Góc nhìn pháp lý vụ "người đàn ông có vợ con cưới 2 cô gái trong nửa tháng"

Khả Vân

(Dân trí) - Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện một người đàn ông ở Trà Vinh cưới liên tiếp 2 cô gái trong 12 ngày dù đã có vợ con đuề huề... Luật sư đã đưa ra góc nhìn pháp lý về tình huống này.

Theo đó, ngày 23/12/2022 tài khoản facebook T.Y.N đăng tải: "Giờ mọi người cho em hỏi còn ai chung chồng với em nữa không, inbox em để em đưa vào nhóm lấy lại tiền lừa gạt nè mọi người. Chứ giờ em có được 3 chị em chung chồng ở Trà Vinh rồi á mọi người".

Bên dưới bài đăng N. cho biết, chỉ trong tháng 11 người đàn ông này đã "chạy sô" làm chú rể hai lần (vào ngày 6/11/2022 và 18/11/2022). Đám cưới tổ chức linh đình, ảnh cưới đầy đủ. Cô gái này cũng đính kèm loạt ảnh đám cưới của chồng mình và 2 cô gái khác, cùng với đó là đoạn tin nhắn với một cô dâu trong loạt ảnh cưới kể trên.

Góc nhìn pháp lý vụ người đàn ông có vợ con cưới 2 cô gái trong nửa tháng - 1

Bài viết sau khi đăng tải, đã được chia sẻ rất nhiều lên các hội nhóm MXH và nhận về hàng loạt bình luận.

Rất nhiều người nghi ngờ tính chính xác của câu chuyện vì không thể tin nổi có người đàn ông lừa gạt tình cảm mà lại công khai thể hiện thế này.

Tuy nhiên, có người cho rằng câu chuyện như vậy ở xã hội ta không thiếu. Nhiều người bình luận: "Nếu anh ta không đăng ký kết hôn với cả 3 cô, chỉ tổ chức đám cưới thì sao nhỉ, nếu không có chế tài nào quy định phải đăng ký kết hôn mới được tổ chức đám cưới thì tôi nghĩ xã hội mình không thiếu những chú rể được cưới mấy vợ như vậy".

"Rồi lúc đám cưới, họ hàng nhà trai có trùng không mà sao không ai nói gì? rồi trước khi cưới thì 2 nhà phải qua lại cho biết mặt biết nhà chứ nhỉ, ở thành phố hàng xóm ít qua lại không nói chứ ở quê thì thở thôi cả làng cũng biết mà, thoát sao khỏi được miệng của vị thánh mang tên "bà hàng xóm". Thế các bô lão nói chuyện với nhau thế nào? Hay lại thuê người giả làm bố mẹ, họ hàng như Anna Bắc Giang nhỉ?".

"Nếu chú rể này đã đăng ký kết hôn với người vợ đầu, 2 người vợ sau đến lúc cưới vẫn không biết là mình bị lừa, thì hiện tại có thể tố cáo anh ta tội lừa đảo không?".

Lý giải dưới góc độ pháp lý về cuộc tình của chú rể đào hoa này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trường hợp người này không đăng ký kết hôn với cô vợ hiện tại thì xét về mặt pháp luật, quan hệ giữa hai người không được pháp luật thừa nhận là quan hệ vợ chồng, cũng không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng mà chỉ được coi là chung sống như vợ chồng.

Như vậy, đương nhiên anh này vẫn được kết hôn và đăng ký kết hôn với người vợ sau bởi theo Khoản 5 Điều 3 Luật HNGĐ 2014, "Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn".

Theo đó, kết hôn hợp pháp là trường hợp đáp ứng các điều kiện kết hôn và có đăng ký kết hôn. Trường hợp hai bên nam nữ tổ chức kết hôn trên thực tế nhưng không có đăng ký kết hôn thì không được xem là kết hôn hợp pháp.

Trong trường hợp, người này đã đăng ký kết hôn với người vợ đầu nhưng lại tổ chức lễ cưới và chung sống như vợ chồng với người vợ thứ hai, thì người này có thể bị phạt tiền từ 03 triệu đến 05 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Nếu việc sống chung như vợ chồng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc dẫn tới việc ly hôn giữa hai vợ chồng thì người chồng và người vợ sau có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Không đăng ký kết hôn, có thể làm giấy khai sinh cho con không?

Về vấn đề làm đăng ký khai sinh cho con trong trường hợp không đăng ký kết hôn, Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015 quy định "Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.."

Theo đó, cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh. Vì vậy, trường hợp người đàn ông và vợ chưa đăng ký kết hôn thì con của hai người vẫn được đăng ký khai sinh, thủ tục đăng ký khai sinh được quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch 2014.

Tuy nhiên, thông tin của người cha sẽ được ghi trên giấy khai sinh nếu người này thực hiện thủ tục khai nhận cha con theo quy định của Luật hộ tịch 2014, cần phải thực hiện thêm thủ tục nhận cha cho con. Cụ thể, Điều 25 Luật hộ tịch 2014 quy định Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau: 

" 1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc."

Như vậy, trong trường hợp không đăng ký kết hôn thì con của người đàn ông và vợ vẫn được làm đăng ký khai sinh.