Hà Tĩnh: Hô biến đường dân sinh thành chợ để trục lợi

(Dân trí) - Một con đường dân sinh ở phường Kỳ Liên (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bất ngờ bị chiếm dụng rồi hô biến thành chợ để trục lợi. Sự việc kéo dài suốt nhiều năm nhưng chính quyền địa phương bất lực khiến khu chợ trung tâm được nhà nước đầu tư khang trang có nguy cơ phải đóng cửa.

 

Hà Tĩnh: Hô biến đường dân sinh thành chợ để trục lợi - Ảnh 1.

Một khu chợ cóc "sầm uất" mọc trái phép nhưng vẫn được tồn tại suốt nhiều năm nay

Biến đường thành chợ

Theo tìm hiểu của PV ngày 30/12/2016, UBND phường Kỳ Liên đã tiến hành cho ông Trần Hữu Khánh trú tại địa bàn thuê diện tích đất hai bên đường giao thông tuyến nối từ quốc lộ 1A đi kênh thoát lũ thuộc TDP Liên Phú, phường Kỳ Liên.

Thời hạn trong hợp đồng cho thuê lên đến 5 năm, kể từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2021. Số tiền thuê hợp đồng năm đầu là 40 triệu đồng, từ năm thứ 2 trở đi giá trị hợp đồng sẽ tăng thêm 20%. Sau khi hết thời hạn trên, nếu ông Khánh có nhu cầu thì phía UBND phường Kỳ Liên vẫn ưu tiên và ký tiếp hợp đồng.

Trong hợp đồng thuê mặt bằng cũng ghi rõ, cá nhân ông Trần Hữu Khánh được phép làm địa điểm kinh doanh, buôn bán, không được phép xây dựng các công trình kiên cố trên đất mà UBND phường đã giao.

Thế nhưng ngay sau khi bản hợp đồng có hiệu lực, ông Khánh đã không thực hiện đúng như cam kết. Cụ thể, ông Khánh cho tiến hành xây dựng, biến khu đất thành những ki ốt rồi cho các tiểu thương thuê với giá từ 500 nghìn đến hơn 1 triệu đồng/ki ốt/tháng. Thậm chí ông Khánh còn lấn chiếm, biến con đường dân sinh rộng 7m thành chợ để trục lợi.

Ghi nhận của PV, tại khu chợ cóc này có đến hơn 50 ki ốt với diện tích từ khoảng 6m2 đến hơn 12m2.

Ngoài phần diện tích của UBND phường Kỳ Liên thì tại khu vực chợ cóc của ông Trần Hữu Khánh còn có một phần diện tích do Trung tâm xúc tiến đầu tư và Cung ứng nhân lực (thuộc Ban Quản lý KKT Vũng Áng) cho thuê.

Chính quyền tiếp tay cho sai phạm?

Việc mọc ra khu chợ cóc trái phép khiến cho ngôi chợ trung tâm của phường Kỳ Liên vắng tanh và nguy cơ phải đóng cửa

Có mặt tại khu chợ này, từ sáng sớm đến chiều muộn cảnh mua bán hết sức tấp nập.

Việc một khu chợ cóc tự ý dựng lên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhất là về cháy nổ, ô nhiễm môi trường bởi khu chợ được xây dựng hết sức tạm bợ, nhếch nhác và rác thải gần như bị xả ra các khu vực xung quanh.

Nguy hiểm hơn, khu chợ cóc này nằm sát quốc lộ 1A có lưu lượng phương tiện giao thông đông đúc, cảnh mua bán nhốn nháo khiến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

“Một khu chợ cóc có đến hơn 50 ki ốt bán đủ thứ đồ mà không có khu xử lý chất thải. Xây dựng thì tạm bợ, nhếch nhác, lại sát ngay khu dân cư, chúng tôi sống cũng rất lo lắng”, một hộ dân sống gần khu chợ này lo lắng.

Hệ lụy nghiêm trọng hơn từ việc khu chợ cóc tự ý móc lên đó là khiến khu chợ trung tâm của phường Kỳ Liên được nhà nước đầu tiền tỷ, xây dựng khang trang, sạch sẽ thì đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì không có người vào chợ.

“Chợ Kỳ Liên hoạt động từ năm 2013, từ đó đến khoảng năm 2017 thì rất đông đúc, nhộn nhịp. Thế nhưng từ khi có khu chợ cóc vào hoạt động thì rất ít người vào chợ mua nữa. Nếu cứ để tình trạng thế này kéo dài thì chắc sẽ chẳng còn ai vào đây để bán”, một tiểu thương phản ánh.

Hà Tĩnh: Hô biến đường dân sinh thành chợ để trục lợi - Ảnh 3.
Hà Tĩnh: Hô biến đường dân sinh thành chợ để trục lợi - Ảnh 4.
Hà Tĩnh: Hô biến đường dân sinh thành chợ để trục lợi - Ảnh 5.

Rất nhiều rủi ro nhất là về cháy nổ, ô nhiễm môi trường tại khu chợ cóc trái phép này

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch UBND phường Kỳ Liên thừa nhận sự việc ông Khánh tự nhiên biến khu đất được thuê thành chợ rồi cho dân thuê để trục lợi là sai hoàn toàn.

Thế nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi về hướng xử lý sai phạm này trong thời gian tới thì vị này khá lúng túng và chưa biết đến lúc nào mới xử lý được sai phạm này.

Được biết đây là đất 5% (quỹ đất dự phòng) thế nhưng UBND phường Kỳ Liên vẫn ký hợp đồng để cho kinh doanh, buôn bán.

Căn cứ vào một số quy định về Luật Đất đai năm 2013 thì UBND cấp xã (phường) chỉ có thẩm quyền cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã và chỉ được phép cho thuê vào mục đích nông nghiệp (nhóm đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai và mục đích sử dụng thuê đất phải phù hợp với loại đất). Việc cho thuê các loại đất khác thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện hoặc của UBND cấp tỉnh.

Vậy vị Chủ tịch UBND phường Kỳ Liên Trần Xuân Hòa không hiểu luật hay cố tình bao che, tiếp tay cho ông Trần Hữu Khánh xây dựng chợ cóc để trục lợi suốt thời gian dài?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Xuân Sinh