Bài 1:
Hà Nội: TAND Tối cao ra phán quyết, bản án vẫn bị "xếp xó" từ chối thực thi!
(Dân trí) - Ngày 4/5/2016, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã chính thức tuyên công nhận giao dịch mua bán đất giữa anh Lê Văn Tuấn, trú tại nhà A4, phường Cầu Diễn - Nam Từ Liêm (Hà Nội) với vợ chồng cụ Tính là có hiệu lực pháp luật, đồng thời anh Tuấn được lấy sổ đỏ tại cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng, phán quyết của TAND Tối cao vẫn chưa thể thực hiện do một Công văn của Thanh tra Chính phủ ban hành!
Đơn kêu cứu khẩn cấp của anh Lê Văn Tuấn (SN 1972), trú tại Phòng 1103, nhà A4, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội gửi Báo Dân trí cho biết: “Gia đình tôi cầu cứu khẩn thiết bởi sau hơn 5 năm khổ sở, đang tan vỡ vì việc mua bán đất đang tranh chấp đến nay đã có bản án của TAND Tối cao đã có hiệu lực pháp luật, tưởng chừng thoát khỏi cảnh vỡ tan khổ sở này nhưng nay gia đình tôi lại tiếp tục tan vỡ vì một công văn ban hành sau sau bản án của Thanh tra Chính phủ”.
Anh Tuấn cho biết là nguyên đơn trong vụ án “Yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” trong đó: Cụ Khuất Thị Tính là bị đơn, các con cụ là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Vụ án đã được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm và Toà án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm.
“Vợ chồng cụ Khuất thị Tính và Trần Duy Cát có 6 người con: Trần Duy Toàn, Trần Quốc Dân, Trần Duy Thắng, Trần Thị Lợi; Trần Quốc Quang, Trần Duy Vinh. Cụ Khuất Thị Tính và cụ Trần Duy Cát là chủ sử dụng thửa đất có địa chỉ tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội, cụ thể: Thửa đất số 143, tờ bản đồ số 09, có diện tích 781m2 đứng tên người sử dụng đất là cụ Trần Duy Cát và vợ là cụ Khuất Thị Tính, được UBND huyện Từ Liêm cấp giấy chứng nhận QSDĐ số U 722963 ngày 28/11/2003. Ngày 20/01/2011, tôi đã ký Hợp đồng đặt cọc số 26.2011/HĐĐC với ông Trần Duy Vinh (cụ Trần Duy Cát và cụ Khuất Thị Tính ủy quyền cho con trai là Trần Duy Vinh được quyền thay mặt hai cụ bán mảnh đất tại Xuân Phương). Đồng thời, tôi đã chuyển toàn bộ số tiền đặt cọc cho ông Vinh. Ông Trần Duy Vinh và ông Trần DuyThắng đã bàn giao mốc giới thửa đất chuyển nhượng cho tôi và tôi đã tiến hành xây cống rãnh và tường rào bao quanh.
Bản án của TAND Cấp cao đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị "xếp xó" không được thi hành.
Trong ngày 05 và 06/4/2011, tôi đã chuyển cho gia đình cụ Tính toàn bộ số tiền theo thỏa thuận và hai bên đã ký kết Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Ngày 07/4/2011 Văn phòng công chứng A9-Nguyễn Khánh Toàn mới phát hành Hợp đồng vì lý do phải huỷ Hợp đồng ủy quyền giữa hai cụ và con trai út là ông Trần Duy Vinh (ngày 06/4/2011, Văn phòng công chứng số 1 TP Hồ Chí Minh đã tiến hành hủy hợp đồng ủy quyền giữa cụ Cát và cụ Tính với ông Trần Duy Vinh. Việc hủy hợp đồng ủy quyền này có sự làm chứng của bác sỹ BV 175).
Ngày 16/4 cụ Cát mất, vì các con của cụ bất đồng nên đã làm đơn tố cáo cụ Tính cùng em trai út Trần Duy Vinh ép cụ Cát điểm chỉ bán đất, đồng thời gửi đơn yêu cầu đề nghị UBND huyện Từ Liêm không cấp sổ đỏ cho tôi.
Tôi và cụ Tính đã nhiều lần làm đơn gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu UBND huyện Từ Liêm trả sổ đỏ cho tôi nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được. Tôi cũng đã nhiều lần làm việc với cụ Tính và các con của cụ, yêu cầu các con cụ Tính rút đơn để UBND huyện Từ Liêm giao sổ đỏ cho tôi vì lý do tôi đã giao hết tiền cho vợ chồng cụ Tính, hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng. Nếu không thực hiện được việc giao sổ đỏ cho tôi thì phải trả lại tôi toàn bộ số tiền và tôi sẽ trả lại đất.
Chính vì vậy, ngày 01/11/2012, tôi đã tiến hành khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa tôi và vợ chồng cụ Khuất Thị Tính là có hiệu lực pháp luật”, anh Tuấn nói.
Tại phiên xử sơ thẩm ngày 28/3/2014, Toà nhân dân TP Hà Nội đã tuyên công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa tôi và vợ chồng cụ Tính là có hiệu lực pháp luật.
Tại phần quyết định của bản án số 16/2014/DSST đã tuyên: Ông Lê Văn Tuấn có quyền liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp và nhận GCN QSDĐ.
Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai quận Nam Từ Liêm thay mặt giám đốc ký công văn trả lời không giao sổ đỏ cho dân bất chấp TAND Tối cao tuyên án.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ba người con của cụ Tính là ông Toàn, Dân, Quang đã kháng cáo bản án. Ngày 04/05/2016, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội một lần nữa đã đã tuyên y án bản án sơ thẩm. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 50/2016/DSPT, Hội đồng xét xử đã tuyên công nhận HĐCN quyền sử dụng đất giữa anh Tuấn và cụ vợ chồng cụ Tính là có hiệu lực pháp luật, đồng thời anh Tuấn được lấy GCN QSDĐ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bản án có hiệu lực từ ngày 04/05/2016.
Mọi việc tưởng đã giải quyết xong khi bản án của TAND Cấp cao tại Hà Nội chính thức có hiệu lực pháp luật thì hơn 10 ngày sau, Thanh tra Chính phủ lại ban hành công văn số 1064/TTCP-BTCDTW ngày 17/05/2016 để yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND quận Nam Từ Liêm tạm dừng trả sổ đỏ cho anh Tuấn cho đến khi có kết luận thanh tra.
Anh Tuấn cho biết: “Thanh tra Chính phủ đã tổ chức việc thanh tra từ tháng 10 năm 2014 cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một kết luận nào và cũng chưa biết đến bao giờ mới có kết luận. Chính vì vậy mà Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh quận Nam Từ Liêm đã không dám trả sổ đỏ cho tôi”.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, hiện sổ đỏ mảnh đất anh Lê Văn Tuấn mua đã được cấp và hiện đang được giữ tại Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Cơ quan này trả lời anh Tuấn rằng chưa thể giao cuốn sổ đỏ hợp pháp cho anh Tuấn bởi văn bản yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.
Việc bản án của TAND Tối cao đã có hiệu lực pháp luật vẫn không thể thi hành do một công văn của Thanh tra Chính phủ có đúng quy định của pháp luật hay không là câu hỏi được dư luận đang đặt ra trong vụ việc của anh Lê Văn Tuấn.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế