Giải pháp tình thế cho giao thông nước ta

Từ hàng chục năm nay, đã có rất nhiều giải pháp giao thông cho Hà Nội, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhưng thực trạng giao thông ngày càng nan giải hơn.

Điều đó đòi hỏi sự cần thiết thu thập, phát huy các ý kiến đóng góp cởi mở, dân chủ của mọi tầng lớp nhân dân, chứ không chỉ các nhà quản lý. Các ý kiến có thể phù hợp hay không với suy nghĩ của nhà quản lý, cũng nên đưa ra tham khảo. Ý tưởng mới mẻ nhưng không khả thi của người này có thể là cơ sở bật ra những ý tưởng hữu hiệu và có ý nghĩa thực tiễn của người khác. Đó là nguyên tắc sáng tạo của “Cơn bão ý tưởng” (Brainstorming).

Với những suy nghĩ như vậy, tôi xin mạn phép đề xuất các giải pháp tình thế (từ 10- 20 năm) cho giao thông và quy hoạch Hà Nội.

Đặc thù giao thông Việt Nam

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Chúng ta dễ dàng nhận thấy, giao thông Việt Nam hoàn toàn khác với hệ thống giao thông trên thế giới. Tại Việt Nam, phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu là xe máy, khác hẳn với các nước khác. Chính vì vậy, các giải pháp cũng có thể hoàn toàn dị biệt. Điều quan trọng là tính hữu hiệu của giải pháp. Dám nghĩ, dám làm là điều đáng động viên, dù cho giải pháp có thể “không giống ai” như biện pháp ngăn ngã tư của Hà Nội của chúng ta, không đúng, thì sửa, miễn là biện pháp không quá tốn kém, nguy hiểm cho đến khi tìm được giải pháp hữu hiệu, khả thi...

Gần đây một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân gấy ách tắc là do xe máy quá nhiều, phải giảm thiểu lượng xe máy. Chúng ta quên mất rằng, chính xe máy đã là giải phảp hữu hiệu, cứu cánh cho giao thông của người dân Việt Nam hơn 30 năm nay và còn hữu hiệu nếu biết khai thác và tổ chức tốt.

Xe máy đã trở thành một nét đặc thù, khác biệt của giao thông Việt Nam vừa đáng yêu vì tính linh hoạt, tiện dụng vừa đáng ghét cũng bởi tính linh hoạt của nó. Nếu khai thác tốt, làm cho nó trở thành một nét đẹp, khác biệt duy nhất trên thế giới, thì phương tiện giao thông bằng xe máy cũng là một nét hấp dẫn, thu hút du lịch nước ngoài cho Hà Nội, Việt Nam.

Số lượng ô tô tăng rất nhanh thời gian gần đây. Nạn ách tắc giao thông ngày cảng trở nên trầm trọng. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến ách tắc giao thông? Ngoài các nguyên nhân đã biết và nói đến rất nhiều như cơ sở hạ tầng không đáp ứng được sự phát triển về kinh tế và phương tiện giao thông, về ý thức của người tham gia giao thông, theo tôi, nguyên nhân quan trọng và mang tính bản lề xuất phát từ việc không đánh giá, lựa chọn độ ưu tiên cho từng phương tiện giao thông, xe máy hay ô tô, phương tiện nào cần ưu tiên hơn? Một cách tự nhiên, hiện nay có vẻ ưu tiên dành cho ô tô chứ không phải xe máy. Trên đường, dễ nhận thấy đường đẹp nhất, dành cho ô tô, ô tô có thể dàn hàng ngang trên mặt đường, xe máy không còn chỗ lách dù phía trước rất thoáng mà vẫn không đi được. Tức nước, vỡ bờ, xe máy tràn lên vỉa hè, vượt qua ô tô đang nghẽn là lại đi được.

Mặc dù luật lái xe ô tô thường chặt chẽ, nghiêm chỉnh, nhưng do lái xe ô tô Việt Nam, đa số trước đó đã lái xe máy, nên một cách vô thức đưa thói quen linh hoạt của xe máy vào lái xe ô tô, rẽ, quay đầu, đỗ xe bất kể nên càng tạo nên sự lôn xộn trong giao thông công cộng.

Về môi trường và độ cồng kềnh, thì ai cũng rõ, ô tô chiếm tỷ lệ mặt đường lớn hơn, ô nhiễm hơn xe máy rất nhiều (gấp khoảng 10 lần, xe máy có dung tích xi lanh trung bình 100c3, còn ô tô từ 1000c3 đến 4000c3).

Ý thức người tham gia giao thông và người quản lý giao thông đều rất kém, mà chủ yếu là người quản lý giao thông. Chính vì ý thức của nhà quản lý giao thông kém mới dẫn đến tình trạng ý thức giao thông kém. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Người ta, sinh ra, ai cũng hướng thiện, chỉ có điều nhà quản lý không nghiêm, không khuyến khích và duy trì kỷ luật giao thông mới dẫn đến tình trạng thiếu ý thức trong những người tham gia lưu thông. Cũng những người Việt Nam ấy, ra nước ngoài, tại Đức, Singapore lại trở thành những người gương mẫu trong tham gia giao thông.

Từ những đặc thù, khác biệt nêu trên của giao thông Việt Nam, để giải quyết trong ngắn hạn, tôi xin đề xuất nguyên tắc sau và các giải pháp sau.

Ưu tiên lưu thông xe máy trên đường
.

Tạo điều kiện thuận lợi tối đa, ưu tiên cho lưu thông xe máy. Mặt đường đẹp nhất, ngắn nhất, dành cho xe máy. Xe máy thông, nghĩa là đa số thành phần tham gia giao thông được thông suốt.

Tuy lượng ô tô tăng nhanh, nhưng số lượng ô tô vẫn còn là rất nhỏ so với lượng xe máy. Theo thông tin từ Vô tuyến truyền hình Hà Nội 1, tối 14/2/2010, hiện Hà Nội có 300 ngàn ô tô và 3,6 triệu xe máy, tỷ lệ xe máy lớn hơn 10 lần ô tô.

Nếu những nguyên tắc bản lề trên được đảm bảo, thì luôn luôn, đa số người dân sẽ lưu thông được. Nếu tỷ lệ ô tô/xe máy là 1/10 thì nghĩa là luôn luôn 9/10 lưu lượng giao thông được đáp ứng.

Từ nguyên tắc bản lề trên, có các giải pháp sau:

Giải pháp

1. Đối với nội đô:

·        Trên đường, chỉ dành 1/3 đến 1/2 chiều rộng mặt đường dành cho ô tô, còn lại 2/3 dành cho xe máy, vẽ phân luồng và ghi rõ quy định luồng dành riêng cho xe máy.

·        Bên cạnh luồng ngoài cùng bên trái dành cho ô tô, trước ngã tư khoảng 100m, nên có một luồng nhỏ (rộng khoảng 70 đến 100cm) dành cho xe máy rẽ trái.

·        Kiểm soát thật chặt việc chấp hành quy định giao thông đối với ô tô. Ô tô tuyệt đối không được đi trên luồng dành cho xe máy, ngược lại, gần các ngã tư, xe máy có quyền đi trên luồng dành cho ô tô trong trường hợp xe máy cần rẽ trái.

2. Đối với đường dài, liên tỉnh:

·        Do đặc thù đường dài, lượng ô tô đi lại nhiều hơn xe máy, nên ưu tiên cho phương tiện ô tô, có thể phân luồng dành riêng cho xe máy rộng bằng 1/3 chiều rộng mặt đường. Một số đường quá nhỏ, thì vẫn duy trì như nhiện nay, nghĩa là chung cả xe máy và ô tô.

·        Nếu có đường dành riêng cho ô tô và xe máy, thì đường dành riêng cho xe máy phải ngắn hơn, tiện lợi hơn và dễ đi hơn đường dành riêng cho ô tô.

Hiện số lượng ô tô còn đang ít, quản lý đăng ký bằng thẻ điện tử (như thẻ ngân hàng) dễ làm hơn so với xe máy, chỉ cần biết số xe là biết ngay chủ là ai, địa chỉ của chủ xe. Nếu ô tô vi phạm quy định phân luồng, quy định điểm đỗ, xe tải chở quá tải, chở đất không che đậy, v.v., chỉ cần dùng camera, chụp ảnh, gửi bằng thư điện tử, tin nhắn (hoặc bưu điện) hoá đơn nộp phạt đến chủ sở hữu xe. Số tiền phạt không cần nhiều, chỉ cần khoảng 50 đến 100 ngàn đồng và chi phí thông báo phạt (tin nhắn, bưu điện, v.v.), nhưng sẽ tăng theo cấp số nhân 2 cho một tuần chậm nộp phạt.

Việc nộp phạt chỉ cần thực hiện bằng chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của đơn vị quản lý giao thông, vừa tiện, vừa tránh tiêu cực. Mỗi lần phạt không cần dừng xe, không ảnh hưởng tới lưu thông trên đường. Cảnh sát cũng rất an toàn.

Như vậy, ý thức của người lái xe ô tô sẽ tiến bộ lên rất nhiều. Bản thân, họ cũng có xe máy và một cách tự nhiên, đưa tính nghiêm ngặt của lái xe ô tô vào điều khiển xe máy. Ý thức chung cũng sẽ được cải thiện.

Tăng cường ý thức của nhà quản lý giao thông trong việc sơn vẽ thường xuyên các luồng đường, rà soát sửa đổi phù hợp các biển hiệu, đèn xanh đỏ tại các ngã tư, các đơn vị công cộng khác như vệ sinh môi trường, quét, thu gom rác không làm việc hoặc để xe rác trên đường, nhất là giờ cao điểm. Những đối tượng này, nếu vi phạm cũng sẽ bị phạt như các thành viên tham gia giao thông khác.

Tiếp tục, duy trì các công tác tuyên truyền ý thức giao thông của người dân, công tác xây dựng đường xá, cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông như đã và đang làm.

Tác dụng của giải pháp

·        Giao thông được lưu thông, xe máy trở thành nét đặc biệt của giao thông Việt Nam.

·        Giảm mức sử dụng ô tô riêng do ít được ưu tiên hơn, môi trường đỡ bị ô nhiễm hơn.

·        Ý thức giao thông được cải thiện từ những người lái xe ô tô sang xe máy và toàn bộ các thành viên tham gia lưu thông. Với 500 học viên cảnh sát hỗ trợ như hiện nay, chỉ cần mỗi người một máy ảnh hay điện thoại di động có máy ảnh, chụp những tình huống vi phạm, gửi về trung tâm, thông báo và thu phạt, thì chỉ trong 03 tháng, giao thông và ý thức sẽ cải thiện một cách trông thấy.

·        Giảm nhân lực cho việc kiểm soát giao thông trên đường mà vẫn nâng cao ý thức, bảo đảm giao thông. Mỗi lần xử lý phạt không ảnh hưởng tới lưu thông trên đường. Giảm sự nguy hiểm đối với người quản lý giao thông.

·        Tuy thời gian đi lại của ô tô sẽ lâu hơn trước, nhưng chủ động hơn về mặt thời gian. Có thể trước đây có lúc chỉ đi 15 phút (nếu đường thông), có lúc hàng tiếng đồng hồ do tắc đường. Với biện pháp này, có thể tính trước thời gian cho một điểm đến, tuy lâu hơn, nhưng chắc chắn và ít lỡ hẹn hơn.

Trên đấy là một số suy nghĩ về giải pháp ngắn hạn có thể đáp ứng nhu cầu giao thông, có thể đáp ứng tạm thời trong vòng 10 đến 20 năm. Sau 20 năm, cần có biện pháp mang tính bền vững và tổng thể hơn. Biện pháp dài hạn xin được trình bày sau.

                        Nguyễn Tuấn Anh

 

LTS Dân trí - Bài viết trên nêu lên ý tưởng mới trong việc giải quyết ùn tắc giao thông. Xuất phát từ đặc điểm các pgương tiện giao thông ở nước ta, trong đó xe máy vẫn là chủ yếu ở các đô thị, vì vậy việc phân luồng đường cần ưu tiên cho phương tiện xe máy, đồng thời nên hạn chế việc dùng ô tô cá nhân, vừa chiếm nhiều diện tích mặt đường vừa phát sinh nhiều ô nhiễm hơn xe máy.

Mặt khác, nên thay đổi cách quản lý xe ô tô chạy trên đường, sử dụng thẻ điện tử đăng ký xe ô tô và tăng cường hệ thống ca-mê-ra và sử dụng máy ảnh chụp những trường hợp vi phạm và “tự động hóa” quá trình xử phạt, làm cho việc xử phạt kịp thời và nghiêm minh hơn.

Đấy là những đề xuất của tác giả viết bài trên đây, mong được các cơ quan có trách nhiệm quản lý giao thông nghiên cứu và vận dụng những điều phù hợp với thực tế, để làm giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra hằng ngày ở những thành phố lớn hiện nay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm