Hà Nội: Huyện Từ Liêm “phớt lờ” chỉ đạo của Thành phố

(Dân trí)- Mặc dù UBND TP. Hà Nội đã có nhiều công văn đôn đốc, chỉ đạo UBND huyện Từ Liêm khẩn trương di dời một số hộ dân ra khỏi khuôn viên chùa Đông Ba để trả lại mặt bằng cho khuôn viên ngôi chùa này, nhưng đến nay mọi việc vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Hà Nội: Huyện Từ Liêm “phớt lờ” chỉ đạo của Thành phố - 1
Một số công văn chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội liên quan đến vụ việc trên.
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Theo hồ sơ của PV Dân trí thu thập được cho thấy, ngày 17/6/2011, Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng (GPMB) có công văn gửi UBND huyện Từ Liêm nêu rõ: Ban chỉ đạo GPMB Thành phố nhận được đơn đề nghị của Đại Đức Thích Minh Tiến, trụ trì chùa Đông Ba, xã Thượng Cát kiến nghị về việc UBND huyện Từ Liêm chậm thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án mở rộng khuôn viên chùa Đông Ba, xã Thượng Cát. Sau khi nghiên cứu, xem xét, Ban chỉ đạo GPMB Thành phố có ý kiến như sau:

Dự án mở rộng khuôn viên chùa Đông Ba thực hiện thu hồi đất, GPMB theo quyết định số 444/QĐ-UBND ngày 24/1/2008 của UBND Thành phố về việc thu hồi 1.086 m2 đất tại xã Thượng Cát; giao cho UBND huyện Từ Liêm để tổ chức di chuyển các hộ dân, trả lại khuôn viên chùa Đông Ba.

UBND huyện Từ Liêm đã triển khai thực hiện công tác GPMB dự án theo quy định; ngày 25/9/2009, UBND huyện Từ Liêm đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 2/2 hộ dân tại dự án.

Tuy nhiên, đến nay các hộ chưa chấp thuận nhận tiền, bàn giao mặt bằng; UBND huyện Từ Liêm chậm giải quyết dứt điểm các nội dung tồn tại trong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất của hai hộ dân này để bàn giao cho chùa Đông Ba.

Chùa Đông Ba là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng. Để bảo vệ, tôn tạo di tích Chùa Đông Ba, Ban chỉ đạo GPMB Thành phố đề nghị UBND huyện Từ Liêm quan tâm, chỉ đạo Hội đồng GPMB huyện và các phòng ban liên quan, UBND xã Thượng Cát khẩn trương giải quyết dứt điểm các nội dung công việc còn tồn tại liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, sớm bàn giao mặt bằng cho chùa Đông Ba.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đề nghị UBND huyện Từ Liêm chủ động  báo cáo Thành phố xem xét, giải quyết.

Mặc dù công văn của Ban chỉ đạo GPMB Thành phố đã rõ ràng là vậy, nhưng việc thực hiện các nội dung trên của UBND huyện Từ Liêm rất “lúng túng” khiến công việc bị đình trệ.

Trước thực trạng này, ngày 15/8/2011, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký công văn số 6746/UBND-TNMT gửi Ban chỉ đạo GPMB Thành phố nêu rõ: Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam có công văn số 82/CV-HĐTS ngày 2/8/2011 phản ánh về việc chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đất tại xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm để trả lại khuôn viên chùa Đông Ba.

Về việc này, Ủy ban nhân dân Thành phố giao Ban chỉ đạo GPMB Thành phố kiểm tra cụ thể, đôn đốc UBND huyện Từ Liêm thực hiện những nội dung theo thẩm quyền, tổng hợp, báo cáo kết quả về Hội đồng trị sự Giáo Hội phật giáo Việt Nam và UBND TP. Hà Nội

Như vậy, liên tiếp có nhiều công văn của UBND TP. Hà Nội, Ban chỉ đạo GPMB gửi UBND huyện Từ Liêm đôn đốc cơ quan này thực hiện việc GPMB các hộ dân nằm trong khuôn viên chùa Đông Ba, xã Thượng Cát, nhưng đến nay nhiệm vụ này vẫn chưa được UBND huyện Từ Liêm thực hiện dứt điểm. Một di tích lịch sử Quốc gia vẫn từng ngày mong ngóng việc “ra tay” của UBND huyện Từ Liêm trong việc GPMB, trả lại khuôn viên ngôi chùa như vốn có trong lịch sử.
 

Chùa Đông Ba thuộc xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội vào khoảng gần 20km về phía tây bắc. Chùa nằm gần sát đê sông Hồng.

Chùa Sùng Ân còn gọi là chùa Đông Ba. Ở đây còn sót lại một số viên gạch thế kỷ 16 cho phép khẳng định chùa đã có lịch sử lâu đời. Theo tấm bia “Hậu Phật bi kí” ở chùa cho biết vào năm Bảo Thái 10 (1729), chùa Sùng Ân được mở rộng tam bảo, năm sau sửa chữa thêm gác chuông, tô tượng cũ và làm thêm tượng mới những dấu ấn của những lần trùng tu này không còn bao nhiêu. Chùa Sùng Ân được xây dựng sát đình. Chùa có mặt bằng chữ công gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Nhìn chung kiến trúc không có gì đặc biệt ngoài những mảng chạm hỏ phù trên các cốn mê của nhà thiêu hương. Hệ thống tượng pháp với bộ Tam thế, Di Đà Tam Tôn, Quan Âm Tống Tử, Thiện, Ác, Thập Điện Diêm Vương, Đức Ông, Thánh Tăng, tượng Mẫu, gồm 33 pho và một bức phù điêu đá tạc người có công đóng góp sửa chùa ở thế kỷ 17, là những tác phẩm nghệ thuật đẹp. Chùa còn 2 quả chuông đồng thời Lê và 14 tấm bia đá, 2 tấm có niên hiệu Bảo Thái và Vĩnh Khánh (1729 và 1773).

Chùa Đông Ba ngoài giá trị lịch sử còn có sưu tập nghệ thuật quý cần được bảo vệ. Chùa đã được Bộ Văn hóa và thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 22/4/1992.

Vũ Văn Tiến