Giáo viên có nên “vừa đánh vừa xoa” học sinh?

Thời gian qua tôi đọc được nhiều bài báo phản ảnh của các phụ huynh học sinh về nạn bạo hành của giáo viên đối với học sinh. Theo nhận xét khách quan của tôi, đứng trên cương vị của 1 người phụ nữ, 1 người Mẹ đã có 2 con, tôi cũng xin đóng góp một vài ý kiến về vấn đề này:

Từ thời xa xưa dân tộc ta luôn có câu "TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO", câu châm ngôn này luôn được đề cao trong giáo dục. Tôi còn nhớ rất rõ những năm tháng tôi đi học (từ 1969), các thầy cô giáo rất tận tâm với học trò, mang tất cả bầu nhiệt huyết để truyền đạt cho học sinh, luyện từ chữ viết cho đẹp... cho đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh. 

Tôi nhớ rất rõ ngày ấy tôi là 1 học sinh viết chữ đẹp nhất lớp 4, sau bài kiểm tra tập viết chữ đẹp ấy tôi có điểm cao nhất lớp, thế là cô giáo phân cho tôi ngồi cạnh hai bạn (vì trước đó tôi ngồi bàn chót chỉ có 1 mình thôi) để cho 2 các bạn nhìn và bắt chước chữ viết của tôi, sau thời gian, 2 bạn ấy viết chữ đẹp lên, lại tiếp tục được phân ra  ngồi nơi khác để các bạn bắt chước, và cứ thế nhân lên…

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Đến cuối năm học, cả lớp tôi ai cũng viết chữ đẹp và có nét chữ giống nhau cả (nhìn quyển lưu bút thì thấy phản ảnh điều này. Rồi khi lên lớp 5 tôi được cô giáo cho tồi ngồi bàn nhất đầu bàn ngay cửa ra vào, vì sao? Bởi theo lời giải thích của Cô là khi bất cứ ai đến viếng lớp (hiệu trưởng hay các giáo viên khác) hay đứng ngoài cửa lớp nhìn vào thì sẽ nhìn vào tập tôi thì thấy tập tôi đẹp và sạch ...

Nhưng ôi thôi có 1 hôm tôi viết bài bê trễ thế nào, lại dơ nữa , bất ngờ cô kiểm tra tập và đã cảnh cáo tôi; cô nói nhỏ nhẹ nhưng rất nghiêm rằng : "nếu như em mà còn như thế thì sẽ phạt và đổi chổ em đi nơi khác ngồi" . Tôi rất buồn và lo lắng nên cố gắng không mắc sai phạm nữa. Chỉ có thế thôi mà tôi luôn nhớ mãi đến ngày nay, nhờ vậy mà chữ viết tôi luôn luôn đẹp.

Chuyện giáo viên dạy dỗ, răn đe, hay phạt học sinh như khẻ vào lòng bàn tay, bắt quỳ gối úp mặt vào tường, quỳ gối giang hai tay (thậm chí cầm 2 quyển sách hai bên), khẻ thước vào mông, viết lời cô răn dạy nhiều lần trên giấy, làm vệ sinh lớp ..... theo tôi nghĩ chấp nhận được những hình phạt đó, vì có dạy bảo, răn đe nghiêm khắc học sinh mới có ý thức sửa chữa khuyết điểm và tiến bộ nhanh. Nhưng giáo viên cũng nên thấu hiểu tâm tư tình cảm của học sinh, đừng thực hiện những hình phạt quá đáng làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng và tình cảm của các em.

Ngày xưa, khi học sinh gặp giáo viên ở bất cứ nơi nào đều lễ phép khoanh tay cúi đầu chào Thầy Cô, hoặc cũng có khi trốn đi nơi khác (học sinh nhút nhát), ngày nay thì tôi cảm thấy hình ảnh đó rất ít, thậm chí khi học sinh bị phạt , bị kiểm điểm, chẳng những không sợ mà còn chặn đường thầy cô để trả thù, hay người nhà học sinh vào trường la lối, chửi bới xỉ vã, làm nhục giáo viên ........ Vì sao, vì sao thế? 

Vì bây giờ không cho phép giáo viên đánh hay dùng những hình phạt nghiêm khắc đối với học sinh; được thể nên học sinh cũng như phụ huynh không còn tôn trọng giáo viên nữa, tôi cảm thấy buồn về điều này lắm . Ngày xưa, các cụ thường nói: "THƯƠNG CHO ROI CHO VỌT, GHÉT CHO NGỌT CHO NGÀO". Muốn học sinh của mình nên người, giáo viên cũng cần “vừa đánh vừa xoa”.

Đối với những hành vi như giáo viên dùng băng keo bịt miệng học sinh, tát vào mặt học sinh, lột quần áo, gạ tình hay bắt quỳ gối mà lết cả mấy chục vòng trong  lớp học... là không thể chấp nhận. được. Tôi có biết một trường hợp vì tát mạnh vào mặt 1 em bé gái, không ngờ cái tát đó chạm vào dây thần kinh làm em bé bị bệnh tâm thần, người mẹ có hành động đó đã ân hận suốt đời. Vì vậy tôi cũng xin được cảnh báo rằng phần đầu của con người rất quan trọng, đừng vì một chút nóng giận không kiềm chế được mà gây ra hậu quả khó lường. 

Nhân viết bài này, tôi cũng xin  tha thiết đề nghị các thầy cô giáo cũng như các phụ huynh học sinh nên thông cảm với nhau hơn về mục tiêu cũng như phương pháp giáo dục đạo đức cho các em học sinh ngày càng tốt hơn, ngoan hơn và lễ phép hơn. Từ đấy các thầy cô giáo cũng tìm thấy niềm vui hơn để ngày càng yên tâm và tận tâm hơn với nghề mà mình đã chọn.

Nguyễn Thị Ngọc Trinh
ngoctrinh64@yahoo.com 

LTS Dân trí - “Tôn sư trọng đạo” vốn là truyền thống đạo lý của dân tộc ta. Thời xưa đã vậy, thời nay cũng vậy. Không vì một số ít giáo viên có những biểu hiện sa sút về phẩm chất, đạo đức, không xứng đáng với tư cách làm thầy, mà có thể “vơ đũa cả nắm”! Nếu vậy thì thật là sai lầm, làm xúc phạm biết bao thầy cô giáo đang phải vượt qua nhiều khó khăn, đem hết sức lực và tâm huyết để làm tròn thiên chức của Người Thầy, dù đó là ở vùng cao, vùng sâu vùng xa, trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp.

Là những người làm cha làm mẹ, chúng ta luôn mong muốn con em mình được học tập tốt, dạy dỗ tốt. Điều đó chỉ thực hiện được bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, luôn đồng lòng, hiệp sức cùng các thầy cô tìm ra phương pháp giáo dục có hiệu quả nhất, vừa động viên khuyến khích được các em phát huy những mặt tốt đẹp, vừa kịp thời uốn nắn và nghiêm khắc với những thói hư, tật xấu mà các em mắc phải.