Hà Nội cái gì cũng thoát, trừ… nước

(Dân trí) - Biết là miệng mình than thì tai mình nghe, nhưng đứng giữa hồ nước trên đường Nguyễn Thái Học do trận mưa hôm thứ hai (8/8) vừa rồi thì không thể không kêu. Điệp khúc “Hà Lội” lại được vang lên hoành tráng hơn.

Đã có không biết bao lần sau mỗi trận ngập lụt do mưa, bão người dân Thủ đô lại được an ủi bằng các dự án thoát nước tiền tỷ, những viễn cảnh đầy màu hồng. Vậy nhưng, cho đến thời điểm này hình ảnh quen thuộc của Thủ đô - người dân như “bơi” giữa đường mỗi lúc mưa to vẫn hiện hữu.

 

Bức xúc trước cảnh mưa đến là ngập, nhiều độc giả đồng loạt lên tiếng:

 
Mạnh Dũng - Nam - 35 tuổi - Từ Hà Nội than thở: “Từ hồi 1978, 1979 gì đấy mình ở khu Tứ Liên ngoài bãi còn nhớ là Hà Nội có mấy lần lụt vỡ đê kinh hồn. Nhưng đó là do vỡ đê, mưa có lẽ còn to hơn bây giờ nhiều, thế mà chẳng bao giờ thấy ngập trong phố cả, thế mới hay. Bây giờ mưa to, mưa nhỏ đều ngập cả, chẳng hiểu thế nào mà cứ nghe dự báo thời tiết có mưa là tính ngay đến việc di dép lê đi làm, ác mộng. Vừa rồi nghe lãnh đạo các cấp hứa với dân sẽ không có ngập, mình vui quá. Thế rồi qua trận mưa vừa rồi thấy ngay các bác hứa có đúng hay không, mất lòng tin quá!”

 

Thủ đô càng phát triển thì các đường phố lại càng bị ngập sâu hơn trong nước, Lê Giảng - Nam - 51 tuổi - Từ Hà Nội đưa ra kết quả kiểm chứng ngày càng... thụt lùi:

 

“Nhà tôi ở ngõ 27 Cát Linh, Hà "lội". Năm 2001 mưa to (100 mm) 3 giờ, trong nhà ngập 80 cm. Năm 2008 mưa to (80mm) 2 giờ, trong nhà, ngoài ngõ ngập 1m. Sau khi cống hóa Hào Nam, Cát Linh xong năm 2010, mưa 80mm trong 1 giờ, nước ngập... qua cửa sổ! Chán quá chả buồn đo nữa. Xin các bác dự đoán dùm trận mưa hôm nọ ngập sâu bao nhiêu? Năm 2020 liệu có thành ...cái ga cống không?”

 

Bức xúc trước nhiều tai nạn xảy ra chỉ vì ngập lụt, Đức - Nam - 22 tuổi - Từ Hà Nội cho rằng có lẽ cần phải nghĩ đến phương án "làm bản đồ cảnh báo nguy hiểm" cho người dân:

 

“Theo mình thì Hà Nội nên làm bản đồ rõ hơn nữa, ít ra cũng phải chỉ cho người dân biết chỗ nào có ổ gà, chỗ nào có hố sâu. Nếu không vào mùa mưa như thế này, các con đường ở Hà Nội lại ngập người dân biết đâu mà lần. Lỡ chân cái là... chết trôi như chơi”.

 

Dù thông cảm cùng với những khó khăn mà các cơ quan đảm nhận dự án thoát nước phải đối mặt, nhưng  Lê Phương Nam - Nam - 18 tuổi - Từ Thái Nguyên vẫn phải đặt câu hỏi:

 

“Vẫn biết chuyện không thể một sớm một chiều,  nhưng trong khoảng thời gian từ giờ tới đó, vừa khắc phục vừa cải tạo chẳng lẽ không khá hơn được hay sao? Hay tới năm 2020 mới chính thức "đưa vào sử dụng" để rồi lại lo "khắc phục công trình". Rồi bàn tới bàn lui, lại tiếp tục những lần hứa hẹn nữa? Làm luôn đi, mỗi người một việc, nhanh nhanh cái, không nên bàn bạc nhiều. Cái gì càng đơn giản càng dễ làm, chứ cứ cầu kì quá, quy mô tầm nhìn đến năm này năm nọ sợ kham không nổi đâu...”
 
Hà Nội cái gì cũng thoát, trừ… nước - 1

Dòng phương tiện mò mẫm qua biển nước trên phố Nguyễn Thái Học hôm 8/8 vừa qua.

 

Trần trung - Nam - 7 tuổi - Từ Vĩnh Phúc ngao ngán với “điệp khúc hứa”:

 

“Hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều. Đã bao nhiêu lời hứa rồi mà có lời hứa nào thành hiện thực đâu, những con đường đau khổ vẫn còn nguyên đó, những tệ nạn vẫn còn nguyên đó. Có lẽ hứa là để cho có lời hứa thôi mà!”

 

Hiep - Nam - 33 tuổi - Từ Hà Nội hài hước: “Hà nội sẽ hết lụt nếu trời không mưa. Với quy hoạch manh mún, hệ thống thoát nước chắp vá và tầm nhìn giải quyết ngắn hạn như hiện tại, thì e rằng đến đời con cháu thì cái tên thủ đô vẫn sẽ được gọi là... Hà lội”

 

Bi quan trước tính khả năng khả thi của dự án thoát nước Thủ đô, Kieu Anh - Nữ - 27 tuổi - Từ Hà Nội viết:

 

“Nếu một ngày, Hà Nội không còn ngập sau những trận mưa, liệu mình có nhớ nó không nhỉ? Sau mỗi trận mưa, dù lớn, dù nhỏ, chúng ta vẫn được ngắm những...cái ao giữa lòng HN - một nét "rất riêng" của thủ đô, trái tim của cả nước. Nên câu hỏi "Bao giờ Hà Nội hết lụt" theo tôi nên trả lời "Đến khi Hà Nội mình... không còn là Hà Nội nữa". Có thể hơi bi quan nhưng hình như nó vẫn là sự thật”.

 

Trước “căn bệnh nan y” vẫn chưa tìm ra phương thuốc đặc trị, không ít độc giả cùng phân tích và đưa ra các đề xuất có thể giúp gỡ rối cho "bài toán" khó - chống ngập lụt này:

 

Vũ Quang Trung - Nam - 31 tuổi - Từ Ninh Bình nêu:

 

“Mình cũng trong ngành xây dựng, đọc bài báo này mình biết tác giả không phải là người trong ngành. Thực sự mà nói, chuyện úng ngập nước liên quan đến rất nhiều bài toán: quy hoạch, xây dựng các hệ thống cống thoát, chất lượng của hệ thống này... chứ không phải chỉ mấy bác cấp thoát nước. Mình không hiểu tại sao việc này thuộc trách nhiệm của nhiều người, nhiều đơn vị mà bao nhiêu năm nay không giải quyết được? Khi chưa có biện pháp nào triệt để thì tại sao không làm tạm mấy cái máy bơm nước ở các điểm đầu kênh thoát nước?

 

Tương tự, Phạm Văn Phương - Nam - 32 tuổi - Từ Hà Nội chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của 1 SV ngành cấp thoát nước, trường Đại học Xây dựng:

 

“Tôi cũng mơ về HN không bị lụt, ngập và tắc đường, yên ả và thanh bình . Cũng mong có cỗ máy thời gian để quay lại quá khứ xem HN có ngập như thế này mỗi khi có mưa không?.

 

Nhưng bạn ơi, tôi là SV của trường ĐH Xây dựng ngành cấp thoát nước đây, để không úng ngập mà như bạn nói là người ta có tính toán cả đấy bạn ạ. Nếu để so sánh với trước đây về mức độ bê tông hóa, sức chứa của các hồ, kênh, sông, mương thì thoát nước của HN đã quá tải do tăng dân số quá nhanh, đến mức không mưa còn ùn tắc. Ao hồ bị lấp, thu hẹp do lấn chiếm. Muốn thi công đặt cống trên phố thôi thì không có quĩ đất, ngăn đường thì ùn tắc.

 

Bạn có biết không, nếu không có các điều kiện trên thì việc ngập là đương nhiên, mặc dù các sông chính như bạn thấy đấy: mực nước thấp, trơ cả đáy lên. Nhưng do nước thu vào các ga cống trên mặt đường thì bị lấp, che đậy.. nên nước dềnh lên và gây ngập cả phố (đấy là điều kiện chủ quan). Còn với trận mưa có cường độ từ 70 đến 90mm/giờ như mấy trận mưa vừa qua thì ngay cả Bắc Kinh, Hàn Quốc, Nhật bản... đều bị ngập chứ không phải chỉ riêng ta. Nhưng do không phải lúc nào mật độ tham gia giao thông của họ cũng như chúng ta, nên tính chất ngập của chúng ta xem ra có vẻ nghiêm trọng hơn.

 

Bạn cũng biết vừa rồi Hàn Quốc bị trận mưa lịch sử là 460mm trong 3 ngày mà thảm họa như thế nào, để so sánh với HN trận mưa 600mm thì HN chúng ta còn làm tốt hơn nhiều bạn ạ. Có thể ý kiến của tôi sẽ làm cho các phản hồi khác hiểu sai ý, nhưng tôi cũng là một công dân HN, bị ảnh hưởng của ngập lụt, cũng mong muốn HN năm 2020 hết ngập trong phạm vi nào và cường độ trận mưa nào mà thôi. Xin cám ơn báo Dân trí”.

 

Vu Quang huy - Nam - 37 tuổi - Từ Hà Nội cho rằng ý thức của người dân cũng là nguyên nhân không nhỏ gây nên tình trạng ngập úng này:

 

“Liên quan đến tình trạng ngập úng ở Hà Nội, cá nhân tôi có một vài ý kiến sau: Chúng ta không nên đổi lỗi toàn bộ cho những người làm công tác thoát nước ở Hà Nội. Không biết đã bao giờ chúng ta tự hỏi trách nhiệm của từng cá nhân chúng ta như thế nào chưa? Vứt rác bừa bãi, xây dựng bừa bãi, vứt phế thải bừa bãi,... làm tắc hết hệ thống cống thoát. Tôi nghĩ, nếu chỉ với nỗ lực của những người làm công tác thoát nước không thôi thì chắc chắn Hà Nội sẽ... mãi mãi ngập sau những cơn mưa lớn”.

 

Đồng quan điểm, Vũ: thiennhana2@yahoo.com nhận định:

 

“Mưa to thì ngập là dĩ nhiên. Nếu sau vài tiếng hết mưa mà vẫn ngập nặng thì mới đáng phải bàn. Tại nhiều nước, họ thiết kế hệ thống cống thoát nước mưa riêng với nước thải, chứ đâu có như mình gộp cả 2 làm 1,  nên việc rác thải ứ đọng cản trở thoát nước mưa là lẽ đương nhiên”.

 

Dẫu biết rằng có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến không thể giải quyết ngay được tình trạng ngập úng của Thủ đô, nhưng người dân vẫn hi vọng về một tương lai sáng sủa hơn trong lĩnh vực này cho Hà Nội.

 

“Dù buồn lắm vì Hà Nội ngập nước thì cháu vẫn thấy rất ngộ nghĩnh. Những chú nhân viên công ty thoát nước lại là CSGT, người dân đắp đê... trước cửa nhà, những con đường trở thành sông và người đi đường thì trở thành những chiến sĩ băng sông dũng cảm... Nói vui thế, chứ cháu mong một ngày Hà Nội sẽ không còn lụt nữa, để cháu về không phải lội nước mới vào được nhà...” - Hải Ly: Castor_96@yahoo.com.vn  

 

  

Trần Bách