Tự sự:

Giọng Hà Nội

(Dân trí) - Hồi đang huấn luyện tân binh, tôi thường được các bạn trong lớp kéo lên thăm. Các bạn đồng ngũ của tôi khoái được nghe giọng Hà Nội lắm. Lúc đó tôi không để ý đến nhận xét chân thật đó.

Chỉ đến lúc cả năm trời toàn nghe tiếng nước ngoài, chợt một hôm nghe được một câu từ băng catxet: Đây là Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Thủ đô Hà Nội... lúc đó mới rưng rưng cảm động. Bắt đầu hiểu ra tại sao các bạn tôi thích nghe giọng Hà Nội.

Giọng Hà Nội gần đây nghe không còn nhẹ nhàng  ấm áp và dần cũng trở nên hiện đại hơn, cứng cỏi hơn. Qua Pháp, vô tình thăm một gia đình di cư từ những năm 1954, họ vẫn sử dụng giọng Hà Nội từ những năm đó. Các cụ truyền khẩu dạy cho con cháu. Cũng là giọng Hà Nội thật đấy mà nghe sao thấy là lạ quen quen như mình đang ở nhà ông bà ngày xưa. Vậy là giọng Hà Nội vẫn dẻo dai  tồn tại giữa thủ đô nước Pháp. Tiếng Mợ phát âm nhẹ dài nghe như hơi có âm gió của từ Mự lẩn khuất bên trong giúp cho tiếng Hà Nội ngày xưa nghe thật truyền cảm nhẹ nhàng. Tiếng Mẹ phát âm của người Hà Nội bây giờ dù không còn thêm hơi gió nhưng vẫn không lẫn được với tiếng gọi mẹ từ giọng các vùng miền khác.  Ngôn từ để chỉ đấng sinh thành ra mình sau gần 50 năm  đổi từ âm Mợ ra âm Mẹ mà cắt đi chút gió thoảng của tiếng Mự. Biết đâu với ngôn ngữ chat chít của thế hệ 9x hiện nay, 50 năm sau từ Mẹ cao quý cũng lại bị cắt gọt chỉ còn một chữ M cô độc. Nếu chuyện đó xảy ra thì thật đáng thương và tội nghiệp cho giọng Hà Nội.

Ngôn ngữ của người Hà Nội cũng dần biến mất một số từ, một số cách nói, vì  những người sống ở Hà Nội chọn được cách diễn đạt khác tiện hơn. Sẽ là “Hôm nào rảnh đến nhà chơi nhá” cùng một cái bắt tay lắc giật bỗ bã. Không còn thấy cảnh nhẹ nhàng tiễn khách với hai bàn tay nắm hờ, với dáng lưng hơi chùng xuống, kèm câu “Kính bác lại nhà ạ” được chủ nhà nói khẽ khàng khi tiễn khách với thái độ trân trọng. Một câu nói tiễn khuôn sáo cùng với ánh mắt hướng dõi theo khách. Đợi cho tới khi người khách đã khuất  nơi ngả rẽ, chủ nhân mới chậm rãi quay vào nhà.

Tôi vẫn tiêng tiếc chữ “xơi cơm” trong các bữa ăn gia đình của người Hà Nội gần đây bị chữ  “ăn cơm” tiện lợi đơn giản hiện đại hơn thay thế. Cũng đúng thôi phải không các bạn? Ai lại có thể xơi lẩu được trên vỉa hè Phùng Hưng mà phải là ăn lẩu mới đúng điệu. Tôi không nói từ ăn là thô, là phô nhưng “xơi cơm” những tưởng loại bỏ được hơi hướng phàm tục có trong từ ăn. Người Hà Nội xưa trân trọng mời nhau đến nhà “dùng cơm” chứ không mời đến “ăn cơm”. Ngày nay cũng không ít gia đình Hà Nội lưu lại ngôn ngữ bị coi là cổ điển đó.

Nếu đâu đó có nói người Hà Nội nói tiếng Việt không chuẩn thì cũng phải chịu thôi. Nếu biết rung lưỡi lên khi nói những âm R,TR,S thì tôi có thể tin chắc chủ nhân của những phát âm ấy không phải là người Hà Nội. Với tôi, khiếm khuyết này như chiếc răng mọc lẫy trên một khuôn mặt dễ thương của người con gái Hà Nội. Chiếc răng khểnh sẽ chỉ làm rực rỡ hơn cho nụ cười trên khuôn mặt dễ thương kia mà thôi. Giọng Hà Nội thêm duyên vì có thêm chiếc răng khểnh phải không các bạn?

Mộc Miên