Biện pháp chống ùn tắc và tai nạn giao thông
Tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông ở nước ta vẫn xảy ra nghiêm trọng, nhất là trong những dịp lễ Tết. Chúng ta nên rút kinh nghiệm của nước ngoài để điều hành giao thông tốt hơn.
Tình trạng giao thông cũng như người tham gia giao thông ở nước ta đều rất lộn xộn.
Một trong những hiện tượng phổ biến khi ùn tắc giao thông là các phương tiện lưu thông cực kỳ lộn xộn, không hề theo một quy củ nào cả. Mặc dù đường xá còn chật hẹp trong khi phương tiện giao thông ở nước ta phát triển nhanh (nhất là xe máy) là một nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, nhưng còn một nguyên nhân quan trọng khác là tình trạng giao thông nước ta quá lộn xộn.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Ở nước ta, hầu như rất ít nơi có quy định này. Vì chiều rộng mỗi làn đường là thích hợp dành cho xe bốn bánh và quá rộng so với xe gắn máy, không thể bắt các phương tiện là xe gắn máy lưu thông nối tiếp nhau trên mỗi làn đường như vậy. Điều đó đã dẫn tới tình trạng chen lấn nhau đi trên đường mà ta vẫn gặp phải hàng ngày.
Để giải quyết vấn đề nêu trên, có thể nêu ra một số biện pháp như sau:
a . Nếu dành làn đường cho ô tô và xe máy đi riêng thì nên chia mỗi làn đường hiện nay thành 2 làn đường nhỏ dành cho xe gắn máy. Tức là, mỗi làn đường dành cho 1 xe ôtô sẽ tương đương với 2 làn đường nhỏ cho phép 2 xe gắn máy được phép lưu thông song song.
Tuy nhiên, cần hiệu chỉnh bề rộng mỗi làn đường cho phù hợp với lọai xe gắn máy.
b. Có thể để xe ô tô và xe máy chạy cùng trên một con đường, nhưng cho xe máy đi trên 1 làn đường nhỏ và ô tô đi trên 1 làn đường lớn. Việc chia làn đường dành riêng cho ô tô và xe gắn máy có thể gây nên sự lãng phí bởi ở mỗi thời điểm nhất định và mỗi con đường nhất định, lượng xe bốn bánh lưu thông quá thấp và lượng xe gắn máy quá nhiều và ngược lại. Tuy nhiên, cần khuyến khích các phương tiện cơ giới lớn nói riêng hay xe bốn bánh nói chung đi trên làn đường phía ngoài và các phương tiện nhỏ như xe đạp, xe gắn máy đi vào làn đường phía trong.
c. Nghiêm cấm dừng xe bốn bánh trên đường phố, đặc biệt là các con phố có lượng lưu thông lớn. Để giải quyết vấn đề này cần lập ra các bãi đỗ xe dành cho ô tô và xe cơ giới ở một số nơi trong thành phố. Điều này có thể làm giảm thiểu ùn tắc giao thông.
d. Cho phép xe đạp đi trên đường phố và trên lề đường. Tôi thấy ở Nhật, xe đạp thường có thói quen đi lại trên lề đường. Ở nước ta, các phương tiện là xe gắn máy đang tăng lên khá nhiều và xe đạp đang ngày càng trở thành phương tiện giao thông ít phổ biến, nên việc cho phép xe đạp giao thông trên lề đường sẽ không gây ảnh hưởng gì lớn và còn giúp giảm bớt nguy hiểm cho người đi xe đạp.
Muốn xây dựng ý thức và nền nếp văn hóa giao thông, chúng ta cần có những quy định cụ thể và đưa vào hệ thống luật pháp giao thông:
a. Về việc bấm còi xe: Cần quy định lại những trường hợp cần thiết phải bấm còi xe như thông báo cho phương tiện giao thông khác ở những ngã tư bị che khuất tầm nhìn, hoặc thông báo cho phương tiện giao thông phía trước nếu phương tiện đó không chịu lưu thông quá 5 giây kể từ khi đèn xanh bật sáng. Cần đưa ra những quy định nghiêm cấm việc bấm còi xe bừa bãi, gây ra tình trạng “ô nhiễm” tiếng ồn, nhất là trong thành phố.
b. Về việc nhường đường: Ở nước ta không có ý thức nhường đường. Ai cũng muốn vượt lên trước để đi mà không cần biết đó là việc làm sai. Một nguyên nhân nữa là do không hề có quy định các xe máy nối tiếp nhau đi như tôi đã đề cập ở trên.
Một điều không bình thường gây ra sự bức xúc đối với nhiều người là ô tô hay các phương tiện cơ giới lớn thường có thói quen bấm còi xe inh ỏi để yêu cầu các phương tiện nhỏ như xe máy, xe đạp nhường đường để vượt lên trước. Ở các nước phát triển thì không thế, trên mỗi con đường, các phương tiện bình đẳng với nhau. Các phương tiện đi thẳng được quyền giao thông rất thoải mái và các phương tiện phải nối tiếp nhau, không có chuyện xe gắn máy phải nhường đường cho xe ô tô. Các phương tiện muốn rẽ trái hoặc rẽ phải cần chờ các phương tiện đi thẳng qua hết mới được rẽ. Tại các ngã tư, các phương tiện muốn rẽ phải chờ cho người đi bộ qua hết rồi mới được đi tiếp.
Ngoài những điều nói trên, chúng ta còn phải lưu ý về ý thức chấp hành luật lệ giao thông, vì vậy cần có biện pháp thiết thực để tăng cường ý thức này của người dân.
Việc học lái xe máy và thi lấy bằng lái xe máy ở nước ta còn quá sơ sài. Tôi là người đã dự khóa học như vậy nhưng không được cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về các quy định như khi nào thì nên vượt, khi nào thì nên rẽ trái, rẽ phải, nhường đường thế nào…
Việc tuyên truyền giáo dục luật lệ giao thông để nâng cao ý thức chấp hành của người dân còn cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều biện pháp từ giáo dục trong nhà trường đến việc tuyên truyền hằng ngày qua hệ thống báo chí, phát thanh và truyền hình của trung ương và các địa phương.
Đi đôi với tăng cường tuyên truyền giáo dục, còn cần tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm soát giao thông, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm để làm gương cho mọi người.
Trên đây chỉ là một số suy nghĩ của cá nhân với mong muốn tình hình giao thông ở nước ta sớm được cải thiện. Chắc chắn những ý kiến của tôi chưa đầy đủ, mong được lắng nghe nhiều kiến đóng góp khác.
TPHCM
Vận dụng kinh nghiệm điều hành giao thông của nước ngoài cũng là điều cần thiết, nhưng cần vận dụng sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.
Chúng tôi hoan nghênh ý kiến đóng góp của tác giả bài viết trên và mong tiếp tục nhận được ý kiến tham gia về chủ đề này.