Tự sự 47

Hà Nội làng ta

(Dân trí) - Đã hơn mười ngày, cho đến khi tôi viết bài này, Hà Nội còn hàng chục điểm ngâm mình trong nước thối. Nguy cơ bế quan toả cảng, tai nạn chết người, màn trời chiếu đất chưa qua, người Hà Nội lại đối mặt với nguy cơ dịch bệnh.

Nhớ lại những ngày đầu ngập lụt trong trận mưa lịch sử, biết bao chuyện bi hài đến không thể tin được giữa lòng Thủ đô yêu dấu: Cảnh một chú rể cõng cô dâu lội bì bõm dưới con đường như dòng sông dâng "sóng thần" do các xe cỡ lớn đua chạy lũ, một cặp uyên ương khác phải ngồi trên xe ba gác để "cửu vạn" kéo qua phố lụt, khi xe hoa đang "sặc" nước giữa đường; cảnh xe chết máy dúi dụi dắt đi hàng trăm mét; cảnh những cuộc "du ngoạn" của hàng trăm con người bằng bè, xe trâu, thuyền thúng...; cảnh những con phố dài có hàng chục người dân quăng chài úp cá, ngay cả ở ngã tư trung tâm Quang Trung-Trần Quốc Toản... Thôi thì, đủ thứ chuyện trên đời từ ăn ở, điện nước, giá cả, chỗ đi vệ sinh... Hà Nội náo loạn cả lên. Ấy là chưa kể người ta ngăn được ý định của một nhóm thanh niên nọ mở cuộc thi bơi "Vượt Bạch Đằng" trên đường phố.

Tất nhiên là khổ, là thương Hà Nội rồi, nhưng sao thấy nó cứ buồn cười, buồn không nhịn được; mà lại nhớ, nhớ đến nôn nao những "ngày xưa" biền biệt, khi Hà Nội càng ngày càng giống cái làng ta làm sao. Ta nhớ lại thời trẻ ở làng, những cơn mưa rào nồng nàn mùa hạ; nhớ những đàn cá rô rạch qua đường, rạch cả vào sân, bao bàn chân trẻ thơ hỉ hả đi chộp cá; những bầy chép vật đẻ oằn èo, rùng rùng ven bờ cỏ, chỉ cần có một chiếc nơm là có một niềm vui hân hoan bếp núc. Nhớ những trận lụt trắng đồng, những ngôi làng ngâm mình trong lũ bão và đói rét. Tất cả cùng oà về, tái hiện giữa lòng Thủ đô, cho ta không quyên làng, cho ký ức ta được dịp về nguồn ư?

Hầu hết những con đường ra ngoại ô, ngược về làng đều bị lụt. Ngay cả đường Láng-Hoà Lạc cũng phải tăng bo bằng bè, xe trâu; đường 32 phải bắc cầu phao nhưng chỉ giải quyết được đoạn qua đập Đáy. Về Sơn Tây, lên Ba Vì, đi Tây Bắc chỉ còn duy nhất một con đường, do cụ Sơn Tinh đắp từ nguyên thuỷ chống Thuỷ Tinh trong cuộc ghen tình, đó là đường đê sông Hồng bờ hữu ngạn. Vâng, chỉ con đường duy nhất ấy, và phương pháp cổ điển từ sáng tạo của cụ Sơn Tinh, hay sáng tạo của nhân dân ấy là còn có cơ lên kinh đô của cụ, đỉnh Ba Vì mây ngàn gió lộng, cứ ung dung mà ngắm Đà giang gầm thét, trầm hùng chảy, giữa ngàn mưu sự nổi chìm của chúng dân.

Nhưng Hà Nội giống làng nhất, không phải do ngập lụt thường xuyên bây giờ hay gà lợn rủ nhau lên nhà tầng những năm bao cấp, mà cái gốc của nó là tư duy làng, làm ăn theo kiểu làng. Văn hoá làng có nhiều cái quý, nhưng còn đó những lối nghĩ, cách làm manh mún, tuỳ tiện, dễ dãi, chốc lát, bóc ngắn cắn dài, đắp đập be bờ... của cư dân nông nghiệp nhỏ và lao động cơ bắp. Bởi thế hết năm này tháng khác dân kêu cứ kêu, Quốc hội chất vấn cứ chất vấn nhưng ông lục lộ vừa làm xong lại một ông nhà đèn, nhà dây thép, nhà ống cống... bới lên và đùn ra một loạt các phiền nhiễu, làm thâm thủng hầu bao ngân khố. Tư duy ấy đặc biệt thổ lộ, không bản sắc, không tầm nhìn, không chuyên nghiệp trong kiến trúc, quy hoạch, quản lý đô thị. Thế nên bây giờ mới vỡ ra chuyện, dù có xong dự án thoát nước hơn 7.000 tỷ đồng thì, với trận mưa như vừa rồi, thậm chí bằng nửa vừa rồi, ta vẫn cứ bài ca "Em ơi Hà Lội phố...".

Có điều lại rất làng là, lỗi dù thế nào cuối cùng cũng chẳng chết ai, lỗi là lỗi cả làng, huề cả làng. Tây nó khác ta ở chỗ, một cây cầu sập, một căn nhà đổ, một chiến lược canh nông thất bại có thể bộ trưởng giao thông, bộ trưởng xây dựng, bộ trưởng nông nghiệp... phải từ chức. Vì thế Hà Nội vẫn dài dài làng ta, sang năm vẫn bì bõm phố là chuyện thường tình. Ôi, biết đến bao giờ ngàn năm Thăng Long văn hiến mới tiến lên dân tộc và hiện đại? Chỉ xin mách nước, nếu có trận lụt tương tự thì cứ ba chân bốn cẳng theo con đường Sơn Tinh mà... ngược về làng.

Trần Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm