Giáo dục từ xa trong thời đại ngày nay

Qua “Hội thảo khoa học quốc gia về Giáo dục mở và từ xa” vừa được tổ chức, có những ý kiến cho rằng loại hình đào tạo này còn nhiều yếu kém, bất cập bên cạnh những ý kiến khẳng định đó là một xu hướng tất yếu của tương lai.

 
Một chuyên gia Bộ GD-ĐT đưa ra: “Dự báo đến năm 2020 có khoảng 30% sinh viên theo học từ xa, tương đương với 500.000 người”. 

 

Lại có chuyên gia cho rằng, trong thời đại ngày nay năng lực tự học không có điều kiện phát triển do nền giáo dục đã “chính quy hóa”, hệ đào tạo từ xa không được coi trọng. Nguồn ngân sách quá ít, bằng cấp bị đánh giá thấp. Vì vậy, cần mở rộng đầu vào đại học thay vì siết chặt như hiện nay, rồi lại phát triển hệ đào tạo từ xa và các loại hình đào tạo không chính quy, có thể nâng tỷ lệ đầu vào đại học lên đến 50% HS tốt nghiệp THPT. Chúng tôi không phủ nhận vai trò của hệ đào tạo từ xa, song thiết nghĩ hệ đào tạo từ xa chỉ phát triển trong điều kiện nền giáo dục chính quy chưa hoàn thiện, khi mà xã hội và người học còn nhiều khó khăn. Khi nền giáo dục chính quy phát triển, hệ đào tạo từ xa sẽ co lại dần (nhưng không mất hẳn), và đó là một tất yếu.

 

Thứ nhất, khi hệ chính quy phát triển đã thu hút hầu hết những HS khá giỏi. Ngay cả với quy mô như hiện nay, những HS học lực làng nhàng cũng đã vào được đại học và người ta đang đau đầu về bài toán chất lượng. Chỉ còn những HS học lực yếu kém mới đăng ký học từ xa. Những người thực sự có khả năng nhưng do hạn chế về tài chính, về điều kiện sức khỏe, thời gian…đăng kí vào học từ xa không còn nhiều.

 

Những người có kinh nghiệm công tác trong ngành giáo dục đều biết rất rõ một trong những nhân tố quyết định chất lượng đào tạo đại học là nguồn đầu vào. Quá khó (nếu không nói rằng không thể) đào tạo cử nhân trình độ cao từ một nguồn đầu vào kém cỏi.


Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thứ hai, quan niệm đào tạo chính quy làm suy giảm khả năng tự học của người học và đào tạo từ xa sẽ phát huy tối đa khả năng đó là chưa chính xác. Ý thức tự học của người học xuất phát từ bản thân mỗi người và tác động của môi trường giáo dục.

Tình trạng truyền thụ một chiều, học chay, học vẹt là do những hạn chế có tính lịch sử của mô hình đào tạo chính quy, chứ không phải là khuyết tật thuộc về bản chất của nó. Nếu quản lý tốt và có những giải pháp hợp lý, mô hình giáo dục chính quy nhất định phát huy được khả năng tự học, sáng tạo của người học, tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tự hoàn thiện, học suốt đời sau khi tốt nghiệp.

Thứ ba, nếu so sánh với giáo dục từ xa, thì giáo dục chính quy có quá nhiều ưu thế, xuất phát từ chính đặc trưng của mô hình. Ví dụ: kích thích sự thi đua, nỗ lực sáng tạo nhờ có sự cạnh tranh; tính chuyên nghiệp trong quản lý, cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy, và đánh giá, kiểm định.

Người học từ xa sẽ “thiệt đơn thiệt kép” vì dễ mất phương hướng trước một biển thông tin, hạn chế về thời gian, không có sự kích thích của yếu tố cạnh tranh cũng như dễ buông xuôi do không có sự kiểm soát, đánh giá thường xuyên (và thiếu chặt chẽ) nên hậu quả là chất lượng không đáp ứng được yêu cầu.

Mặt khác đối với những ngành học đòi hỏi thực hành với những phương tiện, thiết bị đặc thù thì học từ xa không thể đáp ứng được. Thực tế cho thấy chỉ có những cá nhân có ý chí, nghị lực phi thường hay có trí thông minh xuất chúng (hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó) mới tự học thành công.

Còn về yếu tố kinh phí thì dĩ nhiên là hệ đào tạo chính quy sẽ tốn kém hơn. Nhưng vấn đề là ở hiệu quả. Ai cũng sẵn lòng mất tiền đầu tư, nếu như đồng tiền ấy mang lại hiệu quả. Nếu quả mô hình từ xa ưu việt như một số người nói thì chả lẽ nhà nước và ngành giáo dục không biết cách nắm lấy mà cứ đầu tư vào giáo dục chính quy vừa tốn kém vừa mệt mỏi?

Hiện nay, các cơ quan tuyển dụng thường không coi trọng người có bằng đại học từ xa vì chất lượng không đủ độ tin cậy của sinh viên hệ đào tạo này. Một số người học từ xa chỉ vì nhu cầu được “lên đời” bằng cấp cao hơn.

Một khi đã xây dựng được hệ thống đánh giá, kiểm định quốc gia có đủ độ tin cậy mà người tốt nghiệp đại học từ xa khẳng định được trình độ của mình không thua kém người được đào tạo chính quy thì sự phân biệt bằng cấp chính quy, từ xa sẽ tự nhiên biết mất.

Sự sống còn của mô hình giáo dục từ xa phụ thuộc vào việc có giải được bài toán chất lượng hay không. Không ai ngăn trở hệ đào tạo từ xa cả, vấn đề là nó tự co lại vì môi trường giáo dục đã thay đổi.


Trần Quang Đại

Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Mỗi loại hình giáo dục đào tạo có đối tượng và mục tiêu riêng của mình. Giáo dục từ xa chủ yếu nhằm vào đối tượng vừa làm vừa học, giúp cho người học có thể thực hiện chương trình học tập ở mọi nơi mọi lúc phù hợp với hoàn cảnh riêng. Cũng có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời gian hoàn thành chương trình đại học sau khi đã thi đạt và tích lũy đủ những chứng chỉ và các học phần theo quy định. Vì vậy, loại hình giáo dục này đóng góp tích cực vào việc xây dựng xã hội học tập, giúp cho mọi người có thể  học tập, trau dồi tri thức cũng như kỹ năng nghề nghiệp trong suốt cuộc đời.

Tuy nhiên muốn đạt được mục tiêu nói trên, giáo dục từ xa cũng cần được đầu tư đúng mức, trang bị những phương tiện cần thiết cũng như xây dựng giáo trình, giáo án và phương pháp kiểm tra phù hợp với tính chất đặc thù của loại hình giáo dục này.

 

Các nước tiên tiến có nhiều kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học nói chung cũng như loại hình giáo dục từ xa ở bậc đại học. Chúng ta nên tôn trọng những kinh nghiệm đã được nâng lên thành nguyên lý giáo dục để vận dụng đúng vào hoàn cảnh thực tiễn nước ta. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể đạt được kết quả mong muốn.