Góp bàn về Đạo lý người thầy

Sau khi đọc bài <a href="http://www1.dantri.com.vn/diendandantri/2008/1/213312.vip">“Đạo làm thầy”</a> của tác giả Trần Huy Thuận trên Diễn đàn Dân trí, tôi thấy đúng về mặt đạo lý nhưng chưa sát với tình hình thực tế nước ta. Chúng ta nên nhìn vấn đề một cách trực tiếp nhất, chân thật nhất để tìm cách giải quyết nó.

Tôi không được rõ tác giả viết bài này đang làm nghề gì? Nếu làm giáo viên với mức lương không đủ lo cho đời sống gia đình thì liệu có thể vui vẻ phát huy hết sức mình để giảng dạy, để giúp học sinh, sinh viên nên người được không? Nếu mình không làm được như vậy thì cũng không nên đòi hỏi hay hi vọng hàng chục vạn giáo viên hi sinh như thế để bảo vệ “Đạo làm thầy”! 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Vấn đề mấu chốt ở đây là phải nâng cao lương giáo viên đi đôi với nâng cao chất lượng người thầy. Đã có nhiều ý phân tích rất hay của giáo sư Hoàng Tụy mà các bạn cũng biết rồi. Về mặt cá nhân tôi muốn được đóng góp một số ý kiến:

 

* Theo tôi nghĩ, bộ máy gián tiếp trong ngành giáo dục còn lớn quá, từ các phòng ban các cấp ở trường, ở huyện, tỉnh, lên đến Bộ Giáo dục... quá nhiều. Cái này cũng là tình trạng chung của bộ máy nhà nước chúng ta. Hãy tổ chức lại gọn nhẹ và nâng cao hiệu suất làm việc, cương quyết loại bỏ những người ở những vị trí không cần thiết để giảm số người “ăn cùng 1 cái bánh”, như vậy mỗi phần ăn sẽ to lên. Bị tinh giản thì thất nghiệp sao? Phần lớn cán bộ trong ngành đều có bằng Cao đẳng, ĐH, Thạc sỹ... nên không phải lo điều này.

 

* Cần quản lý chi ngân sách giáo dục chặt chẽ hơn. Việc đầu tư xây dựng trường sở cũng như mua sắm trang bị thiết bị giảng dạy, ai cũng biết bị cắt xén thế nào, chất lượng ra sao, đôi lúc nó còn không phù hợp với nhu cầu. Điều đó gây lãng phí rất nhiều.

 

* Cần xác định và truyền bá những mẫu giáo viên dạy giỏi, những phương pháp dạy học có hiệu quả cao, phát huy được tính chủ động sáng tạo của học sinh. Đúc kết tất cả những kinh nghiệm đó phổ biến đến tất cả các giáo viên bằng phương tiện của công nghê thông tin đã khá phổ biến ở nước ta.

 

Bộ Giáo dục nên mời một số thầy cô, được cho là có phương pháp dạy hay, thu hình bài giảng mẫu có kém theo lời phân tích rồi đưa lên mạng cho giáo viên tham khảo. Chỉ nói chung chung phải nâng cao chất lượng dạy và học thì không có kết quả. Giáo viên cũng từng là học sinh, nếu họ không có cơ hội được học tập những giáo viên chuẩn mực thì sau này cũng khó trở thành giáo viên chuẩn được.

 

* Đối với các trường Đại học, Cao đẳng, nên đẩy mạnh việc hợp tác đào tạo cũng như nghiên cứu với các doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước. Điều đó vừa thu hút được vốn trang bị phòng thí nghiệm, vừa tạo cơ hội tiếp thu được kiến thức mới và giàu tính thực tiễn, cũng tạo thêm nguồn tài chính để trả thêm lương cho giáo viên. Hơn nữa, làm việc với doanh nghiệp thì giáo viên không thể nói lý thuyết suông mà phải thật sự có kỹ năng chuyên môn, điều đó cũng giúp cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Hiện nay Bộ Giáo dục cũng như các trường đã khởi động việc này, cần xúc tiến mạnh hơn nữa.

 

* Học phí đang là vấn đề tranh luận gay go. Tôi nghĩ Bộ Gíáo dục làm sao đưa ra các giải pháp thoả đáng giữa việc tăng học phí đi đôi với việc miễn giảm và cấp thêm học bổng cho các đối tượng chính sách và nhà nghèo để tăng được nguồn thu mà vẫn tạo được cơ hội học tập cho nhiều đối tương khác nhau.

 

Làm người ai cũng muốn sống trong sạch, lương tâm không cắn rứt mà vẫn sống đầy đủ. Các giáo sư ở nước ngoài được trả lương xứng đáng nên làm việc hết mình, giáo sư ở nước ta được trả lương bèo bọt quá, không bằng một phần rất nhỏ “bên A, bên B” trong ngành xây dựng, giao thông “lại quả” cho nhau thì không thể đòi hỏi nhiều được ở người thầy, dù là thầy dạy đại học đi nữa.

 

Mặt khác, chất lương giảng dạy còn phụ thuộc vào yêu cầu của người học. Thử hỏi những người học có góp ý với giáo viên không, hay chỉ âm thầm chịu đựng cho qua để kiếm tấm bằng tìm việc, hay để thăng quan tiến chức? Cũng là một người thầy đó nhưng trong lớp dành cho sinh viên chính qui và cho lớp tại chức, nếu bạn có cơ hội dự cả hai loại lớp đó thì sẽ thấy khác nhau nhiều lắm.

 

Hi vọng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân sẽ đưa ra được các giải pháp đột phá, trực tiếp nhìn thẳng vào các vấn đề nhức nhối để giải quyết triệt để hơn.

 

Dang Ba Khac Trieu

(University of Tsukuba - Reconfigurable)

 

LTS Dân trí - Tác giả bài viết trên đây dù đang còn ở nước ngoài nhưng vẫn canh cánh lo lắng về tình hình giáo dục nước nhà và đóng góp những ý kiến đáng quan tâm. Trước một số hiện tượng sa sút phẩm chất đạo đức của một số giáo viên, không tránh khỏi sự bất bình, nhưng điều quan trọng hơn là phải bình tĩnh tìm ra nguyên nhân sâu xa để khắc phục. Nói như tác giả bài viết trên đây là phải tìm ra cái gốc của vấn đề.

 

Khi đã dấn thân vào nghề sư phạm thì số đông các Thầy Cô giáo đã tự nguyện theo đuổi “Đạo làm Thầy”, nhưng mặt khác Nhà nước và xã hội phải tạo ra những điều kiện thuận lợi về tinh thần và vật chất giúp cho Người Thầy hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang của mình.

 

Chúng ta rất đồng tình là phải bằng mọi biện pháp để tăng lương cho giáo viên tới mức bảo đảm được đời sống gia đình. Chỉ có như vậy, những Người Thầy mới có thể yên tâm, đem hết tài năng và tâm huyết phục vụ sự nghiệp giáo dục, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo.