cùng bức xúc trước việc xóm mình bị “thiệt” sau khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa trên toàn xã. Bởi theo tìm hiểu của người dân tại đây, nếu làm đúng như chủ trương “dồn điền, đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp như tinh thần Chị thị 08 - CT/TU Tỉnh Ủy Nghệ An đã nêu rõ.
Trong quá trình thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa” thì sẽ lấy đơn vị xóm làm chuẩn. Như vậy diện tích sản xuất chung của các xóm sẽ không thay đổi, nếu có thay đổi chỉ là trong từng hộ thuộc địa bàn xóm. Nhưng tại đây toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xóm 8 lại bị cắt đi so với trước kia là hơn 2 hecta. Chính vì điểm “khuất tất” này khiến những hộ dân tại đây bất bình.
Thậm chí ngay sau khi được giao đất và biết mình bị “thiệt thòi” nhiều người dân tại xóm 8 đã cùng nhau mang cuốc, cày ra khu vực cánh đồng Cửa Khâu để làm việc. Mặc dù tại thời điểm này toàn bộ khu vực đất sản xuất ở cánh đồng Cửa Khâu đã được UBND xã Bắc Sơn chia cho các hộ dân ở xóm 6, xóm 7 sản xuất theo đề án dồn điền, đổi thửa. Khiến những hộ dân được giao đất tại khu vực này không thể sản xuất được.
Ông Lê Phi Hoàng (SN 1949) một người dân ở xóm 8, xã Bắc Sơn cho biết: “Sau khi thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xóm bị giảm đi so với trước kia là 25.759m2. Vậy nên rất nhiều hộ dân tại đây không đồng tình chúng tôi đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng để làm rõ. UBND xã cũng đã tổ chức 4 cuộc họp dân và 9 cuộc họp chi bộ nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được vấn đề trên. Hiện tại nhiều người dân ở xóm 8 cũng chưa nhận đất và mùa vụ cũng đã tới gần. Chúng tôi khẩn thiết mong mỏi chính quyền địa phương sớm giải quyết thấu tình đạt lý để yên tâm sản xuất đảm bảo đời sống của nhân dân”.
Anh Lê Doãn Từ (SN 1966) người bị thiệt hơn 1000m2 đất bức xúc: “Chúng tôi mong muốn những cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc làm rõ để có câu trả lời thỏa đáng với người dân để bà con yên tâm sản xuất. Chứ cứ thế này thì chúng tôi cũng như những hộ được giao đất không thể yên tâm sản xuất canh tác được”.
Huyện “lệch” với tỉnh
Để làm rõ những thắc mắc của bà con nhân dân xóm 8 chúng tôi có buổi làm việc với UBND xã Bắc Sơn và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đô Lương. Tại buổi làm việc lãnh đạo UBND xã Bắc Sơn cũng như Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đô Lương đã khẳng định trong phương án dồn điền đổi thửa đã được phê duyệt và triển khai thì Ban chỉ đạo của xã Bắc Sơn đã làm đúng theo chủ trương chính sách và những hướng dẫn từ UBND huyện ban hành đảm bảo dân chủ công bằng trong quá trình thực hiện. Việc có một số hộ dân tại xóm 8 chưa nhận đất và thắc mắc là hoàn toàn có thực. Nhưng vấn đề này là do người dân chưa thấu hiểu được đường lối cách làm nên mới “hiểu lầm”.
Theo đó, thực hiện Chỉ thị 08 và các văn bản hướng dẫn về vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa”, của tỉnh UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Đô Lương đã thực hiện thí điểm ở các xã Trung Sơn và Thuận Sơn. Sau khi hai xã điểm thực hiện phương án dồn điển đổi thửa thì có một số bất cập trong quá trình thực hiện. Tại đây nếu lấy đơn vị xóm là đơn vị chuyển đổi theo như Chỉ thị 08, thì diện tích đất sản xuất của các xóm trong từng xã sẽ không thay đổi. Việc thay đổi diện tích chỉ xảy ra ở một số hộ gia đình trong nội bộ xóm.
Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích đất nông nghiệp của từng xóm trên địa bàn xã không thống nhất thành từng vùng liền nhau, không cụ thể, đan xen. Việc này gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Và nếu lấy đơn vị xóm làm đơn vị chuyển đổi thì việc quy hoạch diện tích đất công ích sử dụng chung cho toàn xã sẽ vô cùng khó khăn, có những xóm bị “thiệt” nếu là nơi được quy hoạch các công trình này.
Từ thực tế, bài học kinh nghiệm được đúc rút ở các xã điểm trên, sáng ngày 23/02/2014 UBND huyện Đô Lương đã tổ cức hội nghị bổ cứu công tác “dồn điền, đổi thửa”. Sau khi phân tích thực tế, nhằm đảm bảo sự công bằng trong quá trình dồn điền, đổi thửa UBND huyện Đô Lương đã bổ cứu phương lấy đơn vị xã làm đơn vị chuyển đổi.
Theo đó toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn toàn xã sẽ được đánh giá, phân dạng đất. Sau đó trừ đi phần diện tích đất phục vụ các công trình công ích, diện tích làm giao thông, thủy lợi nội đồng. Toàn bộ diện tích đất còn lại sẽ được chia đều cho tổng số nhân khẩu của xã đã được phân chia đất theo Quyết định 64.
Phương án trên mặc dù có sự “lệch pha” so với Chỉ thị và các văn bản hướng dẫn từ Tỉnh Ủy nhưng được xem là phương án “tối ưu” và đảm bảo sự công bằng trong quá trình thực hiện. Vì vậy, việc một số xóm bị “mất đất” sau cuộc “cách mạng” là điều hoàn toàn có thực, tuy nhiên đó là do xóm đã nhận được phần đất tốt hơn trước kia. Còn những xóm nhận được nhiều đất hơn là bởi vì đã nhận được diện tích đất xấu hơn trước kia.
Trao đổi về những thắc mắc của người dân xóm 8, xã Bắc Sơn, ông Hoàng Quốc Việt - PCT UBND huyện Đô Lương cho biết: “Quy trình thực hiện của UBND xã Bắc Sơn chúng tôi đã giao cho các phòng, ban chuyên môn của huyện kiểm tra cụ thể. Ở đây, UBND xã Bắc Sơn đã làm đúng theo chủ trương của tỉnh và huyện. Hiện UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương giải thích vận động để nhân dân thấu hiểu và sớm nhận đất để tiến hành canh tác, ổn định đời sống”.
Ông Hoàng Quốc Việt cho biết thêm, hiện nay việc thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa” trên địa bàn huyện đã cơ bản thực hiện được ở trên tổng số 32 xã của toàn huyện. Nhưng còn một số “điểm” người dân vẫn chưa thấu hiểu hết việc này cũng do công tác tuyên truyền vận động, phổ biến kế hoạch của từng địa phương còn hạn chế. UBND huyện cũng đã nhắc nhở và phê bình các xã chưa làm chỉ đạo sát sao trong quá trình thực hiện.
Thiết nghĩ UBND xã Bắc Sơn, cũng như UBND huyện Đô Lương cần sớm giải quyết xử lý dứt điểm những thắc mắc của bà con nhân dân ở xóm 8 một cách thấu tình đạt lý. Kiểm tra rõ ràng, minh bạch trong quá trình thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa” tại đây và có câu trả lời thuyết phục đối với nhân dân. Tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài gây mất ổn định trên địa phương và cũng để bà con nhân dân yên tâm sản xuất ổn định đời sống.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Nguyễn Tình - Nguyễn Duy