Hải Dương: Đêm giao thừa, pháo vẫn nổ “tràn cung mây”

Sau một giao thừa Tết Quý Tỵ - 2013 đầy “tai tiếng” với tiếng pháo nổ vang trời khắp các huyện thị, những tưởng giao thừa Tết Giáp Ngọ - 2014 tiếng pháo ở Hải Dương sẽ “giảm âm”, nhưng không phải vậy.

dù rằng trước tết, một quan chức tỉnh này đã cam kết về một giao thừa “không tiếng pháo”.
 
Xác pháo (tự làm) vẫn phủ trắng ngõ xóm sáng mồng 1 Tết ở Tứ Kỳ (Ảnh do độc giả cung cấp)
Xác pháo (tự làm) vẫn phủ trắng ngõ xóm sáng mồng 1 Tết ở Tứ Kỳ (Ảnh do độc giả cung cấp)
 
“Đỉnh cao” của đợt pháo nổ giao thừa năm nay thuộc về các xã thuộc huyện Tứ Kỳ. Đây không phải là năm đầu tiên, huyện này có tình trạng pháo nổ tràn lan vào đêm giao thừa. Trước và sau thời khắc giao thừa, đủ các loại pháo: Pháo nổ (cả pháo lẻ và pháo bánh), pháo hoa…thi nhau nổ, rền vang, sáng rực cả vùng trời. Xen kẽ vào đó, thỉnh thoảng có những tiếng pháo cối làm rung chuyển màn đêm. Đáng chú ý, có nhiều loại pháo nổ do người dân mua thuốc về tự làm.
 
Xác pháo (tự làm) vẫn phủ trắng ngõ xóm sáng mồng 1 tết ở Tứ Kỳ. (Ảnh do độc giả cung cấp)
Xác pháo (tự làm) vẫn phủ trắng ngõ xóm sáng mồng 1 tết ở Tứ Kỳ. (Ảnh do độc giả cung cấp)

5 năm trở lại đây, năm nào ông Nguyễn Khắc Cường (thường trú tại TPHCM) cũng về quê Tứ Kỳ ăn tết. Cũng từng ấy lần, ông đều chứng kiến cảnh đêm giao thừa pháo nổ “tràn cung mây” như thời pháo chưa bị cấm.

Dường như vụ tai tiếng giao thừa năm ngoái cùng những chỉ đạo của trung ương và những lời cam kết của lãnh đạo các cấp tỉnh Hải Dương cũng chẳng thể ngăn nổi những đợt pháo nổ trong đêm giao thừa.

“Cấm thì phải cấm từ trước, chứ đến lúc đốt rồi thì cấm làm sao được. Chẳng ai dám đến từng nhà bắt phạt người dân đốt pháo” – anh Trần Đức Hải, xã Tiên Động - nói.

Sáng mồng một tết, tại các xã Hà Thanh, Tiên Động, Cộng Lạc… xác pháo vẫn phủ kín sân, vườn, đường làng.

“Tôi thấy đêm giao thừa, pháo của dân đủ các loại, các tầm thấp-trung-cao, tạo nên những màn trình diễn còn đẹp hơn pháo do các cơ quan nhà nước tổ chức bắn” – anh Nguyễn Đức Hòa, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ - cho biết.

Trong khi đó, tại một số huyện, thị, trong đó có Kim Thành – nơi xác pháo đỏ đường giao thừa Tết Quý Tỵ - 2013, theo người dân, tình trạng đốt pháo đã giảm rõ rệt, tuy vẫn còn lác đác tiếng pháo nhỏ do lực lượng công an và dân phòng đi tuần suốt đêm. Theo ghi nhận của phóng viên, ở các địa phương có sự xuất hiện của lực lượng công an và dân phòng, địa phương đó hầu như ít có tiếng pháo nổ.

Tại tỉnh Thái Bình, một biện pháp hạn chế tình trạng đốt pháo khá hiệu quả: Tỉnh sẽ cắt tiền hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn đối với các xã, thôn để xảy ra tình trạng đốt pháo.

Trong khi đó, tại Quảng Ninh – nơi lực lượng chức năng địa phương này thường xuyên bắt được các vụ buôn bán pháo lậu, cũng như mọi năm - đã kiểm soát khá tốt tình hình đốt pháo trái phép trong đêm giao thừa.

Theo Nguyễn Hùng
Lao động