Góc nhìn pháp lý vụ một phụ nữ bị tạm giam vì thuê người phá rừng

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Theo luật sư, trường hợp phụ nữ thuê người phá rừng để trồng keo, bạch đàn ở Gia Lai có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Liên quan vụ việc một phụ nữ thuê người phá rừng để trồng keo, bạch đàn tại huyện Đăk Pơ (Gia Lai), luật sư Ngô Thanh Quảng, Đoàn Luật sư TPHCM đã có những phân tích vấn đề pháp lý về tình huống của vụ việc.

Theo luật sư Ngô Thanh Quảng, trước đó, Công an huyện Đak Pơ đã khởi tố và bắt tạm giam bà Mai Thị Nương (SN 1984, trú tại tổ 1, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ) để điều tra tội Hủy hoại rừng.

Góc nhìn pháp lý vụ một phụ nữ bị tạm giam vì thuê người phá rừng - 1

Hiện trường vụ phá rừng để trồng keo, bạch đàn (Ảnh: Chí Anh).

Cơ quan chức năng xác định, bà Nương đã thuê một số người đi chặt phá trái phép khoảng 6.500m2 rừng, thuộc tiểu khu 603, địa phận xã Hà Tam, huyện Đak Pơ.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng kiểm đếm có khoảng 344 cây rừng bị cưa hạ. Hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội Hủy hoại rừng theo điểm b khoản 1 Điều 243 Bộ Luật hình sự (được sửa đổi bổ sung bởi điểm a khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ Luật hình sự năm 2017).

"Với hành vi này, người phạm tội có thể bị xử phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Khi lượng hình, tòa án sẽ xem xét, áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội trên cơ sở kết quả điều tra có được và diễn biến tại phiên tòa", luật sư Ngô Thanh Quảng phân tích.

Góc nhìn pháp lý vụ một phụ nữ bị tạm giam vì thuê người phá rừng - 2

Mai Thị Nương tại cơ quan công an (Ảnh: Công an huyện Đak Pơ).

Ngoài ra, theo luật sư Quảng, cơ quan tố tụng sẽ xem xét trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trên cơ sở kết quả định giá số lâm sản bị hủy hoại do hành vi phá rừng của Mai Thị Nương gây ra.

Ông Đào Duy Tuấn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đăk Pơ, chia sẻ: "Sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã tiến hành tiếp cận hiện trường để vây bắt đối tượng vi phạm.

Do thời tiết mưa, xa khu vực dân cư nên khi tiếp cận hiện trường vụ phá rừng, các đối tượng đã rời khỏi hiện trường. Sau đó, với tinh thần quyết liệt điều tra, lực lượng chức năng đã bắt giữ được đối tượng thực hiện hành vi phá rừng".

Góc nhìn pháp lý vụ một phụ nữ bị tạm giam vì thuê người phá rừng - 3

Diện tích rừng này được UBND huyện Đăk Pơ giao cho một cá nhân quản lý và bảo vệ (Ảnh: Chí Anh).

Theo ông Tuấn, hiện trường vụ phá rừng trái phép thuộc tại lô 1, khoảnh 2, tiểu khu 603, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ. Diện tích rừng này do ông Nguyễn Văn Thành được UBND huyện Đăk Pơ mới có quyết định giao quản lý, bảo vệ vào tháng 6.

Toàn bộ diện tích rừng bị phá hiện trạng là rừng thường xanh phục hồi nên chủ yếu là cây gỗ nhỏ, tre bụi. Ngoài phá để lấy đất, các đối tượng đã chặt hạ hàng trăm cây để chở đi bán, hiện trường chỉ còn lại cành, nhánh nhỏ, lá cây và gốc.

Như Dân trí thông tin, trong tháng 7, Mai Thị Nương đã thuê một số người đồng bào dân tộc thiểu số chặt phá trái phép 6.500m2 rừng sản xuất tại tiểu khu 603 thuộc địa phận xã Hà Tam, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai để nhằm mục đích trồng cây keo, bạch đàn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm