Bài 3:

Hà Nội: Bộ TN&MT tiếp tục đề nghị TP Hà Nội làm rõ khiếu nại của người dân!

(Dân trí) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Thanh tra Bộ TN&MT đã tiếp tục có công văn gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc yêu cầu xử lý đơn của các hộ dân trú tại thôn Dậu 1, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Tp.Hà Nội. Trong thời gian này, UBND huyện Hoài Đức vẫn tiếp tục ra thông báo tổ chức cưỡng chế đất của các hộ dân nơi đây.

Ngày 07/12, Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường tiếp tục ban hành công văn số 946/TTr-TDXLĐT gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc yêu cầu xử lý đơn của công dân.

Công văn cho biết: “Tại buổi tiếp công dân định kỳ ngày 30/11/2017, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã tiếp và nhận đơn của ông Nguyễn Trọng Hùng và một số hộ dân thôn Dậu 1, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức khiếu nại việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất của các hộ.

Theo công dân trình bày, diện tích đất các hộ khiếu nại có nguồn gốc do ông cha để lại từ nhiều đời nay, có hộ đã xây dựng nhà ở, có trường hợp trước đấy do làm đường đã chia thành 02 thửa (thửa có nhà và thửa vườn, ao). Ngày 07/7/2008, UNND tỉnh Hà Tây (cũ) có Quyết định số 2094/QĐ-UBND thu hồi 160.985,6m2 đất 02 lúa, đất giao thông, thủy lợi nội đồng và đất nghĩa trang, nghĩa địa, giao cho UBND huyện Hoài Đức thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ, để giao cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp thuộc dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch.


Thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng, Thanh tra Bộ TN&MT đã tiếp tục gửi công văn yêu cầu UBND TP.Hà Nội chỉ đạo xem xét, giải quyết khiếu kiện của công dân tại huyện Hoài Đức.

Thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng, Thanh tra Bộ TN&MT đã tiếp tục gửi công văn yêu cầu UBND TP.Hà Nội chỉ đạo xem xét, giải quyết khiếu kiện của công dân tại huyện Hoài Đức.

Thực hiện các quyết định nêu trên, UBND huyện Hoài Đức đã thu hồi đất nông nghiệp của các hộ và bồi thường theo quy định (đã xong năm 2009, các hộ không khiếu nại về việc này). Tuy nhiên, năm 2014 UBND huyện Hoài Đức tiếp tục ban hành quyết định thu hồi diện tích đất của các hộ đang sử dụng nêu trên (các hộ không được nhận bản chính quyết định thu hồi đất, sau khi các hộ khiếu nại mới được giao bản sao quyết định).

Các hộ khiếu nại việc thu hồi đất của UBND huyện Hoài Đức, đồng thời yêu cầu cung cấp bản đồ kèm theo quyết định thu hồi đất, mốc giới bàn giao trên thực địa để xác định đất của các hộ nằm trong hay ngoài quyết định thu hồi năm 2008 của UBND tỉnh Hà Tây nhưng chưa được giải quyết.

Ngày 04/12/2017, ông Nguyễn Trọng Hùng có đơn gửi Bộ TN&MT đề nghị dừng tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo Thông báo số 3822/TB-UBND ngày 04/12/2017 của UBND huyện Hoài Đức đến khi có kết luận giải quyết của cơ quan có thẩm quyền vì hiện nay dự án còn nhiều diện tích chưa được sử dụng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Thanh tra Bộ TN&MT chuyển đơn và đề nghị quý Ủy ban chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật…”.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, ngày 30/10, Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường đã có công văn số 811/TTr-TDXLĐT gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Theo đó, Bộ TN&MT cho biết nhận được đơn của một số công dân trú tại thôn Dậu 1, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, khiếu nại liên quan đến việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất của các hộ đang sử dụng tại địa chỉ nêu trên.

Ngày 8/9, Phóng viên Dân trí đã có buổi làm việc với ông Kiều Duy Tập, PGĐ Trung tâm phát triển quỹ đất, là cơ quan trực tiếp tham mưu với UBND huyện trong quá trình giải phóng mặt bằng và ông Cao Văn Tâm, Phó Chánh thanh tra, là cơ quan tham mưu trong việc giải quyết khiếu nại ở Ao Đấu và ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Di Trạch. Tại buổi làm việc, ông Cao Văn Tâm cho biết: "Căn cứ pháp lý liên quan đến quá trình thu hồi đất tại khu vực Ao Đấu 1, xã Di Trạch mà các hộ dân đang khiếu nại: UBND huyện Hoài Đức căn cứ vào quyết định 2094/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành ngày 07/7/2008, trong đó thu hồi 160,985,6m2 đất trên địa bàn xã Di Trạch, vị trí ranh giới thu hồi đất được thực hiện trên bản đồ 1/2000 do Sở TNMT ký ngày 3/3/2008.

Về loại đất, trong vị trí ranh giới thu hồi theo bản đồ 1/2000 của Sở TNMT, xác định chỗ đất đó là đất nông nghiệp và bản thân hồ sơ sổ sách tại xã lưu trữ cũng thể hiện tới thời điểm này đó là đất nông nghiệp;

Phó Chánh thanh tra huyện Hoài Đức khẳng định, trong công văn chỉ nêu thu hồi đất 2 lúa, không có đất nông nghiệp nhưng đất 2 lúa cũng là đất nông nghiệp, đất giao thông thủy lợi nội đồng cũng là đất để phục vụ nông nghiệp. Tên là Ao Đấu cũng thể hiện 1 điều đó là đất ao, người dân bảo đó là đất ở nhưng hồ sơ của chúng tôi trong quá trình xác minh ở xã lưu trữ vẫn thể hiện là đất nông nghiệp".


Trích lục bản đồ địa chính khu đất dịch vụ Kim Chung - Di Trạch. Tờ số 33, tỷ lệ 1/500 do Trung tâm kỹ thuật TNMT (Hà Tây) đo vẽ tháng 11/2005) do Sở Tài nguyên và môi trường (Hà Tây) duyệt ngày 10/10/2006. UBND huyện Hoài Đức và UBND xã Di Trạch dùng để làm một trong những căn cứ thu hồi đất của các hộ dân.

Trích lục bản đồ địa chính khu đất dịch vụ Kim Chung - Di Trạch. Tờ số 33, tỷ lệ 1/500 do Trung tâm kỹ thuật TNMT (Hà Tây) đo vẽ tháng 11/2005) do Sở Tài nguyên và môi trường (Hà Tây) duyệt ngày 10/10/2006. UBND huyện Hoài Đức và UBND xã Di Trạch dùng để làm một trong những căn cứ thu hồi đất của các hộ dân.

Lý giải về việc tại sao trong quyết định 2094QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây cũ chỉ ghi loại đất bị thu hồi là đất 2 lúa, đất giao thông, thủy lợi nội đồng, đất nghĩa trang nghĩa địa trong khi đất của các hộ mà xã cho là đất nông nghiệp lại nằm trong diện bị thu hồi, ông Phạm Văn Mạnh - Chủ tịch UBND xã Di Trạch cho biết: "UBND tỉnh Hà Tây (cũ) chỉ ban hành quy định chung không thể cụ thể hóa chi tiết từng loại đất đến từng hộ gia đình trên công văn mà khi ban hành quyết định thu hồi về từng hộ mới cụ thể hóa thu hồi loại đất gì. Người dân quan niệm, cứ đất cha ông để lại phải là đất ở là điều không đúng vì đó là loại đất gì phải xem xét yếu tố quy hoạch sử dụng đất, đến hiện trạng và quá trình sự dụng đất. Tại đây, đất của một số hộ do cha ông để lại là đất ao nhưng lại nằm trong quy hoạch đất nông nghiệp thì vẫn là đất nông nghiệp. Qua xác minh nguồn gốc đất qua các thời kỳ, căn cứ vào ý kiến của các đồng chí cán bộ tại các thời điểm từ trước đây đều cho rằng đất của các hộ này có thời điểm đã vào Hợp tác xã thì tất nhiên phải là đất nông nghiệp - nhưng kể cả chưa vào Hợp tác xã thì cũng nằm trong quy hoạch đất nông nghiệp! Sở dĩ quyết định ban hành năm 2008 nhưng đến năm 2014 xã mới thông báo đến các hộ về việc thu hồi đất vì phải thực hiện kê khai kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất mới có thể ban hành quyết định được.

Chủ tịch UBND xã Di Trạch khẳng định đất của các hộ dân đang có khiếu nại nằm trong ranh giới bị thu hồi và một trong những căn cứ để thu hồi đất của các hộ là theo bản đồ tỷ lệ 1/500, chỉ ra từng thửa đất trên dự án cần thu hồi!

Tuy nhiên, quyết định cưỡng chế thu hồi đất của huyện Hoài Đức đang bị người dân phản đối kịch liệt. Cùng đó, Bộ TN&MT cũng đã liên tiếp có công văn đề nghị làm rõ.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Ngọc Hân