Hà Nội: Cơ quan chức năng còn đang điều tra, tài sản người dân đã bị đập tan tành
(Dân trí) - Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của ông Trần Danh Đính (SN 1951), trú tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội cho rằng bị nhiều người trong dòng họ đến nhà ngang nhiên huỷ hoại tài sản. Trong khi lãnh đạo địa phương cho biết Công an huyện Hoài Đức và VKSND huyện Hoài Đức đang điều tra thì ngôi nhà thờ tiếp tục bị đập phá tan tành.
Báo Dân trí tiếp tục nhận được Đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Trần Danh Đính cho biết: Sau nhiều lần đến nhà ông huỷ hoại tài sản, gần đây nhất, sáng ngày 06 tháng 5 năm 2017, một nhóm người đã đến đập phá xong toàn bộ ngôi nhà thờ của gia đình ông.
“Khi sự việc xảy ra, tôi đã báo với chính quyền địa phương, công an địa phương, công an huyện Hoài Đức . Tuy nhiên hành vi hủy hoại tài sản của nhóm người trên đã không được ngăn cản.
Hậu quả sau 1 buổi sáng, ngôi nhà thờ bị phá hủy hoàn toàn. Đặc biệt, sau khi xâm phạm trái phép nơi ở của gia đình tôi, nhóm người này có hành vi dùng một tấm gỗ lớn (là mặt bàn thờ của gia đình tôi), gạch xếp thành hàng đống để chặn hoàn toàn lối đi từ khu nhà ở của gia đình đến khu công trình phụ (gồm bếp, nhà vệ sinh) và ép gia đình tôi bắt buộc phải rời khỏi nhà nơi gia đình tôi đã sinh sống yên ổn từ năm 1977 đến nay.
Đơn kêu cứu khẩn cấp ông Trần Danh Đính gửi Báo Dân trí và chính quyền các cấp huyện Hoài Đức.
Gia đình tôi liên tục gặp chính quyền địa phương xã Yên Sở để cầu cứu chính quyền có biện pháp giúp đỡ gia đình. Đến chiều ngày 8/5/2017, chính quyền xã, công an huyện Hoài Đức, công an xã Yên Sở có đến gia đình tôi với mục đích để tháo dỡ tấm gỗ ngăn cách giữa khu nhà ở của gia đình với khu công trình phụ, tuy nhiên nhóm người trong họ Trần Danh không đồng ý cho dỡ. Công an và chính quyền chỉ lập biên bản ghi nhận nội dung sự việc trên và không có biện pháp gì khác để xử lý sự việc giúp gia đình chúng tôi.
Sau khi chính quyền và công an ra về, nhóm người này còn đến nhà tôi và yêu cầu gia đình tôi phải dọn toàn bộ đồ đạc để ngày chủ nhật 14/5/2017 ( tức ngày 19 tháng 4 âm lịch) họ tiến hành đập phá công trình phụ và dãy nhà nơi gia đình tôi đang sinh sống và quản lý. Hiện nay gia đình tôi vô cùng hoang mang và lo sợ trước những hành động hết sức ngông cuồng và vi phạm pháp luật của nhóm người trên”, đơn kêu cứu cho biết.
Về nguồn gốc của mảnh đất và tài sản của gia đình, ông Đính cho biết: Năm 1977, vợ chồng tôi được cha tôi là cụ Trần Danh Đễ để lại cho mảnh đất thổ cư 352m2 có địa chỉ ở thôn 3, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, trên mảnh đất có 3 gian nhà thờ bằng gạch ngói và 4 gian nhà tranh. Do 4 gian nhà tranh dột nát nên ngay sau khi nhận từ cha, vợ chồng tôi phải xây dựng mới 4 gian nhà cấp 4 gạch ngói để ở.
Đây là tài sản riêng của gia đình chúng tôi, quản lý, xây dựng, gia đình tôi nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ theo qui định của nhà nước về việc nộp thuế đất ở nông thôn, hàng năm gia đình chúng tôi vẫn nhận được giấy thông báo về việc nộp thế đất (số tiền phải đóng hàng năm theo qui định là 227.000 đ/năm) và gia đình tôi đã đóng đầy đủ khoảng tiền thuế theo qui định của nhà nước sinh sống ổn định lâu dài từ đó đến nay.
Ngôi nhà thờ bị huỷ hoại hoàn toàn trong khi người dân đang kêu cứu đến các cơ quan chức năng.
Nơi sinh hoạt của người dân còn bị rào chắn, chia cắt.
Từ năm 2008 đến nay, một số người họ Trần Danh xã Yên Sở đã kiện gia đình tôi tranh chấp về việc đòi lại quyền sử dụng diện tích đất và ngôi nhà thờ trên thửa đất tôi đang sử dụng. Vụ việc trên được quyết định bằng Công văn số 1234/2010/CV/TA của Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức ngày 30/8/2010 với nội dung không nhận đơn khởi kiện lý do không chứng minh được tư cách hợp pháp và không có tài liệu chứng minh đất và nhà thờ Cụ Trần Danh Tiêu là của họ Trần. Một lần nữa tôi khẳng định rằng diện tích đất trên thuộc quyền sở hữu của gia đình tôi. Theo quy định của pháp luật thì quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay”.
Trước đó, làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Đình Khoa - Chủ tịch UBND xã Yên Sở cho biết: Khi nhận được thông tin trình báo về việc bị xâm phạm và huỷ hoại tài sản của gia đình ông Đính, UBND xã đã cử lực lượng xuống lập biên bản, ngăn chặn nhiều lần. Hiện sự việc đang được Công an huyện Hoài Đức và VKSND huyện Hoài Đức vào cuộc điều tra.
Ngày 6/5, khi tiếp nhận nội dung kêu cứu của gia đình ông Đính về việc một nhóm người tiếp đến huỷ hoại ngôi nhà thờ, PV Dân trí đã liên hệ trao đổi với ông Nguyễn Đình Khoa. Ông Khoa cho biết đã tiếp nhận thông tin, đang cử cán bộ xuống hiện trường và sự việc vẫn đang được cơ quan công an điều tra.
Tuy nhiên, trong khi các cơ quan chức năng xã Yên Sở và huyện Hoài Đức đang vào cuộc thì hiện trạng thực tế thì ngôi nhà thờ đã bị đập phá tan tành.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Văn Thiệp - Văn phòng luật sư Toàn Cầu (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Việc một số người có hành vi đập phá tài sản là Nhà ở, công trình xây dựng, vật kiến trúc là tài sản hợp pháp của gia đình ông Trần Danh Đính là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quan hệ sở hữu mà pháp luật bảo vệ.
Tất cả những người đập phá, hủy hoại tài sản đó không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh những tài sản mà họ đập phá thuộc quyền sở hữu của họ, do vậy việc họ cố ý hủy hoại tài sản của người khác là vi phạm pháp luật hình sự. Nếu như những người đập phá, hủy hoại tài sản có căn cứ chứng minh rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại thì có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết, khi có Quyết định, Bản án có hiệu lực của Tòa án thi khi đó họ mới có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án giao lại tài sản cho họ. Việc các cơ quan có thẩm quyền huyện Hoài Đức đã không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hành vi hủy hoại tài sản của nhóm người đã thực hiện hành vi là thể hiện sự thiếu trách nhiệm hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế