“Giáo sư/Phó giáo sư” là chức danh hay là chức vụ?

(Dân trí) - Nếu coi Giáo sư/Phó giáo sư (GS/PGS) là chức danh, một danh hiệu như Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú… thì GS/PGS chỉ là sự ghi nhận, tôn vinh, phong tặng… không thể có bổ nhiệm.

Không ai lại đi  bổ nhiệm nhà giáo nhân dân, bổ nhiệm nhà giáo ưu tú cả. Danh hiệu này đi suốt cuộc đời,  không hạn chế số lượng và cũng không thể tước bỏ trừ trường hợp rất đặc biệt.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Nếu coi GS/PGS là một chức vụ, giống như chức vụ  trưởng khoa, hiệu trưởng… thì phải bổ nhiệm.  Một số nước coi các chức: Trưởng khoa, hiệu trưởng là công việc quản lý ở trường đại học, có thể không cần phải chọn GS ở cương vị này. Còn GS/PGS là chức vụ được chọn từ  người trực tiếp giảng dạy có nhiều thành tích nghiên cứu khoa học. Trong một khoa chỉ  có một số vị trí (chức vụ)  GS, đó là những nhà khoa học đứng đầu chuyên môn về ngành nghề cụ thể ở đơn vị (khoa) đó.  Khi vị GS đó về hưu, chuyển công tác khác, hoặc không xứng đáng nữa thì miễn nhiệm và tuyển chọn để bổ nhiệm người khác.

Mỗi nước khác nhau, có cách phong tặng chức danh GS/PGS khác nhau. Việc xét phong tặng  chức danh GS/PGS ở nước ta là mô phỏng lại cách làm của nhiều nước. Tùy vào người đứng đầu ngành giáo dục thích cách xét phong tặng chức danh GS nước nào thì “học tập” theo nước đó.  Người quản lý sau thích cách phong GS/PGS nước khác thì sửa đổi,  do đó cách phong GS/PGS của Việt Nam rất pha tạp.

Tại Điều 71 - “Luật giáo dục của Quốc hội nước CHXHCNVN số 38/2005/QH11 ngày 14/6/2005.” ghi:  Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư!!?” Trên thế giới có lẽ chỉ Việt Nam mới có  hình thức bổ nhiệm chức danh này.

Theo Quyết định174/2008/QĐ-TTg2, những người muốn được xét công nhận chức danh GS/PGS phải là những Tiến sĩ có tham gia giảng dạy Đại học (không phải là người thất nghiệp) và có đủ số công trình khoa học theo quy định, cho nên không nên nhầm lẫn “xin” bổ nhiệm GS/PGS là đi xin việc mà phải hiểu là họ có việc làm (thậm chí có chức vụ cao như UVTƯĐ, thứ trưởng…) và đã được công nhận  đủ tiêu chuẩn là GS/PGS,  bây giờ làm đơn xin bổ nhiệm chức danh để “khoác” áo đó lên người.

Để tiến đến hội nhập với thế giới, nếu Việt Nam học tập theo hướng coi GS/PGS là chức vụ thì những ai được công nhận là GS/PGS trước năm 2007 cũng phải làm thủ tục bổ nhiệm như GS/PGS năm 2009, 2010 tại một cơ sở giáo dục Đại học. Nếu chưa bổ nhiệm thì không  được  mang danh GS/PGS. Sau khi bổ nhiệm những ai chuyển sang làm chính trị, làm quản lý thì miễn nhiệm, như miễn nhiệm bộ trưởng, miễn nhiệm thứ trưởng… Sau khi miễn nhiệm rồi thì không được gọi là GS/PGS. 

Còn nếu muốn “học tập” các nước coi GS/PGS là chức danh thì không bổ nhiệm mà phong tặng. Trước năm 1975 ở Miền Nam, dưới chế độ cũ, chế độ thân Mỹ học cách tấn phong GS theo kiểu Mỹ, những ai tốt nghiệp đại học (không cần là Tiến sĩ) làm giáo viên trung học được phong là giáo sư trung học, làm giáo viên đại học được phong là giáo sư đại học. Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Chính phủ vẫn gọi những giáo viên trung học của chế độ cũ (có tham gia cách mạng) là giáo sư của chế độ mới, ví dụ giáo sư Hoàng Phủ Ngọc Tường, giáo sư Lê Văn Hảo, giáo sư  Lê Quang Vịnh… và họ được mang danh đến bây giờ!

Vì sao Việt Nam muốn duy trì cách phong tặng chức danh giáo sư theo kiểu: không giống ai trên thế giới? Vì sao xét công nhận và bổ nhiệm chức danh GS/PGS cho các cán bộ quản lý ít liên quan  giảng dạy?... là  những câu hỏi cần trả lời sòng phẳng trước dư luận.

Tóm lại, để tiến đến phù hợp với thông lệ Quốc tế, Việt Nam cần nghiêm túc chọn tường minh một trong phương án sau: 

1. GS/PGS là một danh hiệu

2. GS/PGS là một chức vụ khoa học ở Đại học

Chỉ như vậy mới trả lại đúng nghĩa của học hàm GS/PGS và những người được tấn phong mới cảm thấy tự hào và hãnh diện.

PGS.TS Ngô Tử Thành

LTS Dân trí - Xung quanh việc phong tặng hay bổ nhiệm GS /PGS còn có nhiều điều đáng bàn như tác giả bài viết trên đây đã nêu ra.

Trước đây, nếu cán bộ giảng dạy đại học nào hội đủ tiêu chuẩn GS/PGS về số công trình nghiên cứu khoa học cũng như số giờ tham gia giảng dạy đại học, cao học và số Nghiên cứu sinh đã hướng dẫn thì sẽ được phong tặng GS/PGS (Có thời gian gọi là GS2 và GS1).

Những năm gần đây có sự thay đổi về quy trình, cho nên có những người được công nhận đạt tiêu chuẩn GS/PGS nhưng không được bổ nhiệm do nơi giảng dạy không có nhu cầu bổ sung GS/PGS. Từ đó, nảy sinh thắc mắc vì sự thiếu công bằng. Mặt khác, đã bổ nhiệm chức danh khoa học thì cũng phải có sự miễn nhiệm, như tác giả bài viết trên đây đã nêu.

Vì vậy, Bộ Giáo dục-Đào tạo và cơ quan trực tiếp phụ trách công việc này cần nghiên cứu kỹ hơn thông lệ quốc tế để có quy định rõ ràng, nhất quán về những chức danh khoa học (trước đây còn gọi là học hàm) nhằm góp phần thiết thực vào việc không ngừng nâng cao trình độ của đội ngũ giảng dạy đại học cũng như bảo đảm những chuẩn mực cần thiết của giáo dục đại học.