Góc nhìn pháp lý từ vụ cầm dao đâm hàng xóm chung cư

Ngọc Hảo

(Dân trí) - Sự việc người đàn ông ngang nhiên đâm hàng xóm tại chung cư The Light, Hà Nội khiến nhiều người "sởn tóc gáy", nhiều người không khỏi băn khoăn vì sao người này vẫn chưa bị xử lý.

Nhiều độc giả Dân trí thắc mắc, tại sao người đàn ông đâm hàng xóm ở chung cư với hành vi liều lĩnh và nguy hiểm như vậy vẫn chưa bị bắt, tại sao có bệnh về tâm thần mà người nhà lại không quản lý?

Độc giả Manh Ngo: "Người này cầm dao vào đâm người khác và được camera quay lại mà công an không tạm giam, vẫn để anh ta đi lung tung?".

Độc giả Du Phan: "Tháng 4/2022 người đàn ông này đã phá hoại tài sản (dùng búa phá cửa ) và đe dọa an toàn nhà hàng xóm. Ngày 21/07/2022 ông này tiếp tục dùng dao tấn công hàng xóm và tất cả các việc trên đều có camera ghi lại rất rõ ràng. Vậy còn lý do gì mà không khởi tố và tạm giam ông ta? Nếu ông ta có dấu hiệu tâm thần thì cần có biện pháp trấn áp , tách riêng khỏi cộng đồng dân cư và đưa đi viện tâm thần chứ không thể để ông ấy tiếp tục gây nguy hiểm cho cư dân ở nơi đây như vậy được".

Cùng quan điểm, độc giả Tuong Kien: "Hành vi vi phạm pháp luật quá rõ không cần hòa giải hay triệu tập mà phải bắt khẩn cấp để bảo vệ người dân. Trường hợp nghi vấn có bệnh tâm thần thì cưỡng chế điều trị y tế. Gia đình họ phải có trách nhiệm".

Độc giả Trần Tuân: "Đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm đe dọa đến tính mạng con người trong khu vực dân cư, dùng hung khí áp đáo tại gia đề nghị phải khởi tố hình sự. Nếu người này tâm thần thì phải kịp thời đưa đi trại ngay lập tức để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, tại sao người này vẫn chưa bị xử lý vậy?".

Góc nhìn pháp lý từ vụ cầm dao đâm hàng xóm chung cư - 1

Ông H. (cởi trần) cầm dao định tấn công hàng xóm (Ảnh: G.Q.).

Trao đổi thêm về vấn đề trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong vụ việc này, có thể thấy ông H. đã có hành vi cầm dao xông vào nhà và dùng dao hướng tới vị trí bụng của anh L. để đâm. May mắn anh L. đã kịp phản xạ, dùng ghế để chống trả nên không gây ra hậu quả, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. 

Theo đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh các thông tin, thu thập tài liệu, chứng cứ và điều tra làm rõ hành vi của ông H. Căn cứ kết luận từ phía cơ quan chức năng, ông H có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Bên cạnh đó, theo thông tin nhận được, một số cư dân cho rằng ông H. có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự hiện hành, một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự là "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự".

Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định vụ việc có dấu hiệu hình sự, để xác định ông H. có được xem xét loại trừ trách nhiệm hình sự do có bệnh lý tâm thần hay không, cơ quan chức năng sẽ tiến hành trưng cầu giám định theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Nếu có căn cứ cho rằng tại thời điểm ông H. thực hiện hành vi cầm dao xông vào nhà và dùng dao đâm vào bụng anh L., ông H. đang mắc bệnh tâm thần và đang mất nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình, thì ông H. không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Ngược lại, mặc dù ông H. được xác định là mắc bệnh tâm thần (theo bệnh án của bệnh viện), nhưng tại thời điểm ông H. thực hiện hành vi nêu trên mà vẫn có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, thì ông H. vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng. 

Bên cạnh đó, trong trường hợp ông H. được xác định là người bị tâm thần thì người giám hộ sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 46 và khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015.

Có thể chuyển người tâm thần đi nơi khác hoặc vào trại không?

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng, bao gồm tạm giữ và tạm giam. Trong đó, tạm giữ được áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã nhằm đảm bảo cho Cơ quan điều tra có thời gian tiến hành các hoạt động điều tra ban đều để có cơ sở quyết định khởi tố bị can, tạm giam hoặc trả tự do cho người bị bắt. 

Còn tạm giam được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội trong trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội ít nghiêm trọng trong trường hợp cần thiết khi có những căn cứ để cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Trong trường hợp này, cơ quan công an phường Trung Văn đã lập hồ sơ, đề xuất công an quận xử lý ông H. vì có dấu hiệu tâm thần "náo loạn" tại chung cư. Tuy nhiên, chưa có kết luận chính thức về hành vi của ông H. có phạm tội hay không, nên không thể áp dụng biện pháp tạm giữ hay tạm giam đối với ông H. 

Đối với vụ việc này, người nhà có thể xem xét tình trạng bệnh của ông H. để có biện pháp trông nom tại nhà, tránh trường hợp ông H. có hành vi gây nguy hiểm cho hàng xóm.

Thêm vào đó, nếu tình trạng bệnh của ông H. có chuyển biến xấu, gây nguy hiểm, mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động của gia đình và xóm làng, gia đình ông H. có thể đưa ông H. đến các bệnh viện hoặc các cơ sở chữa bệnh để bảo đảm an toàn công cộng, môi trường sinh hoạt chung của chung cư. 

Nếu gia đình không thực hiện, dẫn đến ông H. tiếp tục có những hành vi gây nguy hiểm cho hàng xóm, sự an toàn của chung cư thì họ có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự 2015

Luật sư chia sẻ thêm, trong giai đoạn điều tra, khi Cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y tâm thần mà kết quả giám định xác định bị can mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì Cơ quan điều tra gửi văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho Viện kiểm sát cùng cấp để xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan điều tra cùng kết luận giám định, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh đối với bị can hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại nếu thấy chưa đủ căn cứ để quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 449 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can theo khoản 2 Điều này.