Hà Nam: Dân bức xúc vì xã cưỡng chế không đúng quy trình
(Dân trí) - Biết người dân dựng cột bê tông tại ruộng là trái phép, chính quyền xã Hưng Công, huyện Bình Lục lập tức cưỡng chế không đúng quy trình, không thông báo cho họ biết, khiến người dân bị thiệt hại về kinh tế.
Theo đơn trình bày của anh Trần Thái Nam, người dân thôn Đòng, xã Hưng Công, huyện Bình Lục cho biết, vào ngày 5/10, do nhu cầu phát triển kinh tế, anh Nam đã vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng các cột bê tông dựng trên thửa ruộng anh đang canh tác ở cánh đồng đất bãi, thuộc thôn Thưa cũng thuộc xã Hưng Công. Từ ngày 5/10/2014, anh thuê thợ đổ cột bê tông ngay tại chân ruộng, đến ngày 17 cùng tháng thì thợ dựng cột, tổng cộng khoảng 50 cột. Anh Nam cũng cho biết, trước khi làm, anh đã đến nhà thông báo cho bà Trần Thị San, trưởng thôn.
Sau đó, vào lúc 2h chiều ngày 1/1/2015, chính quyền xã Hưng Công, bao gồm đầy đủ đại diện Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể và dân quân, công an xã đã cho người đến tháo dỡ các cột bê tông và phá hàng rào gạch anh xây quanh ruộng. Anh Nam cũng cho biết, khi đoàn làm việc của xã đến, anh không hề có mặt tại ruộng. Chỉ ít phút sau, bố đẻ anh Nam khi nghe thợ thông báo mới chạy ra khu ruộng xem sự thể thế nào. Nhận được tin nhắn từ người nhà anh Nam cũng mới biết sự việc và đã có mặt tại thửa ruộng sau đó ít thời gian.
Anh Nam bức xúc cho biết: “Mặc dù tôi là người dân không hiểu biết nhiều về pháp luật, nhưng tôi hiểu rằng, trước khi tháo dỡ một công trình dù to hay nhỏ được nghi ngờ là trái phép thì người dân chúng tôi cũng biết được quy trình. Ít nhất cán bộ có thẩm quyền phải thông báo, gặp gỡ, gia đình để vận động, giải thích về pháp luật nhà nước. Gia thời hạn bao nhiêu ngày để gia đình tôi tự tháo dỡ, nếu hết thời hạn gia đình tôi không tự tháo dỡ thì các cấp chính quyền mới cưỡng chế. Đằng này đùng một cái xã cưỡng chế luôn, tôi không biết xoay như thế nào”.
Để làm rõ vấn đề trên, PV đã trao đổi với với lãnh đạo xã Hưng Công, ông Trần Đức Thành, Chủ tịch UBND xã cho biết, ngày 1/1/2015, xã nhận được tin báo của người dân về việc anh Trần Thái Nam dựng cột bê tông trên ruộng màu nên đã tổ chức cuộc họp gấp có sự tham gia của cả Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân cùng các ban ngành trong xã. Cuộc họp thống nhất sẽ áp dụng biện pháp “xử lý kịp thời” với mục đích phòng ngừa những gia đình khác làm theo và “tránh gây thiệt hại cho gia đình anh Nam vì nếu để họ xây xong sẽ tốn kém hơn cho gia đình”. Cũng theo ông Thành, mặc dù mới chỉ là dựng cột, chưa thành nhà, nhưng rõ ràng “anh Nam đã có ý định lấn tới làm trang trại để nuôi lợn vì ba hàng cột được dựng cao ở giữa, thấp ở hai bên”.
Còn bà Ngô Thị Gội, Bí thư Đảng ủy xã thì cho biết, trước đó, bà đã biết anh Nam “có ý định xây trang trại nuôi lợn” trên ruộng đất bãi trồng màu, nên đã cho mời mẹ anh Nam là bà Hoàng Thị Mão ra Đảng ủy xã làm việc vì bà Mão cũng là một Đảng viên. Trên tư cách Bí thư Đảng ủy xã, bà Gội đề nghị bà Mão về vận động, thuyết phục con mình là anh Nam từ bỏ ý định nói trên. Khi được hỏi tại sao xã không gọi chính anh Nam ra để vận động theo đúng quy trình, bà Gội đã không thể có câu trả lời thỏa đáng.
Về phía ông Thành, Chủ tịch UBND xã, khi được hỏi về quy trình, thủ tục trong việc cưỡng chế công trình xây dựng sai phạm trong lĩnh vực đất đai, ông Thành cho biết “tôi khẳng định tôi không sai”. Cũng theo ông Thành, đây không gọi là “cưỡng chế” mà là “biện pháp xử lý kịp thời”, đồng thời khẳng định việc này cũng được lãnh đạo UBND huyện Bình Lục cho là đúng đắn.
Anh Nam khẳng định: "Tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm về việc dựng số cột trên sai quy định pháp luật, nhưng tôi cũng mong các cơ quan chức năng sớm làm rõ việc cưỡng chế, tháo dỡ của UBND xã Hưng Công. Tôi cũng đã làm đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo xuống UBND huyện Bình Lục vào tháng 1/2015 về việc sớm trả lời đơn thư của tôi, nhưng gần 4 tháng nay, tôi vẫn chưa thấy cơ quan nào trong huyện trả lời thắc mắc của gia đình tôi cả".
Đức Văn