Hà Nam: Cám cảnh người dân khốn đốn mang người chết đi chôn "nhờ"

(Dân trí) - Đã hàng chục năm nay UBND xã Hưng Công, huyện Bình Lục vẫn mãi loay hoay trong việc xây dựng nghĩa trang cho người dân thông Đòng. Trong khi chờ xã, nhiều gia đình phải mang người đã khuất đến nơi khác để chôn “nhờ”, thậm chí còn làm “lén lút”.

Theo phản ánh của người dân thôn Đòng, xã Hưng Công, huyện Bình Lục cho biết, trước đây thôn Đòng có hai nghĩa trang. Đến năm 1970 hai nghĩa trang này tạm thời đóng cửa để quy hoạch xây dựng lại. Lúc này, những người mới mất vẫn được chôn cất ở nghĩa trang cũ, nhưng đến khi cải cát (bốc mả) thì phải đem đến thôn khác để “chôn nhờ”. Trong khi nghĩa trang của thôn vẫn mãi không quy hoạch, khu đất người dân “chôn nhờ” cũng đã chật chội, người dân phải tự tìm cách lo tìm đất cải cát cho người thân đã mất của mình, ngoài việc chôn ngoài ruộng, đồng không được quy hoạch, cho phép, họ còn lén lút đi chỗ khác.

Nhiều gia đình khi cải cát cho người thân phải rất vất vả tìm địa điểm chôn cất.
Nhiều gia đình khi cải cát cho người thân phải rất vất vả tìm địa điểm chôn cất.

Người dân thôn Đòng cũng đã nhiều lần làm đơn đề nghị chính quyền thôn, xã và huyện bố trí địa điểm xây nghĩa trang mới cho dân. Chính quyền xã hứa trong năm 2013 khi dồn đổi lại ruộng đất, xã sẽ bố trí nơi làm nghĩa trang mới. Nhưng từ đó đến nay, người dân vẫn phải chờ đợi, trong đó nhiều gia đình đã phải chôn cất hậu sự lén lút, đã có 6 trường hợp phải xây mộ trên cả đất ruộng.

Đã có nhiều cuộc họp, nhiều biện pháp được đưa ra, nhưng cho đến nay, người dân trong thôn Đòng vẫn chưa có đất để xây dựng khu nghĩa trang. Mặc dù đây là một xã thuần nông.

Bà Trần Thị Hậu, người dân trong thôn Đòng cho biết: “Chúng tôi rất mong xã nhanh chóng tìm nơi quy hoạch, làm nghĩa trang cho người dân. Đất nhờ thôn khác thì đã chật, họ không đồng ý cho chúng tôi chôn nhờ nữa, vì vậy mà nhiều nhà còn phải lén lút đi chôn chỗ khác. Với lại, như thế ảnh hưởng đến môi trường, quy hoạch vào một nơi người dân chúng tôi mới an tâm được”.

Không có nghĩa trang, nên người dân phải mang ra đất lúa canh tác chôn cất.
Không có nghĩa trang, nên người dân phải mang ra đất lúa canh tác chôn cất.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đức Thành, Chủ tịch xã Hưng Công cho biết, vào năm 2013 xã và thôn có kế hoạch lập khu nghĩa trang mới có diện tích khoảng 500 m2 tại khu vực Dây 1, thuộc cánh đồng thôn Đòng sau khi dồn đổi, dồn dịch ruộng đất tại cánh đồng này. Tuy nhiên, do người dân không nhất trí với phương án dồn dịch mà thôn đưa ra, nên xã đã không thể bố trí được đất để lập khu nghĩa trang mới này.

Trong khi đó, người dân cho biết, việc họ không nhất trí với phương án dồn đổi, dồn dịch của thôn đưa ra là do trong lần họp dân ông Trần Dân Vận, Bí thư thôn, đã đề nghị chỉ dồn đổi lại phần ruộng cấy lúa, còn phần đất bãi thì để nguyên không chia lại trong chủ trương dồn đổi lại ruộng đất. Vì ông Vận từ nhiều năm nay đã xây dựng một trang trại nuôi lợn thuộc phần đất bãi của thôn. Kết quả sau cuộc họp ruộng nhà ai vẫn của nhà ấy, chỉ dồn dịch vì có những nhà phải cắt một phần do quy hoạch làm thủy lợi.

Nhiều khu ruộng nằm lộn xộn với khu lăng mộ.
Nhiều khu ruộng nằm lộn xộn với khu lăng mộ.

Về vấn đề này, ông Thành khẳng định, xã không dồn đổi lại ruộng đất ở khu đất bãi là theo Nghị quyết của Huyện ủy Bình Lục. Chủ trương của huyện Bình Lục là chỉ dồn đổi lại đất cấy lúa, không dồn đổi đất bãi, đất màu... Nhưng khi phóng viên đề nghị cho biết Nghị quyết trên, hai lãnh đạo xã Hưng Công “tìm mãi nhưng không thấy”.

Tuy nhiên, theo các tài liệu liên quan đến việc dồn đổi ruộng đất ở xã Hưng Công, có giấy tờ biên nhận việc nhận tiền hỗ trợ dồn đổi ruộng đất (mỗi ha là 1 triệu đồng), trong đó có ghi nhận việc nhận tiền hỗ trợ có cả đất và cả đất ao…

Một người dân trong thôn bức xúc cho biết: “Chúng tôi ai chả muốn có nghĩa trang cho ông bà, tổ tiên an nghỉ. Nhưng làm cái gì cũng phải đúng pháp luật và quy định của Nhà nước chứ, việc dồn đổi ruộng đất có nhiều chỗ nhập nhằng quá. Hàng chục năm nay, hết đi chôn nhờ, rồi đến chôn “trộm”, chả có ai mong muốn như thế đâu!”.

Việc dồn đổi ruộng đất nhập nhằng khiến người dân không có nghĩa trang.
Việc dồn đổi ruộng đất nhập nhằng khiến người dân không có nghĩa trang.

Bà Lã Thị Cậy (73 tuổi), người dân thôn Đòng cho biết: "Tôi giờ cũng ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, chẳng biết sống chết thế nào, nhưng sợ đến cái lúc đi rồi con cháu khốn khổ vì việc lo hậu sự cho tôi. Rất mong các cấp chính quyền tạo điều kiện, giúp đỡ cho dân làng chúng tôi có khu nghĩa trang...".

Trong khi lãnh đạo xã Hưng Công đang loay hoay tìm phương án giải quyết, người dân vẫn tiếp tục “tự thân vận động”, nhiều người bức xúc nhưng họ cũng “chán” không muốn lên tiếng, kêu mãi cũng không giải quyết được việc. Họ chỉ mong có nghĩa trang để người dân chôn cất người đã khuất đúng nơi, đúng chỗ, an toàn, hợp lý, vậy mà khó quá!

Đức Văn